Ông Huỳnh Đức Thơ: Đà Nẵng sẽ thương lượng để lấy lại sân vận động Chi Lăng

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
12/07/2018 13:24 GMT+7

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết TP.Đà Nẵng sẽ thương lượng để lấy lại sân vận động Chi Lăng trong quá trình thi hành án.

Ngày 12.7, kỳ họp thứ 7 HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9 tiếp tục diễn ra với ngày làm việc thứ 2.
Chuẩn bị quyết tâm và nguồn lực để lấy lại sân vận động Chi Lăng
Phát biểu tiếp thu và giải trình các vấn đề nổi lên của TP.Đà Nẵng trong thời gian gần đây, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết thời gian tới, riêng lĩnh vực văn hóa, TP sẽ có những “đương đầu lớn hơn”. “Và đòi hỏi phải có sự lãnh đạo mạnh mẽ và kiên trì hơn. Ví dụ, sân vận động Chi Lăng. Vừa rồi các phương tiện truyền thông đã đưa tin sân vận động Chi Lăng trong thời gian thi hành án”, ông Thơ nói.
Theo ông Thơ, hiện sân vận động này đang trong quá trình thi hành án với 14 lô đất “thành 14 mảnh vỡ”.
“Chúng tôi đã báo cáo Thành ủy và HĐND, TP.Đà Nẵng sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, tòa án và các cơ quan liên quan để xin thương lượng và lấy lại sân vận động phục vụ nhu cầu phát triển văn hóa xã hội, phát triển địa phương”, ông Thơ khẳng định.

“TP.Đà Nẵng không ủng hộ và không thể nào làm được khi 14 lô đất chia ra, trở thành 14 dự án, khu vực chia cắt tổng thể sân vận động Chi Lăng. Việc này chúng tôi sẽ báo cáo các ngành chức năng sớm nhất và đây cũng là quyết tâm của TP.Đà Nẵng. Chúng ta phải chuẩn bị quyết tâm và nguồn lực để thương lượng với các cơ quan liên quan nhằm lấy lại sân vận động Chi Lăng trong quá trình thi hành án”, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng nói.

Sân vận động Chi Lăng với thương vụ “ma quỷ” khiến nhiều cán bộ bị kỷ luật ẢNH: HOÀNG SƠN

Truy trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra xây dựng trái phép

Đề cập đến công tác quản lý trật tự đô thị, người đứng đầu chính quyền TP.Đà Nẵng cho hay trong thời gian tới, UBND TP.Đà Nẵng sẽ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh những bất cập trong quy hoạch, chấn chỉnh quyết liệt trong xây dựng đô thị.

UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành quy chế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, trong đó có ban hành quy chế phối hợp đối với các ban, ngành, các đơn vị… trong kiểm tra, xử lý vi phạm. “Sự yếu kém về năng lực quản lý trật tự đô thị đã gây ra những hậu quả nặng nề, hình thành nên những khu dân cư đối phó không đầy đủ tiện ích, chiếm dụng đất công và hợp thức hóa các giấy tờ đất đai”, ông Thơ nhìn nhận.

“Tình trạng tiêu cực phổ biến ở một số xã phường hiện nay, một số dự án sẽ vướng vào việc đền bù quá cao và áp lực bố trí tái định cư quá lớn. Nhà trái phép dày đặc khiến không có khả năng giải tỏa. Một số khu vực xảy ra tình trạng xây dựng nhà trái phép kéo dài nhiều năm”, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng nói thêm.

Ông Thơ cũng cho biết UBND TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo kiên quyết, chuyển tất cả những hồ sơ phát hiện được sang cơ quan thanh tra, điều tra để tiến hành xử lý nghiêm túc và thích đáng những vi phạm. “Cần truy cứu trách nhiệm của các cá nhân đứng đầu địa phương, đơn vị nơi để xảy ra vụ việc; không bao che dung túng làm cho kỷ cương phép nước nhờn đi”, ông Thơ khẳng định,

“Cần đề cập đến chính quyền địa phương, quận, phường không phát hiện kịp thời, không giám sát. Nhiều nơi có tình trạng bao che, xuê xoa, anh được, tôi được. Các cấp chính quyền cường giám sát, cần thiết có những hình thức kỷ luật thích đáng”, ông Thơ nói thêm.

Về công tác đền bù giải tỏa, ông Thơ cho rằng, hiện TP.Đà Nẵng tồn tại tình trạng đình trệ, phổ biến tâm lý ngại khó, ngại va chạm, ngại tiếp xúc và xử lý công việc với nhân dân. Đặc biệt, một số cá nhân liên quan đến giải tỏa đền bù có hành vi tiêu cực, những nhiễu.

“Sau khi có đồng ý của Thường trực Thành ủy về nhân sự Giám đốc Trung tâm Khai thác quỹ đất, chúng tôi yêu cầu Sở TN-MT tập trung chấn chỉnh và rà soát lại bộ máy trung tâm, các hoạt động của hội đồng giải phóng mặt bằng”, ông Thơ chỉ đạo.

Về dự án Nhà máy thép Dana Úc - Dana Ý gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc, ông  Huỳnh ĐứcThơ, Chủ tịch UBDN TP.Đà Nẵng, cho biết thực hiện ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện các thủ tục đúng quy định để dừng hoạt động nhà máy thép của 2 công ty.
TP.Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu 2 công ty chuyển đổi không nấu luyện phôi thép gây ô nhiễm, chỉ hoạt động cán thép hoặc chuyển sang hoạt động kinh doanh lĩnh vực khác phù hợp với quy hoạch.
Dự kiến tháng 8, UBND TP.Đà Nẵng sẽ báo cáo cho Thường trực HĐND TP.Đà Nẵng xem xét phương án xử lý đối với 2 dự án này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.