Theo đó, tối 20.9, trinh sát PC46 bắt quả tang Trần Hữu Tâm (52 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) chạy xe máy chở 230 hộp Vitamin C (loại 6 lọ/hộp) giả một nhãn hiệu lớn của nước ngoài. Tâm khai, số thuốc giả này do Trần Thị Minh Hằng (55 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) thuê Tâm sản xuất, chở đi giao cho Dương Hồng Sơn (ngụ tỉnh Phú Yên).
Từ đầu năm 2017 đến nay, Hằng mua thuốc do Việt Nam sản xuất đưa cho Tâm mang về nhà ở hẻm 364 Tô Ký (P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM) để bóc tách, dán nhãn thuốc do nước ngoài sản xuất rồi bán sỉ cho khách.
tin liên quan
Thuốc giả - thuốc kém chất lượng 'lọt' vào Việt Nam: Lỗ hổng ở đâu?Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện công tác cấp phép nhập khẩu, đăng ký thuốc của Bộ Y tế.
Bao bì thuốc giả được cung cấp bởi Võ Văn Thao (chưa rõ danh tính). Khám xét Công ty TNHH in ấn Q.T trên đường Nguyễn Văn Luông, P.12, Q.6 (nơi Thao thuê in bao bì thuốc giả), PC46 thu giữ 4 khuôn in ấn bao bì thuốc giả; 55 kg vỏ hộp, giấy hướng dẫn sử dụng thuốc.
Tại Phú Yên và Bình Định, PC46 khám xét nhà của Sơn, Thanh, thu giữ hàng chục ngàn hộp, lọ, vỉ thuốc và hàng ngàn vỏ hộp, 33,5 kg bao bì. Bước đầu, Sơn khai, trong số thuốc bị thu giữ, có 6 thùng thuốc, bao bì giả mua của Hằng; số còn lại do Sơn mua bán bên ngoài.
Hằng khai nhận đã được một ông “trùm” sản xuất thuốc giả tên Mỹ “truyền nghề”. Từ tháng 10.2016, Hằng bảo chồng (Đồng) ra Trung tâm thuốc Tây ở Q.10 (TP.HCM) mua thuốc do VN sản xuất; thuê Thao thiết kế tem, bao bì, bỏ hộp… để Hằng và Tâm bóc tách thuốc nội, dán tem, cho vào bao bì mang tên thuốc ngoại. Ngoài thuốc giả cung cấp cho Sơn, Thanh, Hằng còn cung cấp cho Trường (ngụ Nam Định) nhưng không nhớ địa chỉ. Hằng cũng cung cấp bao bì mẫu mã để Sơn sản xuất thuốc giả trị đau dây thần kinh, để Hằng bán cho Thanh hưởng chênh lệch 3.000 đồng/hộp.
Sơn khai sản xuất thuốc giả bán cho Hằng 1.400 hộp; bán cho các cửa hàng thuốc ở TP.Tuy Hòa và một số huyện ở tỉnh Phú Yên với số lượng khoảng 500 hộp.
|
Từ tháng 8.2016 đến lúc bị bắt, Hằng hướng dẫn Thanh sản xuất thuốc giả trị đau dây thần kinh, đồng thời cung cấp vỏ hộp, tem vitamin dạng ống các loại để sản xuất thuốc giả nhãn hiệu khác với giá cao hơn 60.000 đồng/hộp. Tính đến ngày bị bắt, Thanh sản xuất được 20.000 hộp thuốc giả loại đau dây thần kinh, vitamin, bán lại cho Hằng và các cửa hàng thuốc ở Bình Định.
Với những chứng cứ trên, PC46 vừa tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam Hằng, Đồng, Thanh, Sơn về tội “sản xuất thuốc, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”; Tâm, Thao về tội “sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.
Bình luận (0)