Phải ‘bứng’ 3 khách sạn ngàn tỉ - Kỳ 2: Lãnh đạo tỉnh Bình Định nói gì?

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
23/06/2019 10:30 GMT+7

Lãnh đạo tỉnh Bình Định đã có những thông tin bước đầu liên quan đến việc phải “bứng” 3 khách sạn ngàn tỉ ven biển Quy Nhơn.

Đã có phương án di dời khách sạn Bình Dương
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết toàn bộ không gian biển của vịnh Quy Nhơn là để cho dân, không giao cho nhà đầu tư nào, để bất kỳ ai xuống biển cũng được.

Tỉnh rất cân nhắc, rút kinh nghiệm các địa phương khác. Không gian biển phải để cho dân, đó là niềm tự hào của chúng ta. Toàn bộ không gian biển của vịnh Quy Nhơn là để cho dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng

Theo đó, sau khi đã giải tỏa thành công Nhà khách Binh đoàn 15, lãnh đạo tỉnh Bình Định tiếp tục triển khai thu hồi đất tại khách sạn Bình Dương (2 sao) và lên kế hoạch di dời 2 khách sạn Hải Âu (4 sao), Hoàng Yến (4 sao) để trả lại không gian ven biển cho người dân.
Theo ước tính của giới xây dựng, trị giá xây dựng của 3 khách sạn ven biển Quy Nhơn này, lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Về di dời 3 khách sạn ngàn tỉ ven biển Quy Nhơn, ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Định, cho biết đơn vị này được UBND tỉnh Bình Định giao định giá tài sản tại khách sạn Bình Dương (do Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 quản lý). Hiện lãnh đạo Binh đoàn 15 cũng đã thống nhất trả lại đất, di dời khách sạn Bình Dương, đồng thời yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bình Định tính toán bồi thường và bố trí đất thay thế tương xứng, để xây dựng công trình an dưỡng phục vụ cho cán bộ của binh đoàn.
Sở TN-MT tỉnh Bình Định cũng đã nhiều lần làm việc với Binh đoàn 15, trong đó chủ yếu tập trung vào 2 việc chính là định giá di dời khách sạn Bình Dương và bố trí lại đất nơi khác cho đơn vị này.
Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Bình Định đã thuê đơn vị tư vấn độc lập định giá giá trị tài sản tại khách sạn Bình Dương, sau đó gửi qua Sở Tài chính Bình Định thẩm định. Ngày 5.6, Sở Tài chính Bình Định đã có văn bản trả lời và Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Bình Định (thuộc Sở TN-MT tỉnh Bình Định) đã trình kết quả lên UBND tỉnh. Ngày 17.6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã ký quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tài sản do thu hồi đất của khách sạn Bình Dương.
Sở TN-MT tỉnh Bình Định cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan, giới thiệu đất cho Binh đoàn 15. Hiện 2 bên đồng ý khu đất trên đường Nguyễn Văn Trỗi, TP.Quy Nhơn.
Khách sạn Bình Dương ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Khách sạn Hoàng Yến và Hải Âu sẽ được “bứng” theo lộ trình
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết đối với các khách sạn Hải Âu và Hoàng Yến, tỉnh Bình Định sẽ căn cứ vào thời hạn hợp đồng cho thuê đất để giải tỏa. Khách sạn Hải Âu sẽ hết hạn thuê đất trong năm 2019, hiện Công ty CP xây dựng 47 (đơn vị chủ quản khách sạn Hải Âu) đang xin UBND tỉnh Bình Định gia hạn thêm. Trong khi đó, khách sạn Hoàng Yến có thời hạn thuê đất đến năm 2052.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty CP khách sạn Hoàng Yến (đơn vị chủ quản hệ thống các khách sạn mang tên Hoàng Yến tại tỉnh Bình Định), cho biết lãnh đạo tỉnh Bình Định đã đề nghị doanh nghiệp này di dời khách sạn Hoàng Yến trên đường An Dương Vương trước khi hết hạn cho thuê đất, để trả lại không gian biển cho cộng đồng.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này của tỉnh Bình Định để cho bờ biển Quy Nhơn thông thoáng hơn. Vấn đề là tỉnh Bình Định phải tính toán làm sao để đảm bảo hài hòa quyền lợi của các bên", ông Vũ chia sẻ. 
 
Khách sạn 4 sao Hoàng Yến
Khách sạn 4 sao Hải Âu ẢNH: HOÀNG TRỌNG
 

Để người dân tiếp cận biển tốt hơn

Ông Hồ Quốc Dũng cho biết TP.Quy Nhơn được quy hoạch định theo hướng thành phố hiện đại nhưng có bản sắc riêng, giữ được những cảnh quan thiên nhiên. Quy hoạch không gian biển vịnh Quy Nhơn với trục đường chính là đường An Dương Vương và đường Xuân Diệu.
Trục đường Xuân Diệu - An Dương Vương (TP.Quy Nhơn) chỉ cấp phép vài nhà cao tầng để làm điểm nhấn ẢNH: HOÀNG TRỌNG 
Dọc những tuyến đường này, tỉnh Bình Định chỉ quy hoạch một số công trình cao tầng nằm ở phía tây trục đường để tạo điểm nhấn, chứ không ưu tiên phát triển nhà cao tầng dọc bờ biển tràn lan như các địa phương khác. Tất cả công trình che khuất tầm nhìn ra biển đều bị giải tỏa theo lộ trình để tạo không gian thông thoáng cho phố biển Quy Nhơn.
UBND tỉnh Bình Định cũng phê duyệt đầu tư 244 tỉ đồng để triển khai dự án mở rộng đường Xuân Diệu. Dự án này bao gồm công viên biển Xuân Diệu, khu quảng trường, khu bãi đỗ xe - nhà vệ sinh bán ngầm, khu vườn ánh sáng, khu triển lãm tượng điêu khắc, khu vườn thực vật, khu sân sinh hoạt nhóm, khu đường sách - triển lãm du lịch, khu thể dục - thể thao tập trung, khu thể dục - thể thao tự do, khu trò chơi trẻ em…
“Tỉnh rất cân nhắc, rút kinh nghiệm các địa phương khác. Không gian biển phải để cho dân, đó là niềm tự hào của chúng ta. Toàn bộ không gian biển của vịnh Quy Nhơn là để cho dân, không giao cho bất cứ nhà đầu tư nào, để bất kỳ ai xuống biển cũng được hết. Làm vậy dân có chỗ đi bộ tập thể dục rồi ngồi ghế đá công viên”, ông Hồ Quốc Dũng nói. 
Bác đề xuất lấp bãi biển hình trăng khuyết
Ngày 25.4.2014, Công ty CP Phúc Lộc (Ninh Bình) bất ngờ có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định về việc xin chủ trương đầu tư xây dựng khu đô thị lấn biển TP.Quy Nhơn theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), đoạn nằm trong bãi tắm từ Mũi Tấn đến Khu du lịch Ghềnh Ráng.
Khu đô thị lấn biển này có diện tích quy hoạch 300 ha, bao gồm các khu: trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ; khách sạn, resort cao cấp; du lịch, giải trí; biệt thự, nhà liền kề; quảng trường trung tâm và bãi tắm công cộng.
Tuy nhiên, dự án này bị nhiều người dân, cán bộ, Hội Kiến trúc sư tỉnh Bình Định… phản đối gay gắt. Bởi nếu dự án này triển khai, toàn bộ bãi biển Quy Nhơn có chiều dài 5 km sẽ bị lấp, thay vào đó là tuyến đường ven biển và khu đô thị do Công ty CP Phúc Lộc quản lý, kinh doanh.
Hơn nữa, việc Công ty CP Phúc Lộc nói sẽ tái tạo lại bãi biển mới tại Quy Nhơn được đánh giá là rất khó khả thi.
Sau đó, UBND tỉnh Bình Định bác ý tưởng của Công ty CP Phúc Lộc vì cho rằng xây dựng đường, khu đô thị lấn biển là phản khoa học, thiếu thực tế. Nhờ vậy, bãi biển Quy Nhơn có hình vầng trăng khuyết tuyệt đẹp còn giữ được cho đến ngày nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.