Phạm vi trưng cầu ý dân cần ở cả tầm quốc gia và địa phương

24/06/2015 05:20 GMT+7

Thảo luận ở hội trường về dự án luật Trưng cầu ý dân chiều qua 23.6, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng nên có quy định vai trò của Đảng vào luật.

Thảo luận ở hội trường về dự án luật Trưng cầu ý dân chiều qua 23.6, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng nên có quy định vai trò của Đảng vào luật.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo phát biểu tại phiên thảo luận dự luật Trưng cầu ý dân Đại biểu Đồng Hữu Mạo phát biểu tại phiên thảo luận dự luật Trưng cầu ý dân - Ảnh: Ngọc Thắng

Cần quy định vai trò của Đảng

Theo ĐB Cương, những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân (TCYD) đều là những vấn đề hệ trọng, nên trước khi tiến hành phải có ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH T.Ư. “Đó là việc cần làm và phải làm. Quyết định của QH thực chất là việc thực hiện sự chỉ đạo của Đảng về vấn đề đó. Đây là vấn đề tế nhị nhưng thực ra chúng ta vẫn thực hiện. Vậy, có nên đưa thành quy định của luật hay không”. ĐB Cương cho biết quan điểm cho rằng đây là văn bản của nhà nước, cho nên không quy định Đảng ở trong đó nhưng theo ĐB Cương không cần phải né tránh điều này. Lý do theo ĐB Cương là “Hiến pháp cũng có thể quy định về Đảng thì trong luật cũng có thể quy định được”.

Liên quan đến quy định ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH có quyền đề nghị TCYD là phù hợp với luật Tổ chức Quốc hội, ĐB Cương cho rằng điều quan trọng là làm thế nào để tập hợp được 1/3 ĐBQH. Ai là người đứng ra để tập hợp? “Theo quy định về Tờ trình QH, nếu đề nghị đó của 1/3 ĐBQH thì ai đứng ra làm tờ trình và ai ký vào tờ trình để gửi UBTVQH, ai là người đủ tư cách để đại diện hay ai ký cũng được? Quy định như trong dự thảo tôi nghĩ rất khó thực hiện”, ĐB Cương nêu quan điểm.

Liên quan đến phạm vi TCYD, ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng quy định như dự thảo rằng “những vấn đề đưa ra TCYD phải là những vấn đề có ý nghĩa tầm quốc gia đề toàn dân quyết định, còn những vấn đề mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến của nhân dân” là chưa hợp lý vì tính chất và hệ quả pháp lý của hình thức lấy ý kiến nhân dân hoàn toàn khác so với hình thức TCYD. Theo phân tích của ĐB Niễn, trong khi TCYD được tổ chức theo quy trình, thủ tục chặt chẽ, kết quả của TCYD có giá trị quyết định thì việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được thực hiện một cách đơn giản, tỷ lệ phần trăm lựa chọn phương án là bao nhiêu không được chú trọng và kết quả không có giá trị quyết định mà chỉ mang tính chất thông tin tham khảo. Quyền quyết định vẫn thuộc về các cơ quan có thẩm quyền.

“Như vậy là không công bằng và quyền thực thi dân chủ trực tiếp của người dân của địa phương không được coi trọng, mặc dù những vấn đề đặt ra có thể là những vấn đề sống còn bức xúc của địa phương khu vực. Ví dụ, sự an toàn hồ đập, thủy điện, thủy lợi, an toàn hạt nhân, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhập, chia các đơn vị hành chính...”, ĐB Niễn nói và đề nghị phạm vi TCYD được thực hiện ở cả tầm quốc gia và ở địa phương.

Đồng tình với quan điểm này ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng cần quy định rõ là có những vấn đề tưởng như chỉ liên quan đến một và một số địa phương, nhưng thực ra có tầm quan trọng quốc gia. ĐB Nghĩa nêu ví dụ, vịnh Hạ Long cho dù có giao cho tỉnh Quảng Ninh trực tiếp quản lý nhưng đó là tài sản quốc gia và không thể chỉ do UBND, nhân dân tỉnh Quảng Ninh trưng cầu và quyết định. “Do đó, phải có luật pháp làm rõ là những lĩnh vực hay tài sản do chính quyền địa phương quản lý, nhưng vì tầm quan trọng quốc gia của nó nên phải do chính quyền trung ương quyết định”.

Người dân, báo chí có được phân tích về nội dung TCYD ?

Đây là câu hỏi được ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) nêu ra liên quan đến quy định về thông tin tuyên truyền chưa được đưa vào dự luật. “Chúng ta có cho phép báo chí, các học giả nhân dân phân tích sâu nội dung đưa ra TCYD không. Có cho phép tổ chức, cá nhân công khai ý kiến của mình trên phương tiện thông tin trước khi tổ chức lấy ý kiến biểu quyết về TCYD không. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, nếu cho thì sao và không cho thì sao?”, ĐB Mạo nêu vấn đề.

Theo ĐB Mạo, thực hiện TCYD là một bước tiến mới trong tiến trình dân chủ hóa của đất nước ta, nhưng nó tiềm ẩn bất ổn có thể xảy ra nếu làm không chặt chẽ. ĐB đề nghị cần nghiên cứu vấn đề này, đưa vào dự thảo luật để QH thảo luận mà không nên né tránh hay bỏ qua. “Muốn hay không thì việc phân tích, mổ xẻ vấn đề đưa ra TCYD sẽ không tránh khỏi”, ĐB Mạo khẳng định.

Thẩm phán khó xử khi dân kiện “quan”

Sáng 23.6, thảo luận tại hội trường về dự án luật Tố tụng hành chính sửa đổi, nhiều ĐBQH cho rằng hiện nay, việc người dân kiện quan chức ở địa phương rất khó khăn. Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thành Bộ nói: “Hiệu quả giải quyết án hành chính chưa cao, tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa cũng cao, có một nguyên nhân là do thẩm phán cấp huyện còn có sự e ngại, nể nang và áp lực khi tuyên xử quyết định của chủ tịch UBND cấp huyện. Thực tế hiện nay chính quyền cấp huyện xem tòa án như là một cơ quan phòng ban chuyên môn, nên ảnh hưởng đến vị thế, sự độc lập của tòa án”.

Chánh án Tòa án quân sự T.Ư, ĐB Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng, thẩm phán luôn chịu áp lực về tổ chức cán bộ, tái bổ nhiệm ở lãnh đạo huyện nên khó khách quan. “Nên để việc khiếu kiện ở huyện này có thể chuyển qua huyện khác xử, như thế sẽ giảm áp lực cho thẩm phán mà vẫn thực hiện được việc mở rộng thẩm quyền của tòa ấp huyện”, ông Độ đề xuất.

Trong khi đó, Phó đoàn ĐBQH Đà Nẵng, ông Huỳnh Nghĩa cho rằng: “Thực tế từ năm 2010, QH khóa 12 đã thông qua luật Tố tụng hành chính, khi đó đã là bước tiến quan trọng cải cách tư pháp. Chứ nay lại cho rằng năng lực của các cán bộ thẩm phán cấp huyện còn hạn chế, án bị hủy cao hơn nên sửa điều 29, 30 của luật hiện hành là không thuyết phục’’. Theo ông Nghĩa, việc án hành chính bị hủy cao so với các loại án khác là do một số cán bộ thiếu năng lực chứ không phải do lo sợ né tránh. ĐB này đề nghị giữ nguyên quyền xét xử án hành chính của cấp huyện như hiện nay để tạo thuận lợi giảm thời gian đi lại cho nhân dân khi có việc với tòa án.

Hà Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.