Trưng cầu ý dân

28/05/2015 05:40 GMT+7

Hiện trên thế giới có 167 quốc gia và vùng lãnh thổ có luật Trưng cầu ý dân , nhiều nước đã và đang sử dụng trưng cầu ý dân như là một phương thức hữu hiệu trong hoạt động quản lý, điều hành đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền. Và hôm nay, Hội Luật gia VN cũng sẽ trình ra Quốc hội luật Trưng cầu ý dân - một dự luật đã nằm trong kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh từ năm 2006.

Hiện trên thế giới có 167 quốc gia và vùng lãnh thổ có luật Trưng cầu ý dân, nhiều nước đã và đang sử dụng trưng cầu ý dân như là một phương thức hữu hiệu trong hoạt động quản lý, điều hành đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền. Và hôm nay, Hội Luật gia VN cũng sẽ trình ra Quốc hội luật Trưng cầu ý dân - một dự luật đã nằm trong kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh từ năm 2006.
Sau rất nhiều lần thảo luận tại Ủy ban Thường vụ QH và Hội nghị ĐBQH chuyên trách, sự cần thiết phải ban hành luật Trưng cầu ý dân không còn là vấn đề phải bàn cãi. Hai chuyện quan trọng nhất bây giờ cần QH quyết định chỉ còn là: Vấn đề trưng cầu ý dân và chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.
Hiện tại, ban soạn thảo đang đề nghị dừng lại ở mức trưng cầu ý dân với những vấn đề về Hiến pháp và “những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của QH”. Quy định này chung chung hơn nhiều dự thảo lấy ý kiến hồi tháng 2.2015, quy định cụ thể những vấn đề trưng cầu ý dân: quyền con người, quyền công dân, việc gia nhập các điều ước quốc tế... Kinh nghiệm áp dụng luật pháp ở VN cho thấy càng quy định cụ thể, rõ ràng càng dễ thực hiện; việc quy định chung chung chính là nguyên nhân của việc pháp luật bị hướng dẫn sai hoặc méo mó trong thực tế.
Ở các nước, bên cạnh quy định vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân, còn có cả các quy định về những vấn đề không được đưa ra trưng cầu ý dân. Chẳng hạn, pháp luật các nước không đưa ra trưng cầu ý dân với các vấn đề về ngân sách, tài chính quốc gia; các vấn đề gắn với chế độ, thể chế chính trị, uy tín của nguyên thủ quốc gia như cách thức tổ chức quyền lực nhà nước, địa vị pháp lý của nhà vua... Luật Trưng cầu ý dân của VN cũng nên quy định rõ ràng và cụ thể một số vấn đề không được đưa ra trưng cầu ý dân.
Dự thảo luật hiện trình 2 phương án về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.
Phương án 1, chỉ UB Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số ĐBQH có quyền đề nghị trưng cầu ý dân; Phương án 2 mở rộng thêm một số chủ thể khác có quyền sáng kiến pháp luật cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.
Phương án nào rồi đây sẽ do QH quyết định. Nhưng về mặt nguyên lý, trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp, trong đó nhân dân được trực tiếp quyết định các vấn đề của nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, nhân dân phải có quyền trực tiếp đề đạt vấn đề thấy cần trưng cầu ý dân. Do đó, hiện cũng đang có nhiều đề xuất cho rằng cần quy định nhân dân cũng có quyền trình kiến nghị về trưng cầu ý dân khi có được một số lượng chữ ký nhất định.
Trưng cầu ý dân có nhiều ưu thế hơn so với các hình thức dân chủ đại diện, nhưng đương nhiên việc thực hiện có thể gặp nhiều phức tạp hơn. Nhưng nói như Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng “Hiến pháp đã nói rồi thì phải làm, QH chúng ta phải làm cho được”. Do vậy, việc xác định rõ những vấn đề cụ thể là tối cần thiết, nhằm hạn chế các rào cản trong thực tế áp dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.