Theo báo cáo của TANDTC, mỗi năm, số lượng các loại vụ án mà toàn ngành phải thụ lý, giải quyết tăng khoảng trên 30.000 vụ. Các bản án tuyên không rõ ràng hay cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật đã được khắc phục có hiệu quả; công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm năm 2012 đạt tỷ lệ gần 60%, cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Tuy nhiên, đại biểu (ĐB) Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên) cũng như nhiều ĐB khác cho rằng, hiện cả nước còn đến hơn 1.000 bản án chưa rõ ràng và hàng trăm vụ phải đưa lên xét xử giám đốc thẩm. Việc tòa tuyên bản án không rõ ràng khiến việc thi hành án không thể thực hiện. ĐB chất vấn Chánh án TADNTC về trình độ thẩm phán, chất lượng xét xử.
Trả lời ĐB, Chánh án TANDTC cho rằng, thi hành án trễ có hai lý do. Có trường hợp do bản án chưa rõ ràng. Nhưng cũng có trường hợp do bên cơ quan thi hành án chậm thực hiện. Vì vậy, không thể là lỗi hết của tòa án.
Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nêu lên bức xúc của cử tri phản ánh tình trạng tạm hoãn hoặc đình chỉ thi hành án với những lý do bất bình thường như bệnh lao, tâm thần,… nhưng khi về địa phương đối tượng lại rất bình thường chứ không hề có biểu hiện bệnh. ĐB đề nghị Chánh án giải thích liệu có tiêu cực trong việc xét xử.
Ông Bình giải trình việc tạm hoãn hay đình chỉ thi hành án vì lý do bệnh hiểm nghèo là theo đúng quy định của pháp luật. Các quyết định này được đưa ra khi tòa đã nghiên cứu, xem xét kỹ hồ sơ bệnh lý của đối tượng. Cũng có trường hợp không có bệnh mà có hồ sơ thì khi tòa phát hiện ra đều xử lý.
Trong phiên họp, một số ĐB có ý kiến, hiện nay, tham nhũng cho hưởng án treo ở tòa án các cấp chiếm tỷ lệ cao. ĐB đề nghị Chánh án giải trình con số chính xác tỷ lệ tham nhũng hưởng án treo trong các vụ án hiện nay là bao nhiêu? Xử án treo đối với tội tham nhũng vậy có đúng pháp luật không? Có tiêu cực gì trong việc xét xử những mức án treo này không?
Về vấn đề này, Chánh án TANDTC khẳng định: "Các vụ tham nhũng tòa án xét xử theo đúng tội danh truy tố, chứ theo luật không được sửa tội danh cao hơn. So sánh số án tham nhũng được hưởng án treo trong ba năm đã giảm rõ rệt".
Về chất lượng tòa án nói chung, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình nhìn nhận vẫn còn một bộ phận cán bộ, thẩm phán của ngành tòa án còn hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tinh thần trách nhiệm trong công tác chưa cao, nên ảnh hưởng tới hiệu quả công tác. Cá biệt còn có những cán bộ, thẩm phán có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, theo ông Bình, công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của TANDTC trong năm qua chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn công tác xét xử. Chánh án phân tích nguyên nhân là do hệ thống pháp luật của Việt Nam chủ yếu là luật khung nên nhiều vấn đề cần có văn bản hướng dẫn.
Để nâng cao chất lượng công tác xét xử, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, tinh thần trách nhiệm của thẩm phán, hội thẩm nhân dân ở các tòa án, Chánh án TANDTC khẳng định tiếp tục thực hiện chủ trương tạm dừng tái bổ nhiệm các thẩm phán có tỷ lệ án bị hủy, sửa cao (hơn 1,16% trên tổng số vụ án đã xét xử). Trong thời gian tạm dừng việc tái bổ nhiệm thì áp dụng biện pháp cho đào tạo, bồi dưỡng lại.
Đối với những thẩm phán có tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan trên 3% (trong một năm hoặc trong quá trình nhiệm kỳ tính đến thời điểm phát hiện) hay có bản án sai lầm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của đương sự phải bị tạm đình chỉ xét xử để kiểm điểm trách nhiệm, chuyển công tác khác.
Nguyên Mi
>> Cuối tháng 3 xét xử vụ trung tá CSGT bị vợ đầu độc
>> Xét xử đường dây mua bán phụ nữ
>> Án tham nhũng tại Đồng Nai tăng cao
>> Tham nhũng tăng trong mua sắm công
>> Còn nể nang trong phòng chống tham nhũng
Bình luận (0)