Nhiều ĐBQH đề nghị chỉ nên để 2 mức tín nhiệm khi lấy phiếu

06/06/2014 16:24 GMT+7

(TNO) 100% ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ của đoàn thành phố Hồ Chí Minh chiều nay 6.6 về nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đều kiến nghị chỉ nên để 2 mức tín nhiệm khi lấy phiếu.

(TNO) 100% ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ của đoàn thành phố Hồ Chí Minh chiều nay 6.6 về nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đều kiến nghị chỉ nên để 2 mức tín nhiệm khi lấy phiếu.

>> Sẽ sửa quy định về lấy phiếu tín nhiệm
>> Đề nghị lấy phiếu tín nhiệm tới các giám đốc sở
>> Lấy phiếu tín nhiệm: Đề nghị chỉ nên để 2 mức

Theo ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM), sửa Nghị quyết 35 lần này chỉ nên để 2 mức đánh giá tín nhiệm, đó là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.

Đây cũng là quan điểm của nhiều ĐB khác của đoàn TP.HCM. Chủ tịch HĐND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề nghị để 2 mức: tín nhiệm và không tín nhiệm. Nhấn mạnh chưa thấy hoạt động lấy phiếu tín nhiệm trong bất kỳ khâu thăm dò hay đánh giá tín nhiệm cán bộ nào trước nay mà để 3 mức tín nhiệm cả, bà Tâm bày tỏ quan điểm: "Với tầm hiểu biết của mình, tôi thấy chỉ cần 2 mức tín nhiệm thôi. Vị nào được phiếu tín nhiệm nhiều thì gọi là được tín nhiệm cao của QH, ngược lại là tín nhiệm thấp. Cách giải thích 3 mức như chị Nương (Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương trình bày tại QH sáng nay - PV), tôi thấy không thuyết phục".

Bà Tâm cũng đề nghị mỗi nhiệm kỳ nên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 2 lần, lần thứ nhất vào kỳ họp cuối năm của năm thứ 2 nhiệm kỳ, lần 2 là vào kỳ họp cuối của năm thứ tư. “Một năm đã thể hiện được vai trò trách nhiệm của mình trong điều hành và ĐB bao giờ cũng nhìn một cách tổng quát về năng lực của người được lấy phiếu. Còn nếu để tới năm thứ 3 của nhiệm kỳ mới lấy thì là muộn”, ĐB này nói.

Các ĐB của tổ TP.HCM phát biểu sau đó đều tán thành quy định 2 năm một lần lấy phiếu. Thậm chí, theo ĐB Võ Thị Dung, ĐB Trần Du Lịch, QH cần công khai kết quả lấy ý kiến của các đoàn ĐBQH diễn ra trước kỳ họp về nội dung dự thảo Nghị quyết 35, ở các nội dung: mức độ tín nhiệm, thời gian lấy phiếu và đối tượng lấy phiếu.

Phiếu tín nhiệm thấp quá bán nên bỏ phiếu tín nhiệm ngay

Theo quy định tại dự thảo, người được lấy phiếu tín nhiệm có từ quá nửa nhưng chưa đến 2/3 tổng số ĐBQH, ĐB HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban TVQH trình QH, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo; người có từ 2/3 tổng số ĐBQH, ĐB HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban TVQH trình QH, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: "Việc gì phải đặt ra mức 2/3 nữa, cứ lấy phiếu tín nhiệm quá bán là đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Khi bỏ phiếu thì người ta đã có phương án nhân sự rồi. Anh mà không từ chức thì chẳng có ai ủng hộ anh nữa. Theo tôi cứ quá bán nên từ chức, còn không từ chức thì bỏ phiếu tín nhiệm luôn. Khi bỏ phiếu chắc cũng rơi và thay thế thôi. Làm như vậy đơn giản và nhẹ nhàng hơn. Bỏ phiếu xong làm thủ tục miễn, lúc đấy có người thay thế thì quyền lực nhà nước được đảm bảo thường xuyên”.

Đây cũng là kiến nghị của nhiều ĐB đoàn TP.HCM. ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cũng cho rằng: "Một khi đã gọi là bỏ phiếu, có quá nửa bất tín nhiệm thì ở nước khác người ta miễn nhiệm luôn rồi. Ta còn thêm bước bỏ phiếu tín nhiệm, cũng được, nhưng phải nghiên cứu cách làm làm sao để tránh cảm giác như những thí sinh thuộc diện ưu tiên, thi lần 1, lần 2 không đạt, đến năm cuối kiểu gì cũng phải đẩy ra trường, bằng việc sửa đề thi liên tục cho đạt".

Bảo Cầm - Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.