Phát hiện nhiều vụ đẻ thuê, mua bán bào thai, bán con sang Trung Quốc

Vũ Hân
Vũ Hân
04/06/2019 07:54 GMT+7

Một số trường hợp phát hiện các đối tượng đang trên đường đưa phụ nữ Việt Nam mang thai sang Trung Quốc bán con , nhưng lại không xử lý được bằng hành vi “mua bán trẻ em”.

"Bán con" nhưng không xử lý được theo tội "mua bán trẻ em"

Gửi báo cáo đến Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn trước thềm phiên chất vấn sáng nay (4.6), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, lực lượng Công an đã phát hiện khá nhiều vụ buôn bán trẻ em, bào thai qua Trung Quốc.
Đơn cử, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện có 25 trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Kỳ Sơn, mang thai, sang Trung Quốc sinh con, trong đó, đã xác minh làm rõ 5 trường hợp khai nhận sau khi sinh con đã bán lại bên Trung Quốc.
Công an tỉnh Quảng Ninh cũng phát hiện 8 phụ nữ có nơi cư trú tại các tỉnh phía Nam mang thai hộ, đẻ thuê cho người Trung Quốc.
Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện một số vụ việc các đối tượng bên Trung Quốc móc nối, liên lạc với một số đối tượng sinh sống tại tỉnh Nghệ An để tìm mua trẻ em, bào thai của những gia đình dân tộc thiểu số, sau đó, đi qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn để đưa sang Trung Quốc.
Công an TP.HCM phát hiện 5 đối tượng là người Trung Quốc, 3 đối tượng là người Việt Nam tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại...
Tuy phát hiện khá nhiều vụ việc, nhưng theo báo cáo của Bộ trưởng Tô Lâm, việc xử lý còn khá nhiều vướng mắc. Trong các trường hợp đã đề cập trên đây, chỉ có thể xử lý về hành vi tổ chức cho người khác mang thai hộ vì mục đích thương mại theo quy định tại điều 187, bộ luật Hình sự, hoặc nếu trường hợp người phụ nữ sau sinh con và bán ở nước ngoài thì xử lý về tội mua bán người dưới 16 tuổi quy định tại điều 151, bộ luật Hình sự năm 2015.

Chưa có pháp luật điều chỉnh hành vi mua bán bào thai

Đối với các vụ việc dụ dỗ phụ nữ mang thai sang Trung Quốc sinh con đem bán, bản chất của hành vi là “mua bán trẻ em”, nhưng do không giải cứu được nạn nhân (cháu bé) và không có tài liệu, căn cứ nào xác định được mẹ nạn nhân đi Trung Quốc (chỉ có lời khai của mẹ nạn nhân và lời khai của đối tượng), nên việc điều tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn, theo báo cáo của Bộ trưởng Công an.
Công an một số địa phương phát hiện một số vụ việc khi các đối tượng đang trên đường đưa người phụ nữ mang thai đi Trung Quốc để sinh rồi bán con cho người Trung Quốc, nhưng giai đoạn này, người mẹ chưa sinh, nên nếu truy tố về tội “mua bán người” hoặc “mua bán người dưới 16 tuổi” theo điều 150, 151, bộ Luật hình sự thì không phù hợp và chưa có văn bản nào hướng dẫn truy tố về hành vi này.
Hiện nay chưa có quy định pháp luật điều chỉnh đối với hành vi mua bán bào thai.
Chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn bộ luật Hình sự năm 2015, phần liên quan đến tội phạm mua bán người; luật Phòng, chống mua bán người, nhất là liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán,... còn chậm.
Năm 2018, Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ về phòng, chống tội phạm đã đề ra rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới 8 văn bản, nhưng đến nay mới ban hành được Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 11.2.2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Việc nắm tình hình, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm mua bán người, tổ chức mang thai hộ - mua bán bào thai ở một số địa phương còn bị động, chủ yếu phát hiện qua đơn tố giác của người bị hại hoặc gia đình nạn nhân. Một số vụ đã rõ đối tượng phạm tội và có đủ chứng cứ chứng minh hành vi mua bán người, đã xác định được nạn nhân, nhưng nạn nhân chưa được giải cứu hoặc chưa đến trình diện với cơ quan tư pháp, khiến các cơ quan tiến hành tố tụng ở một số địa phương còn chưa thống nhất trong việc giải quyết vụ án.
Thêm vào đó, hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người; mang thai hộ xuyên quốc gia gặp nhiều khó khăn. Việc chưa thống nhất được tiêu chí để xác định hành vi mua bán người của Việt Nam với một số nước, đặc biệt là với Trung Quốc, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều tra vụ án, giải cứu nạn nhân; việc trả lời ủy thác điều tra của phía nước ngoài còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ, thời hạn điều tra của vụ án mua bán người.
Khởi tố 244 vụ, 330 bị can về tội mua bán người
Cũng theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2018 và quý 1.2019, lực lượng công an đã khởi tố hơn 244 vụ, 330 bị can về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi. Toà án các cấp đã xét xử 127 vụ, với 231 bị cáo phạm các tội về mua bán người.
Lực lượng công an cũng đã tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 1.900 trường hợp, trong đó, xác định 577 trường hợp là nạn nhân bị mua bán, còn lại là những người nhập cảnh, di cư trái phép. 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.