Phần trả lời của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng diễn ra trong hơn 10 phút, sau khi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trả lời hàng chục ý kiến chất vấn của các ĐB.
Phó thủ tướng đồng tình với ý kiến của các ĐB giúp nêu lên thực trạng về sản xuất nông nghiệp, đồng thời gợi ý ra nhiều vấn đề, giải pháp các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp thu, hoàn thiện và tổ chức thực hiện.
Phó thủ tướng cũng chia sẻ những khó khăn của bà con nông dân trước tình trạng "được mùa mất giá" vẫn xảy ra, đặc biệt là tình trạng thịt lợn, một số loại rau, quả mất giá và khó tiêu thụ trong thời gian vừa qua.
tin liên quan
Hỏi Bộ trưởng Nông nghiệp: Sau giải cứu lợn, dưa hấu... sẽ giải cứu gì?Đại biểu Quốc hội (ĐB) Trần Dương Tuấn (Bến Tre) hỏi Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Sau giải cứu lợn, dưa hấu sẽ giải cứu gì nữa đây, Bộ trưởng nói để người dân còn biết mà tránh.
Chất lượng quy hoạch kém, quản lý Nhà nước chưa hiệu quả
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nguyên nhân của những tình trạng trên trước hết do chất lượng quy hoạch của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp còn chưa cao. Đây là vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước.
“Quy hoạch về nông nghiệp của Việt Nam chưa phù hợp với năng lực sản xuất của các lĩnh vực nông nghiệp; chưa gắn với nhu cầu thị trường. Thực trạng sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hiện nay đã vượt xa so với các chỉ tiêu quy hoạch đề ra, điển hình như cà phê vượt 21,9%, cao su vượt 25%, hồ tiêu vượt 149%...”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, những dự báo trong quy hoạch còn thiếu chính xác, nhiều quy hoạch cao hơn nhu cầu của thị trường, chẳng hạn như trong chăn nuôi. Một số sản phẩm mặc dù sản xuất chưa đạt nhu cầu của quy hoạch nhưng vẫn không tiêu thụ được. Ngoài ra, công tác điều chỉnh quy hoạch còn chậm, chưa kịp thời. Công tác tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế; tình trạng đầu tư vượt quy hoạch, đầu tư theo phong trào hiện nay rất phổ biến.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nguyên nhân của những yếu kém trong nông nghiệp hiện nay còn nằm ở hệ thống hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hạ tầng phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi, trồng trọt… đều chưa được đầu tư đạt yêu cầu, chủ yếu là do khó khăn trong thu hút vốn đầu tư.
Đồng thời, tổ chức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều bất cập, diện tích đất canh tác bình quân theo đầu người rất thấp; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, gây khó khăn trong việc đưa ứng dụng công nghiệp, khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Công nghiệp chế biến phát triển còn chậm, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa được chú trọng, người dân sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.
“Công tác phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam còn nhiều hạn chế. Một số thị trường chính của nông sản Việt Nam còn thiếu ổn định, tình trạng phụ thuộc tiêu thụ nhiều mặt hàng vào một số thị trường dẫn đến khi có biến động xảy ra, việc tháo gỡ rất khó khăn”, Phó thủ tướng phát biểu.
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, công tác quản lý Nhà nước hiện nay còn rất nhiều bất cập, cơ chế chính sách chậm được điều chỉnh để đáp ứng đòi hỏi thực tế, đặc biệt là công tác dự báo, cảnh báo tín hiệu thị trường, điều chỉnh định hướng quy hoạch…
“Nền nông nghiệp Việt Nam rất cần các giải pháp tổng thể để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, cụ thể là sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, không sa đà vào những vấn đề nhỏ, phân tán”, Phó thủ tướng nói.
|
Tháo ‘điểm nghẽn’, tạo động lực
Từ những thực trạng trên của ngành nông nghiệp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cần một số giải pháp lớn.
Trước hết là việc hoàn thiện về thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật đồng bộ để tạo môi trường, động lực cho nông nghiệp phát triển. Trong đó tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực một cách bình đẳng, minh bạch về đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, khoa học công nghệ... để sản xuất hàng hóa. Phó thủ tướng nhấn mạnh, đây là nhóm giải pháp rất quan trọng nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp.
Bên cạnh đó là tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực cho các vùng sản xuất chuyên canh lớn.
"Một điểm nghẽn hiện nay là muốn sản xuất công nghệ cao, tập trung hóa thì cần nhiều đất đai, do đó chúng ta cần sửa đổi chính sách, pháp luật thích hợp về hạn điền", Phó thủ tướng chỉ rõ.
Về vấn đề quy hoạch sản xuất nông nghiệp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần rà soát, điều chỉnh lại các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương; gắn quy hoạch với nhu cầu và diễn biến của thị trường, trong đó coi trọng thị trường trong nước, nhưng phải lấy thị trường khu vực và quốc tế làm mục tiêu để phát triển sản xuất; gắn quy hoạch với thích ứng biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, cần kế hoạch hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, phân định rõ các nguồn vốn đầu tư như vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho hệ thống hạ tầng chính, vốn doanh nghiệp và người dân đầu tư cho hạ tầng sản xuất. Phải tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó tập trung gắn kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giảm bớt khâu trung gian để hạ giá thành sản phẩm. Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Về giải pháp mở rộng và đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần mở rộng và đẩy mạnh liên kết giữa 5 nhà: Nhà nước-nhà nông-nhà doanh nghiệp-nhà khoa học-nhà băng.
“Lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại là trung tâm, là động lực để phát triển nông nghiệp hàng hóa, người nông dân góp vốn và trực tiếp sản xuất để tạo ra sản phẩm nông nghiệp, và được hưởng lợi ích theo kết quả lao động và tỉ lệ đóng góp vốn. Đồng thời, Nhà nước có chính sách để điều tiết lợi ích cho những người lao động, đặc biệt các đối tượng khó khăn”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Bên cạnh đó là các giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn để tạo việc làm, giảm lao động trong nông nghiệp, tạo điều kiện hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học trên tất cả các khâu (từ khâu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, phòng trừ bệnh dịch, sản xuất, chế biến và bảo quản đến tiêu thu sản phẩm), coi đây là nhiệm vụ then chốt tạo ra sản phẩm nông nghiệp năng suất, chất lượng cao để nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh.
Một giải pháp rất quan trọng cũng được Phó thủ tướng nhấn mạnh là phải tổ chức lại hệ thống thương mại sản phẩm nông sản trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt là đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng, thông tin thị trường cho người nông dân.
Bộ trưởng có biết người nông dân nghĩ gì về trách nhiệm của mình?
"Bộ trưởng có biết người nông dân đang nghĩ gì về trách nhiệm của bộ trưởng không? Bộ trưởng có biết người nông dân đang mong muốn bộ trưởng làm gì để thể hiện trách nhiệm của mình không?”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề tái cơ cấu trong nông nghiệp ngày 13.6.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời: “Trước hết phải nói rằng người nông dân không chỉ trông chờ mỗi bộ trưởng, mà họ trông chờ cả hệ thống của chúng ta". Ông Cường nói thêm, đối với cá nhân bộ trưởng, phải quyết tâm làm tốt, liên kết tốt đi, chỉ đạo cho tốt trong lĩnh vực của mình.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm tranh luận: “Tôi chia sẻ với Bộ trưởng là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc nhưng hôm nay Quốc hội chất vấn Bộ trưởng, tôi muốn hỏi Bộ trưởng về trách nhiệm của mình chứ không phải nói cả hệ thống chính trị".
Bà Quyết Tâm nói: “Không chỉ Bộ trưởng Nông nghiệp mà các bộ trưởng khác cũng vậy, chưa thật sự có giải pháp đột phá. Tôi xem truyền hình thấy thứ trưởng Bộ Nông nghiệp trả lời 'sản phẩm dư thừa là do bà con nông dân chạy theo phong trào, cứ thấy cái gì lợi là làm'. Tôi cho rằng trả lời như vậy là thiếu trách nhiệm, bởi bà con thấy lợi là làm là đúng, còn trách nhiệm của bộ ở đây như thế nào?".
ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng không đồng tình câu trả lời của Bộ trưởng Cường. ĐB Xuân nêu, khi ĐB chất vấn về việc đất sản xuất có ô nhiễm asen, ô nhiễm chì thì Bộ trưởng trả lời, nhận định chung chung là các dòng sông Hà Nội ô nhiễm nặng nhưng "Tại sao bộ trưởng không đưa ra các con số cụ thể?".
Ông Xuân nhấn mạnh: “Câu trả lời chung chung như vậy mang tính nhạy cảm, có thể dẫn đến đối tác nước ngoài dừng nhập sản phẩm của VN như câu chuyện về cá tra cách đây 5 năm".
Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Cường trả lời bằng văn bản đối với vấn đề này.
Ngọc Lê
|
Bình luận (0)