Phòng chống tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, xâm hại trẻ em

Đỗ Trường
Đỗ Trường
18/12/2020 12:14 GMT+7

Từ năm 2014 - 2020, tỉnh Bình Dương xảy ra 6.307 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 1.276 vụ giết người; 984 vụ cố ý gây thương tích và 282 tin báo, tố giác... liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.

Sáng 17.12, Ban chỉ đạo (BCĐ) 138 UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo về phòng chống tội phạm giết người, cố ý gây thương tích và tội phạm xâm hại tình dục trẻ em với sự tham gia của các cơ quan tiến hành tố tụng như Công an, Tòa án, Viện KSND…

Phạm tội từ những mâu thuẫn đơn giản

Theo đại tá Trần Văn Chính, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, địa phương này nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía nam với 31 khu công nghiệp, dân số cơ học tăng cao, an ninh trật tự diễn biến phức tạp.
Theo thống kê, từ năm 2014 - 2020, trên địa bàn xảy ra 6.307 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 1.276 vụ giết người; 984 vụ cố ý gây thương tích và 282 tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.
Đại tá Trần Văn Chính cho biết: “Qua phân tích các vụ việc, vụ án xảy ra chủ yếu do nguyên nhân xã hội, thường mang tính bộc phát cá nhân, mâu thuẫn đơn giản về lời nói, văn hoá vùng miền, hành động khiêu khích nhau trong sinh hoạt hàng ngày hoặc do ghen tuông tình ái… Nhiều vụ việc có tính chất côn đồ, hung hãn, đối tượng sử dụng hung khí, vũ lực gây thương tích cho người khác. Gần đây, 1 số vụ án xảy ra do tranh chấp tài sản, va chạm giao thông trên đường”.
Cũng theo Đai tá Trần Văn Chính, đối tượng gây án hầu hết ở nơi khác đến tạm trú sinh sống, làm thuê, làm công nhân, lao động tự do… không nằm trong diện quản lý về nghiệp vụ của công an và sau khi gây án thường bỏ trốn khỏi địa phương. Các vụ xâm hại tình dục trẻ em thường không có người làm chứng, việc bảo vệ hiện trường, thu thập dấu vết vật chứng gặp nhiều khó khăn, có trường hợp vụ việc xảy ra trong thời gian dài bị hại và gia đình mới tố giác tội phạm.

Tìm giải pháp kéo giảm tội phạm

Theo trung tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương để phòng ngừa, kéo giảm tội phạm nêu trên về các biện pháp nghiệp vụ cơ bản nhất là công tác điều tra cơ bản tuyến, địa bàn trọng điểm nhằm rà soát, phát hiện đối tượng. Lên danh sách, lập hồ sơ mời, gọi, răn đe, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm. Ngoài ra, trung tá Vũ cũng nhấn mạnh việc định kỳ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động giao nộp vũ khí, hung khí nguy hiểm…
Tham gia hội thảo, nhiều lãnh đạo các xã phường, huyện thị, câu lạc bộ, hội, đoàn thể… cũng đưa ra các giải pháp phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đoàn thể để phòng ngừa tội phạm, trong đó các giải pháp tốt nhất được đưa ra là công tác hoà giải ở cơ sở; kịp thời phát hiện, hoà giải, giải toả những mâu thuẫn từ trong gia đình đến ngoài xã hội.
Liên quan đến tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, đại diện TAND tỉnh Bình Dương cho biết các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở nhà trọ, không có người làm chứng, quản lý gia đình, trẻ em lỏng lẻo, có trường hợp bị hại, bị cáo là người trong gia đình.

Nâng hiệu quả quản lý cư trú

Phát biểu tại hội thảo, đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an Bình Dương cho rằng để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, giết người, cố ý gây thương tích, xâm hại tình dục trẻ em thì lực lượng công an phải là nòng cốt, mũi nhọn. Công an phải tăng cường nắm bắt địa bàn, thông tin tố giác tội phạm để tham mưu kịp thời cho cấp uỷ, địa phương. Tăng cường trao đổi thông tin, nghiệp vụ giữa các địa bàn. Nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, địa bàn dân cư, quản lý đối tượng và xử lý những mâu thuẫn, tranh chấp ban đầu, làm tốt công tác hoà giải ở cơ sở… không để phát sinh tội phạm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.