Tất cả những việc làm đó liệu PVN hay PVEP có thể tự thực hiện được tại mỏ dầu Junin 2 Venezuela, hay còn có ai đứng phía sau đạo diễn, dàn dựng kịch bản để hợp thức hóa dự án một cách thần tốc?
Như Thanh Niên đã đưa tin, năm 2007, Tập đoàn dầu khí (PVN) xin phép Chính phủ được đàm phán với Công ty dầu khí quốc gia Venezuela về việc thành lập một liên doanh khai thác dầu giữa hai nước. Dù chưa được chấp thuận, cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng PVN đã giao cho công ty con là Tổng công ty khai thác thăm dò dầu khí (PVEP) trực tiếp làm việc với Tổng công ty dầu khí Venezuela (thành viên của Công ty dầu khí quốc gia Venezuela), triển khai một loạt các bước để ký kết các thỏa thuận và hợp đồng đầu tư cho dự án.
Tháng 6.2010, tại thủ đô Caracas của Venezuela, “Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2” chính thức động thổ. Theo tỷ lệ vốn góp, PVN phải đóng góp tương ứng 40% trong hợp đồng là 1,241 tỉ USD. Nếu tính cả “phí tham gia hợp đồng” (bonus) 584 triệu USD thì tổng nhu cầu vốn của phía VN là 1,825 tỉ USD.
"Tôi phải chịu sức ép ghê gớm"
Theo Nghị quyết số 49/2010/NQ-QH12 của Quốc hội (QH) khóa 12, dự án phải được trình ra QH cho chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, bằng nhiều kịch bản, thủ thuật khác nhau, những người có trách nhiệm khi đó đã bất chấp ý kiến tham mưu của các bộ, ngành, không thực hiện đúng quy trình này. Vì vậy, ngày 5.8.2010, Bộ KH-ĐT có văn bản gửi PVN, yêu cầu phải khẩn trương hoàn tất hồ sơ dự án để trình QH quyết định chủ trương đầu tư. Ngày 10.8.2010, Bộ Tài chính cũng có công văn khẳng định, theo Nghị quyết 49/2010/QH12 thì PVN phải lập hồ sơ trình xin chủ trương QH.
tin liên quan
Điều tra vụ PVN 'mất trắng' hàng ngàn tỉ đồng tại VenezuelaVậy tại sao một dự án có số vốn lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng không trình ra QH mà vẫn được thông qua để triển khai? Một cựu bộ trưởng thời kỳ đó khi trao đổi với PV Thanh Niên đã “vô vùng xót xa” khi bản thân ông đã có hàng chục văn bản tham mưu, đóng góp ý kiến về rủi ro của dự án nhưng vẫn bị gạt sang một bên.
Đáng chú ý, ông còn cho biết lúc đó bản thân phải chịu những sức ép ghê gớm từ một số người, buộc phải ký Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án. Trong tình thế lưỡng nan ký thì sai luật, không ký thì đi ngược lại ý kiến chỉ đạo, ông buộc phải có văn bản báo cáo Bộ Chính trị. “Sau bao nhiêu năm làm bộ trưởng, lần đầu tiên tôi phải ký một Giấy chứng nhận đầu tư dự án ra nước ngoài mà trong đó phải ghi căn cứ vào Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam. Bởi vì dự án đã không được tuân thủ đúng trình tự đầu tư, luật pháp, không được trình ra QH”, vị cựu bộ trưởng này nói.
Chưa có giọt dầu nào đã “đốt” hơn 500 triệu USD
Không xin ý kiến Quốc hội, PVN đã “đốt” ngân sách phi lý không tưởng. Như trên đã nói, PVN đã ký hợp đồng lập liên doanh với Venezuela vào ngày 29.6.2010, trước khi các cấp có thẩm quyền chính thức cho phép. Nhưng điều đáng nói là như công văn của Bộ Tài chính chỉ ra, trong hợp đồng này, PVN chấp nhận một điều khoản cực kỳ phi lý: Phía Việt Nam phải trả "phí tham gia" (bonus) cho Venezuela với mức 1 USD/thùng dầu. Trong vòng 30 tháng, bất kể có dầu hay không, PVN vẫn phải nộp đủ phí này là 584 triệu USD bằng tiền mặt.
Trước ngày 12.5.2011, khi liên doanh chưa hoàn thành thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng Venezuela, PVN đã phải chuyển 300 triệu USD cho Venezuela. Ngày 12.5.2012, PVN lại nộp cho Venezuela 142 triệu USD khác (đợt 2). Trong khi "kết quả khoan và khai thác siêu sớm không đạt được như kỳ vọng nên bức tranh sản lượng toàn mỏ có khả năng không được như dự kiến", ngày 12.5.2013, PVN vẫn phải nộp cho Venezuela 142 triệu USD (đợt 3). 15 ngày sau thời hạn này, nếu không nộp đủ tiền, "toàn bộ cổ phần" của PVN trong liên doanh sẽ "tự động bị chuyển" cho đối tác Venezuela; phía PVN/PVEP cũng sẽ "không được quyền thanh toán hoặc đền bù bất cứ đồng nào từ các khoản đã đóng góp, vay vốn hay đầu tư" ở Junin 2.
Năm 2013, ban lãnh đạo mới của PVN đã phải quyết định đơn phương không thực hiện bản cam kết này vì nếu có góp thêm 142 triệu USD cũng chưa chắc thu được thùng dầu nào, chấp nhận mất 442 triệu USD tiền "phí tham gia", 90 triệu USD tiền góp vốn và các chi phí lớn khác mà đến nay vẫn chưa khắc phục xong hậu quả.
Còn bao nhiêu giếng dầu đốt ngân sách?
Ngoài Junin 2, còn bao nhiêu dự án mà PVN cũng như công ty con của mình là PVEP đang đầu tư ở nước ngoài, phải đối mặt với rủi ro mất vốn, thua lỗ? Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, năm 2007 PVN quyết định thành lập PVEP. Năm 2009, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn (người vừa xin từ chức Tổng giám đốc PVN - Thanh Niên đã thông tin) được ông Đinh La Thăng khi đó là Chủ tịch PVN (từ 2008 - 2011) đưa về làm Tổng giám đốc PVEP.
Trong giai đoạn làm tổng giám đốc từ 2009 - 2012, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn cùng Hội đồng thành viên PVEP được PVN giao cho triển khai hàng chục dự án góp vốn, thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài. Ngoài mỏ Junin 2 tại Venezuela, PVEP cũng đầu tư một loạt dự án tại Peru, Mexico, Congo...
Đáng chú ý là tại Cộng hòa Peru, dự án thăm dò dầu Lô 67. Năm 2012, PVN ký quyết định phê duyệt báo cáo đầu tư mua của Công ty Perenco Peru Limited hơn 52,6% cổ phần Công ty PPL Bahamas, với số tiền 647,4 triệu USD. PVEP góp vốn tham gia dự án bằng doanh thu và tiền hoàn thuế giá trị gia tăng khoảng 117 triệu USD. Tuy nhiên, số tiền góp này đã không được báo cáo Bộ KH-ĐT, góp vốn vượt trên 30% so với tổng mức đầu tư ghi trong giấy chứng nhận nhưng không làm thủ tục điều chỉnh. Hiện dự án được đánh giá có nhiều khả năng rủi ro, không thu hồi được vốn; trong khi chi phí còn lại chưa phân bổ là 514 triệu USD, tương đương hơn 10.760 tỉ đồng.
Một dự án khác tại Cộng hòa Peru nằm ở Lô 39. Dự án này được PVN quyết định phê duyệt báo cáo đầu tư cuối năm 2011 trên cơ sở tờ trình của PVEP, tổng vốn 323,6 triệu USD. Tổng công ty góp vốn tính đến thời điểm 2017 số tiền 75,5 triệu USD (trong đó 61,5 triệu USD phí tham gia 35% hợp đồng và 14 triệu USD chi phí đầu tư). Dự án hiện đang tạm dừng triển khai thực hiện, PVEP đang trình các cấp có thẩm quyền chuyển nhượng dự án cùng với Lô 67-Peru.
Trong khu vực Đông Nam Á, PVEP cũng triển khai nhiều dự án quan trọng. Đơn cử như dự án Lô SK305-Malaysia. Năm 2007, PVN phê duyệt báo cáo đầu tư dài hạn giai đoạn thăm dò lô SK305-Malaysia và Quyết định điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư 292,2 triệu USD. Dự án cũng được phía các cơ quan chức năng đánh giá có nhiều tồn tại, dừng khai thác 2015, nhưng chưa làm thủ tục kết thúc do PVEP chưa chuyển tiền thu dọn mỏ, số tiền còn nợ 53,5 triệu USD. Dự án không hiệu quả, Hội đồng thành viên PVEP phê duyệt báo cáo kế hoạch phát triển làm phát sinh lỗ 31,49 triệu USD.
Tại Myanmar, PVEP thực hiện dự án dầu khí Lô M2, bắt đầu từ cuối năm 2008. Tuy nhiên nhiều hạng mục, cấu phần khi tham gia đã không thực hiện đúng chủ trương đầu tư: chưa thực hiện đúng cam kết góp vốn, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nước chủ nhà; nợ thuế nhà thầu Myanmar; kết thúc dự án chậm, không đảm bảo thời gian quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư.
Truy tố dàn cựu lãnh đạo PVEP
Trong một diễn biến có liên quan đến PVEP, Viện KSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 3 bị can trong vụ án “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP). Các bị can gồm: Đỗ Văn Khạnh (52 tuổi, quê ở Thái Bình), nguyên Tổng giám đốc PVEP, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần khoan và dịch vụ khoan dầu khí - PVD); Nguyễn Tuấn Hùng (43 tuổi), nguyên Trưởng ban Tài chính PVEP và Vũ Thị Ngọc Lan (46 tuổi), nguyên Phó tổng giám đốc PVEP.
Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2009 - 2014, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn dầu khí VN (PVN), PVEP đã gửi tiền có kỳ hạn và không kỳ hạn vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank), chi nhánh Thăng Long. Cụ thể, Đỗ Văn Khạnh có quyết định phân công Vũ Thị Ngọc Lan ký các hợp đồng tiền gửi, gia hạn hợp đồng tiền gửi tại OceanBank. Nguyễn Tuấn Hùng là người trực tiếp đề xuất, ký tờ trình hợp đồng gửi tiền trình Vũ Thị Ngọc Lan phê duyệt, ký hợp đồng việc gửi tiền của PVEP vào OceanBank.
Từ các khoản tiền gửi của PVEP, OceanBank đã chi tiền lãi ngoài hợp đồng cho Nguyễn Tuấn Hùng hơn 51,8 tỉ đồng. Mặc dù Nguyễn Tuấn Hùng chỉ khai đã nhận và chi 39,2 tỉ đồng, nhưng các cơ quan tố tụng xác định có đủ căn cứ kết luận Nguyễn Tuấn Hùng đã nhận, quản lý và chi tiêu hơn 51,8 tỉ đồng, do đó Hùng phải chịu trách nhiệm số tiền này.
Đỗ Văn Khạnh đã nhận tiền chăm sóc khách hàng từ Nguyễn Tuấn Hùng và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hơn 4 tỉ đồng, Vũ Thị Ngọc Lan đã nhận tiền chăm sóc khách hàng từ OceanBank và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhận 200 triệu đồng.
Thái Sơn
|
Bình luận (0)