Quà tặng của sông Gianh

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
02/09/2018 10:00 GMT+7

Sông Gianh chảy qua 3 xã ở các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa (Quảng Bình) nổi tiếng với của trời cho là những con hến, chắt chắt bé nhỏ. Nhưng để hưởng lộc trời, người dân phải canh con nước ròng rồi lặn ngụp giữa dòng để đãi từng mành cát…

Tự tình chắt chắt
Nhà vợ chồng anh Hoàng Văn Điền (45 tuổi) và chị Dương Thị Hiển (42 tuổi) nằm lưng chừng một ngọn đồi ở thôn Cấp Sơn, xã Cảnh Hóa, H.Quảng Trạch. Họ là “đôi đũa lệch”, chị Hiển cao ráo còn anh Điền thấp lùn. Chị quê ở xã Phù Hóa, ngày đó theo gia đình sống đời vạn đò lênh đênh trên sông Gianh; còn anh là chàng trai có biệt tài cào đãi chắt chắt ở Cảnh Hóa. Họ gặp nhau trên sông nước rồi nên duyên…
[VIDEO] Một ngày theo chân nông dân đi đãi hến sông Gianh
Về một nhà, anh chị tiếp tục “bám” sông cào chắt chắt. Ngày ngày, họ mang vác dụng cụ lên một con đò. Vợ ngâm mình dưới nước, cào từng thớ cát ở đáy sông đổ vào rổ để anh đãi lọc lấy chắt chắt. Sau này chẳng may, một chân của anh Điền đi lại khó khăn sau ca phẫu thuật, di chuyển phải dùng thêm cái gậy. Con đò nhỏ dần vắng bóng anh, chỉ mỗi chị Hiển ngụp lặn, mỗi ngày được 4 xô, mỗi xô cũng được trên dưới 50.000 đồng. Nghe hỏi về khoản chi tiêu, anh Điền chép miệng: “Bấm bụng thôi chú, gặp lúc đau ốm hay có nhiều đám cưới đám ma thì phải chạy vạy”.
Quà tặng của sông Gianh1
Sàng lọc, gạn lấy từng con hến
Đoạn sông qua Phù Hóa cũng có đông người theo nghề cào chắt chắt. Loài nhuyễn thể này ở Phù Hóa nhiều và ngon trứ danh.
Gần cuối làng, bến sông nơi có đình chợ Trung Tiến cuối buổi sáng vắng người. Cách chợ vài trăm bước chân là nhà của vợ chồng anh Nguyễn Văn Toàn (42 tuổi) và chị Hoàng Thị Nghĩa (37 tuổi). Họ theo nghề săn chắt chắt sông Gianh đã lâu, da dẻ tay chân bị phèn mặn “ăn” vàng khè. Chưa đến 11 giờ trưa mà cả nhà xong bữa cơm trưa. “Sáng cào không có, chỉ được 1 xô nên về sớm, nấu cơm ăn sớm để chiều lại đi cào. Chứ không thì ngày mai đói. Mấy bữa ni triều rút sớm, 2 giờ sáng đã có người đội đèn đi cào rồi, đến khoảng 7 giờ là triều lên”, anh giải thích. Họ rời nhà lúc 5 giờ sáng, khi con cái còn đang ngủ…

Tuổi thơ tôi gắn với dòng sông, với con hến này, giờ cầm rá đãi lại thích lắm. Nhất là cho các cháu nhỏ biết quê hương, biết con hến, biết lao động cực khổ như thế nào

Chị Trần Thị Lệ Thuyên, TP.Đồng Hới

Chuyến ra sông trở về thất thu mang lại nỗi buồn cho người cầm cào. Anh Toàn bó gối nhìn ra bến sông, thở dài: “Chắt chắt sông Gianh chỉ nhiều và cào được tầm từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch. Ngày xưa người đi cào nhiều lắm, cách nay 3 năm chắt chắt còn nhiều. Giờ người ta hút cát rầm rộ, cát mất đi thì chắt chắt cũng ít theo”. Hóa ra, nạn “cát tặc” ở miền quê nghèo này không chỉ gây mất đất lở vườn mà còn xua đuổi cả bầy chắt chắt, người đi cào lo đói…
Đặc sản Sông gianh
Phù Hóa, Cảnh Hóa (H.Quảng Trạch) ở bờ bắc sông Gianh, còn Văn Hóa (H.Tuyên Hóa) ở bên kia bờ nam và hơi chếch về phía thượng nguồn. Cách nhau chỉ vài ba cây số nhưng đoạn sông qua Văn Hóa lại chỉ có hến. Nhiều người nhầm tưởng chắt chắt và hến là một, nhưng không phải vậy. Chắt chắt thân nhỏ và vỏ mỏng hơn hến. Chắt chắt sông Gianh có thể chế biến nhiều món khác nhau như nấu canh rau, canh bí, xào với mít non xúc bánh tráng; món nào cũng ngon đến lạ nên trở thành đặc sản.
Về Văn Hóa bây giờ, xe cứ bon bon chạy qua cây cầu cùng tên dài hơn 700 m chứ không còn cảnh đò giang cách trở. Mảnh đất này cũng còn lắm nghèo khó, vài ba năm lại hứng chịu đận lũ lớn dâng ngập mái nhà, cuốn trôi bao gia sản. Càng nghèo thì càng hiếu học và học giỏi. Và có lẽ, với hầu hết người Văn Hóa, không ai lớn lên mà thiếu hình bóng con hến. Đời hến gắn với đời người. Hến được đưa lên bờ, vào từng bữa ăn để rồi chắp cánh biết bao ước mơ.
Mùa hè, miền quê này đẹp kỳ lạ bởi lưng tựa 99 ngọn núi huyền thoại, mặt thì nhìn sông Gianh nước trong xanh biếc.
Quà tặng của sông Gianh2
Thủy triều rút, nhiều người ra gần giữa sông Gianh để đãi hến
15 giờ chiều, mạn sông lại rộn ràng, nhộn nhịp người lui tới đãi hến. Thời điểm này là “giờ vàng” vì triều xuống lần thứ 2 trong ngày lộ cả bãi cát vàng rộng lớn, khúc sông như bị thu hẹp một nửa. Không như mấy người làm chắt chắt bên Phù Hóa, Cảnh Hóa phải dùng cào, người Văn Hóa chỉ dùng những rổ, rá xúc cát dưới sông lên rồi đãi, gạn bỏ cát sỏi đi, chắt lọc lấy hến. Ai cũng phải đãi cật lực, làm liên tay, hết rá này đến rá khác, bởi vì triều xuống chừng 2 - 3 tiếng lại lên.
Theo nghề đãi hến mỗi người một hoàn cảnh. Bà Lê Thị Kim Hương (55 tuổi, ở thôn Đình Miệu, xã Văn Hóa) đã gắn với con hến sông Gianh mười mấy năm nay. Hến nhiều thì bán, hến ít thì giữ lại đỡ tiền mua thức ăn. “Vất vả, đau lưng lắm chú ơi, nhưng phải cố để có cái mà ăn và kiếm thêm thu nhập chứ ở vùng này biết làm gì?”, bà Hương than thở.
Ở phía xa, bà Trần Thị Huế (51 tuổi) đang cúi xuống sát mặt nước, xúc từng rá cát đầy lên đãi. Bà Huế đang làm y tế thôn bản, mỗi tháng được hỗ trợ 500.000 đồng, có chồng là bộ đội về hưu nhưng cũng chịu khó ra sông kiếm hến. Đãi hến cạnh bà có cả các cô giáo mầm non, nhân viên kế toán trường học, thậm chí nhiều người dân gốc Văn Hóa khi về thăm quê cũng kéo nhau ra sông. Chúng tôi gặp gia đình anh Phan Xuân Linh (ở TX.Ba Đồn) hay gia đình chị Trần Thị Lệ Thuyên (ở TP.Đồng Hới) bên bờ sông Gianh trong một kỳ nghỉ thú vị như thế. “Tuổi thơ tôi gắn với dòng sông, với con hến này, giờ cầm rá đãi lại thích lắm. Nhất là cho các cháu nhỏ biết quê hương, biết con hến, biết lao động cực khổ như thế nào”, chị Thuyên hào hứng chia sẻ.
Chúng tôi rời sông Gianh khi triều lên cao, mặt trời sắp khuất bóng sau rặng núi. Những người đãi hến cũng vào bờ. Các bà, các chị nhiệt tình mời khách ở lại nếm vị hến sông Gianh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.