Bị cáo Bổng và 6 bị cáo khác nguyên là thuộc cấp, bị cáo buộc trong các năm 2008 - 2009, khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Formosa Hà Tĩnh, đã cố ý hợp thức hóa 72,78 ha đất công do UBND 2 xã Kỳ Long và Kỳ Phương quản lý không thuộc diện đất được bồi thường thành “đất tranh chấp” thuộc đất nông nghiệp.
Các bị cáo đã khai khống các hộ dân đứng tên trong hồ sơ bồi thường để hưởng 100% tiền bồi thường đất nông nghiệp trái quy định của nhà nước, gây thất thoát trên 10,4 tỉ đồng.
Tại phiên xét xử sáng 30.11, trong khi 5 bị cáo là thuộc cấp đều thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng, thì bị cáo Nguyễn Văn Bổng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh và bị cáo Phạm Huy Tường, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện tiếp tục kêu oan vì cho rằng bản thân không tư túi số tiền gây thất thoát.
“Tôi chỉ chấp hành mệnh lệnh cấp trên"
Trước vành móng ngựa, bị cáo Phạm Huy Tường thừa nhận là người trực tiếp ký các văn bản áp giá bồi thường. “Bị cáo cũng không nhớ đã ký bao nhiêu hồ sơ nhưng riêng đất nông nghiệp là hơn 10.000 hồ sơ”, bị cáo Tường nói, nhưng cho rằng bản thân là "nạn nhân của việc điều hành, chỉ chấp hành mệnh lệnh của cấp trên”.
|
Tiếp tục kêu oan, bị cáo Tường cho rằng tội danh bị truy tố trong cáo trạng là không đúng. “Bị cáo biết việc ký văn bản áp giá khi chưa có văn bản kiểm kê là sai. Nhưng do áp lực tiến độ chỉ trong 4 ngày phải hoàn thành nên không có điều kiện kiểm tra lại các hồ sơ. Anh Bổng nói ký nên tôi nhắm mắt ký theo sự chỉ đạo”.
Vì áp lực tiến độ nên sai phạm?
Sau phần xét hỏi của Hội đồng xét xử, luật sư Lý Thắng Cảnh, Văn phòng Luật sư Lý Pháp Đình thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội hỏi bị cáo Nguyễn Văn Bổng: “Trong thực hiện giải phóng mặt bằng, bị cáo có động cơ và mục đích gì dẫn đến sự việc ngày hôm nay?”.
Bị cáo Bổng trả lời: “Không có động cơ và mục đích cá nhân. Tất cả vì động cơ, mục đích của tỉnh là làm sao phải giải phóng mặt bằng nhanh, bàn giao đúng tiến độ đã cam kết với nhà đầu tư dự án Formosa. Chỉ vì áp lực tiến độ, tôi là người lãnh đạo quản lý nhưng không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình nên mới gây ra hậu quả sai phạm”.
Trả lời câu hỏi của luật sư về số tiền hơn 10,4 tỉ đồng hiện đang ở đâu, bị cáo Bổng cho biết toàn bộ số tiền này đã được chi trả 100% cho các hộ dân.
“Sau khi cơ quan hữu trách khởi tố vụ án, bị cáo có gặp bà con để vận động thu hồi lại số tiền hỗ trợ sai để trả lại cho ngân sách nhà nước không?, luật sư Cảnh hỏi tiếp.
Bị cáo Bổng: “Vì người dân đã mất hết tư liệu sản xuất là đất đai, nhà cửa; đã di dời lên khu tái định cư, cuộc sống người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Vì thế tôi khẳng định là không thể thu hồi lại được nên bản thân không trực tiếp xuống vận động người dân trả lại tiền đền bù".
tin liên quan
7 'quan huyện' Kỳ Anh hầu tòaKhi thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng làm dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương, nhóm cán bộ huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cố ý làm trái, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 10,4 tỉ đồng.
Bình luận (0)