Quảng Nam: 'Né' cây cao su

Mạnh Cường
Mạnh Cường
18/01/2021 09:42 GMT+7

Như một số địa bàn khác ở miền Trung có trồng cây cao su, các vườn rừng cao su tại Quảng Nam lại vừa hứng chịu thiệt hại nặng sau bão lũ liên tiếp buộc phải gấp rút tìm hướng rẽ khác...

Chúng tôi vừa trở lại Nông trường Cao su Hiệp Đức (H.Hiệp Đức, Quảng Nam) và nhận ra có sự thay đổi lớn từ những cánh rừng cao su bạt ngàn. Sau các trận bão lũ liên tiếp, “hiện trường” chỉ còn là các khoảnh đồi trống, thậm chí ngổn ngang thân cành (đã cưa thành khúc) chưa kịp chuyển đi…
Huyện trung du miền núi Hiệp Đức được mệnh danh là thủ phủ “vàng trắng” của Quảng Nam. Theo quy hoạch, Quảng Nam có 50.000 ha đất trồng cây cao su, hiện mới phát triển được hơn 14.000 ha nhưng riêng địa bàn Hiệp Đức đã chiếm đến 50% diện tích (còn lại chia đều cho Núi Thành, Bắc Trà My, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang…). Chính vì vậy, thiệt hại của người trồng cao su ở đây càng thêm nghiêm trọng.

“Không phát triển cao su nữa!”

Gia đình bà Phạm Thị Xuyên (65 tuổi, ở xã Sông Trà, H.Hiệp Đức) cho biết từ năm 2007 đầu tư trồng hơn 2 ha cây cao su. Nhưng khi chuẩn bị thu hoạch mủ, cơn bão số 10 (năm 2013) đã quật ngã hàng loạt, gia đình lại dồn sức chăm sóc với hy vọng đến năm 2018 cạo mủ. Nhưng rồi, năm đó giá bán thấp nên bà lại muốn giữ “hàng” lại, chờ. Không ngờ năm 2020 giá mủ cao su lại xuống thấp vì vướng dịch Covid-19, thậm chí đến gần cuối năm bị bão quật ngã hơn 1 ha cao su.
“Mỗi cây cao su tiền giống 40.000 đồng, chưa kể công chăm sóc… Nay gãy đổ, gia đình đành bán đổ cho thương lái để thu hồi ít vốn. Cây có đường kính lớn thì có giá 60.000 đồng, cây nhỏ thì đành… chặt làm củi”, bà Xuyên buồn bã.
'Né' cây cao su1
Ông Nguyễn Như Công, Chủ tịch UBND H.Hiệp Đức, cho biết gần 2.000 ha cây cao su đại điền và tiểu điền trên địa bàn huyện bị gãy đổ sau các trận bão lớn năm 2020. Theo ông, địa phương vẫn đang tập trung khắc phục, còn việc hỗ trợ thì còn phải nhờ vào nguồn hỗ trợ từ T.Ư, nhất là chưa có chính sách hỗ trợ người trồng cây cao su.
“Địa phương sẽ kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam không trồng cây cao su nữa mà sẽ chuyển đổi diện tích cây cao su qua một loại hình có thế mạnh khác nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro do thiên tai. Ví dụ như xây dựng khu công nghiệp chế biến nông - lâm - nghiệp, làm nông nghiệp công nghệ cao hoặc làm trang chăn nuôi tập trung”, ông Công nói.
Ghi nhận thiệt hại toàn tỉnh, ông Lê Minh Hưng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết có đến hơn 4.000 ha cây cao su của doanh nghiệp và người dân bị hư hỏng sau bão, tức chiếm đến 30% lượng cây cao su toàn tỉnh. Theo ông Hưng, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đang có kế hoạch “tính toán lại” cao su đại điền của mình, riêng cao su tiểu điền thì người dân đã chuyển đổi nhiều…“Chúng tôi sẽ có hướng để người dân chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp hơn để hạn chế thiệt hại. Quảng Nam sẽ không phát triển trồng thêm cây cao su nữa”, ông Hưng nói.

Chúng tôi sẽ có hướng để người dân chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp hơn để hạn chế thiệt hại. Quảng Nam sẽ không phát triển trồng thêm cây cao su nữa

Ông Lê Minh Hưng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.