Quay cuồng trong cơn sốt đất - Kỳ 1: 'Tháo ngòi' đất Bắc Vân Phong

Nguyễn Chung
Nguyễn Chung
15/05/2019 18:00 GMT+7

Ở nhiều tỉnh thành, giá nhà đất từ vùng quê đến đô thị vẫn đang dựng đứng. Trong cơn sốt đất, các 'cò đất' không chỉ thổi giá mà còn mượn danh lãnh đạo chính quyền giả mạo 'dự án ma' để lừa đảo khách hàng.

Từ "cơn sốt đất" quay cuồng...  

Đầu năm 2018, khi có thông tin H.Vạn Ninh (Khánh Hòa) sẽ trở thành đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong, nơi đây đã xảy ra hiện tượng sốt đất; giá đất “quay cuồng” và giao dịch đất đai tăng đột biến. Có thời điểm, giá đất ở H.Vạn Ninh bị đẩy lên cao gấp hàng chục lần giá trị thật nhưng hoạt động mua bán, sang nhượng vẫn rầm rộ. 

Trong cơn sốt đất, tại H.Vạn Ninh có hàng chục sàn giao dịch bất động sản được thành lập. Ông Nguyễn Công Bằng, Chủ tịch UBND TT.Vạn Giã (H.Vạn Ninh) cho biết riêng tại địa phương, lúc cao điểm, có khoảng 30 sàn giao dịch bất động sản hoạt động. Tại TT.Vạn Giã còn xuất hiện tình trạng một số thanh niên dọa dẫm xin "tiền bảo kê" các doanh nghiệp, công ty bất động sản vì thấy mua, bán đất đai sôi động. 
Một góc thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, H.Vạn Ninh Ảnh: Nguyễn Chung

Giữa tháng 4.2018, báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa về tình hình quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, lãnh đạo UBND H.Vạn Ninh cho biết lúc này không chỉ xảy ra hiện tượng sốt đất, mà tình hình lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, phá rừng… diễn biến phức tạp, tập trung tại các xã Vạn Thạnh, Vạn Thọ, Vạn Hưng.

Trước tình hình trên, ngày 9.5.2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản 4391/UBND - XDNĐ chỉ đạo UBND H.Vạn Ninh phối hợp các sở ngành tăng cường công tác quản lý đất đai, trong đó có việc tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, tách thửa.

... Đến "đóng băng" các giao dịch 

Sau khi có văn bản 4391/UBND - XDNĐ, các giao dịch liên quan đến đất đai tại H.Vạn Ninh gần như bị "đóng băng". 
Những ngày này, đến Vạn Ninh thấy nhiều sàn bất động sản đóng cửa im lìm. Một số sàn có nhân viên trực nhưng rất ít khách ra vào. Ông Nguyễn Công Bằng, Chủ tịch UBND TT.Vạn Giã, cho biết lúc cao điểm địa phương có hàng chục văn phòng giao dịch đất đai, tuy nhiên sau khi có "lệnh" tạm dừng chuyển nhượng thì một thời gian ngắn đã có nhiều sàn đóng cửa, có sàn dỡ bỏ bảng hiệu. Tình trạng sốt đất hiện nay không còn. 
Một số người dân địa phương cho biết cách đây một năm, các quán nước, quán ăn luôn rôm rả chuyện đất đai, sang nhượng. Hàng ngày, nhiều người ở các nơi khác cũng về Vạn Ninh "săn đất". "Cò" đất xuất hiện rất nhiều. Sau khi có "lệnh" của tỉnh, tình hình yên ắng trở lại. Không còn cảnh bàn chuyện mua bán đất mà xuất hiện các câu chuyện về kiện cáo ra toà quanh các tranh chấp hợp đồng giao dịch đất đai, quanh việc đặt cọc nhưng không giao dịch được và cả chuyện những người "lướt sóng" không bán được đất nên lao đao.  
Theo báo cáo của UBND H.Vạn Ninh, trước và trong ngày 9.5.2018 (thời điểm UBND tỉnh có quyết định tạm dừng giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai tại địa phương này), có tổng cộng 1.008 hồ sơ với diện tích hơn 187,5 ha liên quan đến đất đai được tiếp nhận. Trong đó, có 895 hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất, gần 50 hồ sơ đề nghị tách thửa và 64 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất. Sau khi tiếp nhận, địa phương đã thẩm định 1.002 hồ sơ đủ điều kiện giải quyết, còn 6 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất chưa thẩm định. 
Nhiều sàn bất động sản im lìm vì vắng khách Ảnh: Nguyễn Chung

Thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh, UBND H.Vạn Ninh đã ban hành thông báo chuyển tất cả các hồ sơ đã tiếp nhận trước và trong ngày 9.5.2018 cho công dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn 327 hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất, tách thửa và 64 hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất người dân chưa nhận và đang tạm giữ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện Vạn Ninh. 

Ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND H.Vạn Ninh, cho biết trong thời điểm “sốt” đất, việc UBND tỉnh “lệnh” tạm dừng giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai là hợp lý. Tuy nhiên hiện nay, Quốc hội chưa xem xét thông qua Luật Đặc khu (Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt - PV), đất đai tại Vạn Ninh cũng đã hết “sốt”. Thời gian qua, công tác quản lý đất đai ở địa phương cũng được tăng cường, hiện đã ổn định. Vì vậy, UBND huyện đã có công văn đề nghị UBND tỉnh, Sở TN-MT Khánh Hòa cho phép huyện tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất trở lại. Thực tế, trong một năm các giao dịch bị "đóng băng", nhiều người dân có nhu cầu chính đáng, muốn chuyển quyền sử dụng hoặc chuyển đổi mục đích đất để xây nhà, tách thửa… đều không được giải quyết nên gặp khá nhiều khó khăn. 

Dỡ "lệnh" tạm dừng giải quyết thủ tục đất đai 

Sau nhiều cuộc họp, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có thông báo kết luận về giải quyết vướng mắc khi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục đất đai trên địa bàn H.Vạn Ninh. Theo đó, thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất chấm dứt hiệu lực của văn bản 4391/UBND - XDNĐ ngày 9.5.2018 theo ý kiến đề xuất của các thành viên dự họp; giao UBND H.Vạn Ninh và Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong giải quyết các hồ sơ đất đai trên địa bàn H.Vạn Ninh theo đúng trình tự pháp luật. 

Bắc Vân Phong đã qua cơn sốt đất Ảnh: Nguyễn Chung
Cảnh biển ở Vạn Ninh Ảnh: Nguyễn Chung
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Xuân Tây, Chánh Văn phòng Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa, cho biết sở này phối hợp Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan vừa họp và có văn bản tham mưu UBND tỉnh văn bản chấm dứt hiệu lực của văn bản 4391/UBND – XDNĐ. Hiện, đang chờ văn bản chính thức của UBND tỉnh.
Cùng với việc thống nhất chấm dứt hiệu lực của văn bản 4391/UBND - XDNĐ, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các sở, ngành, UBND H.Vạn Ninh thường xuyên theo dõi tình hình biến động đất đai để kịp thời tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết, tránh để tình trạng đầu cơ đất đai như thời gian qua.
Từ những biến động đất đai tại H.Vạn Ninh trong một năm qua, ông Tây khuyến cáo người dân khi giao dịch đất đai nên tìm hiểu nguồn thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng để theo dõi, nắm bắt; khi có thông tin mới về quy hoạch cũng như các vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội thì cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương sẽ thông báo chính thức rộng rãi; người dân không nên nghe các thông tin một chiều từ “cò đất", dẫn đến những hệ luỵ xấu.

Bắc Vân Phong có "sốt đất" trở lại?

Sau khi “tháo ngòi”, đất Bắc Vân Phong có “nổ” về giá như trước đây? Trả lời Thanh Niên vấn đề này, ông Võ Lục Phẩm, Phó chủ tịch UBND H.Vạn Ninh, cho biết sau khi có quyết định chính thức của UBND tỉnh về việc cho phép địa phương thực hiện giải quyết các hồ sơ đất đai, huyện sẽ thông báo rộng rãi đến người dân. Các cơ quan liên quan của địa phương sẽ tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện cũng tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai; phối hợp với các sở, ngành thường xuyên theo dõi tình hình biến động đất đai tại địa phương, để báo cáo tham mưu kịp thời UBND tỉnh xem xét, giải quyết, tránh để tình trạng đầu cơ đất đai, sốt đất như trước đây.
H.Vạn Ninh nằm về phía bắc Khánh Hòa, tổng diện tích tự nhiên 550 km2 , tổng dân số 128.290 người (tính đến năm 2011). Địa hình H.Vạn Ninh có ba vùng rõ rệt: Vùng rừng đồi, núi; vùng đồng bằng và vùng hải đảo. Bờ biển Vạn Ninh dài khoảng 60 km.
Vạn Ninh có hệ thống giao thông thuận lợi, có tuyến QL1 và đường sắt bắc - nam chạy qua các ga Đãi Lãnh, Tu Bông, Vạn Giã; có các tuyến đường liên thôn, liên xã và tuyến đường chạy dọc bán đảo Hòn Gốm tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn nối các vùng trong huyện…
Về giao thông thủy, có tuyến đường biển ra đảo Hòn Lớn và các cảng biển có vị trí hết sức thuận lợi, rất gần với đường hàng hải quốc tế. Vạn Ninh còn đặc biệt có vịnh Vân Phong, với đặc thù của vùng vịnh kín gió, có độ sâu trung bình 20 - 27 m, gần đường hàng hải quốc tế đã tạo ra khả năng lớn để khai thác kinh tế cảng biển, cảng chuyển tải quốc tế, dịch vụ thương mại.
Theo Cổng thông tin điện tử H.Vạn Ninh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.