Quay cuồng trong cơn sốt đất - Kỳ 4: Những liên minh ma quỷ

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
18/05/2019 16:05 GMT+7

Trong cơn sốt đất, nhiều liên minh ma quỷ được hình thành để các siêu lừa "quăng lưới", lừa đảo người mua đất.

Cú móc ngoặc cò đất - công chứng viên - cán bộ

Cuối tháng 4, sau nhiều lần hoãn, trả hồ sơ và sau 2 ngày xét xử, TAND TP.Đà Nẵng đã tuyên phạt Hồ Thị Nga (45 tuổi, ngụ Q.Cẩm Lệ) 15 năm tù, Trần Đình Chiến (43 tuổi) 7 năm tù và Đặng Thị Tình (36 tuổi, cùng ngụ H.Hòa Vang) 3 năm tù cho cùng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đây là vụ án cực kỳ phức tạp vì các bị cao tinh vi, mưu mô với 32 vụ lừa đảo số tiền hơn 18,2 tỉ đồng. Ngoài ra, Nga còn bị 25 người tố cáo lừa đảo tương tự 9 tỉ đồng cùng gần chục lô đất, hiện đang được tách ra để giải quyết.
Trong đó, chủ mưu Hồ Thị Nga một thời được xem là bà trùm bất động sản ở khu đô thị Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ) không chỉ nhờ cơ ngơi đất đai, mà còn một tay “chạy” mọi vấn đề liên quan đến bất động sản, từ bố trí đất tái định cư, chuyển đổi vị trí lô đất, đến các vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Có lúc, dân cò đất xem Nga như “bà đỡ” của mọi ca khó bất động sản. Tuy nhiên, đến cuối 2016, khi Nga xộ khám, tất cả mới vỡ lẽ, Nga không thể một tay che trời mà sau Nga có cả một liên minh ma quỷ.

Liên minh ma quỷ của bà trùm lừa đảo

Trong liên minh ma quỷ này có Trần Đình Chiến, nguyên là công chứng viên, Trưởng Văn phòng Công chứng An Phát. Mặc dù Chiến đã 6 lần bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí có thời gian bị tước thẻ về các hành vi vi phạm, gian dối trong hoạt động công chứng nhưng Chiến vẫn liều mạng ký, chứng bừa, chứng khống vô tội vạ, cấu kết với Nga lừa đảo.
Đơn cử như vụ lừa bà V.T.N (54 tuổi, ngụ H.Hòa Vang), trước đó, Nga đã giải quyết hồ sơ tái định cư cho một đôi vợ chồng nhưng vẫn giữ lại bản photocopy của hồ sơ này để lừa bán cho bà V.T.N.
Chiến thảo hợp đồng ủy quyền và đưa cho Nga kèm hộp mực dấu điểm chỉ để Nga tìm người ký giả. Tại Phòng Công chứng An Phát của Chiến, bà N. đến ký hợp đồng chuyển nhượng, thì không thấy người bán mà chỉ có hợp đồng ký sẵn nên thắc mắc. Chiến nói dối là chủ chờ lâu nên ký rồi về, tin Nga nên bà N ký, giao tiền 770 triệu đồng. Nga chia cho Chiến 150 triệu đồng và tặng kèm iPhone 7.
Nga ký vào lệnh khám xét  Ảnh:N.T

Để tạo lòng tin, Nga, Chiến còn lôi Tình vào liên minh để người dân tin tưởng cán bộ Nhà nước.

Không chỉ Tình, cáo trạng còn thể hiện Nga khai nhận đã chung chi cho ông Phạm Văn Sỹ và Huỳnh Văn Thu (cán bộ Ban 2 Sở Xây dựng nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Đà Nẵng) lần lượt 710 triệu đồng và 30 triệu đồng để lo thủ tục cấp đất, đổi đất. Tuy nhiên, ông Sỹ và ông Thu không thừa nhận.

Điều khiến các bị hại bất ngờ và hoang mang hơn hết, là cơ quan điều tra xác định Nga không đứng tên bất kỳ tài sản nào cho đến khi bị bắt. Tuy nhiên, sự tinh vi của Nga cũng không qua mặt được cơ quan điều tra, đến nay đã phát hiện, kê biên 8 lô đất, chủ yếu ở khu Nam cầu Cẩm Lệ, trị giá khoảng 20 tỉ đồng mà Nga cho chồng, con và người thân đứng tên.

Lần giở hồ sơ của 32 vụ lừa đảo được đưa vào hồ sơ vụ án cũng như 25 vụ khác còn đang làm rõ, các điều tra viên bày tỏ sự ngao ngán khi không thể tưởng tượng các giao dịch bất động sản quá sức lỏng lẻo. Hầu hết Nga chỉ đưa các bản photocopy, nhiều vụ dùng các bản sao giữ lại từ giao dịch trước để đưa cho bị hại, nhưng các bị hại vẫn tin tưởng giao tiền.

Liên minh của dân 'lướt sóng bất động sản' và công chứng viên

Bên cạnh các thủ đoạn lừa đảo, hiện nay trong giao dịch BĐS còn hình thành những quy ước ngầm nhằm trục lợi bất chính, điển hình như nạn ký chờ, ký gửi với sự thông đồng giữa dân lướt sóng bất động sản và công chứng viên.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản lên cơn sốt, có ngày một sản phẩm bất động sản, nhất là đất nền, qua tay vài giao dịch. Do đó, những người mua BĐS cấu kết với công chứng viên, thực hiện các thủ mục mua bán, chuyển nhượng bất động sản nhiều lần nhưng chỉ đóng dấu công chứng một lần.

Công chứng viên chứng kiến quá trình giao dịch này nhưng không ký, không đóng dấu, không vào sổ lưu mà cho người mua gửi lại hồ sơ có chữ ký của người bán. Để người mua tìm được khách hàng tiếp theo để chuyển nhượng thì mới để công chứng viên hoàn tất hồ sơ, hoặc khách hàng mới tiếp tục thông đồng để ký gửi, ký chờ.

Nạn ký gửi, ký chờ này nhằm trốn tránh nghĩa vu nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ và các loại phí khác.

Công chứng viên Trần Đình Chiến lãnh án tù là bài học cảnh báo cho các đồng nghiệp về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp Ảnh: Nguyễn Tú
Tiếp tay cho những người giao dịch bất động sản để được nhận phí bồi dưỡng, công chứng viên góp phần khiến Nhà nước thất thu thuế.
Theo ông Nguyễn Đình Ân, Cục trưởng Cục Thuế TP.Đà Nẵng, năm 2018, Cục Thuế quyết liệt chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và phát hiện nhiều hành vi trốn thuế, xử lý truy thu và phạt 26,5 tỉ đồng, giảm lỗ 162,2 tỉ đồng, giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ 697 triệu đồng. Qua kiểm tra 98 hồ sơ tại cơ quan thuế, Cục Thuế truy thu và phạt 6,5 tỉ đồng, giảm lỗ 327,2 tỉ đồng, giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ 29,8 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.