Quốc hội khai mạc kỳ họp 11, giới thiệu Thủ tướng để bầu làm Chủ tịch nước

Lê Hiệp
Lê Hiệp
24/03/2021 04:55 GMT+7

Sáng 23.3, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV .

Thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết kỳ họp sẽ khai mạc ngày 24.3, họp tập trung trong 12 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 8.4). Trong đó, Quốc hội dành khoảng 7 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước.
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới việc kiện toàn nhân sự bộ máy nhà nước tại kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định “việc này không mới vì khóa 13 đã làm”. “Sau Đại hội Đảng, một số đồng chí không còn trong T.Ư nữa nên phải kiện toàn. Vị trí nào được T.Ư giới thiệu thì phải vào vị trí ngay để triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng. Về cơ sở pháp lý không có gì vướng cả”, ông Phúc nhấn mạnh. Tổng thư ký Quốc hội cũng thừa nhận việc Quốc hội dành tới 7/12 ngày của kỳ họp để làm công tác nhân sự “đúng là hơi dài”, song cho rằng đây là quy trình theo quy định, không thể bớt được.
Ông Phúc cũng cho hay sẽ có 25 chức danh được kiện toàn lần này, gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bộ trưởng và thành viên Chính phủ. Về nhân sự cụ thể, ông Phúc xác nhận thông tin Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Ông Phúc nói: “Đây là lần đầu tiên chúng ta bầu Thủ tướng đương nhiệm làm Chủ tịch nước. Theo tuần tự của việc miễn nhiệm thì phải có Chủ tịch nước để miễn nhiệm Thủ tướng. Đồng thời, không thể để Thủ tướng sau khi được bầu làm Chủ tịch nước lại trình Quốc hội miễn nhiệm chính mình. Do đó, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thực hiện quy trình miễn nhiệm Thủ tướng trước, sau đó mới làm quy trình miễn nhiệm và bầu mới Chủ tịch nước”. Đối với các nhân sự giới thiệu để bầu các chức danh Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, ông Phúc không cung cấp thông tin.
Ngoài công tác nhân sự, tại kỳ họp lần này Quốc hội sẽ dành thời gian khoảng nửa ngày để xem xét, thông qua dự án luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); dành khoảng 4,5 ngày để thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Ngoài ra, như thông lệ, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10; Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3.2021.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.