Trước đó, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được lựa chọn các đoạn ưu tiên làm trước, với 654 km, tổng mức đầu tư gần 120.000 tỉ đồng, khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2017 - 2020 đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2.
Giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe; giai đoạn sau 2025 đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - thành phố Cà Mau.
Trong đó, giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư khoảng 654 km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh, thành (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long), gồm 8 dự án thuộc các đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỉ đồng bao gồm 14.155 tỉ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng; 27.694 tỉ đồng hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP; 13.151 tỉ đồng cho các đoạn đầu tư công. Nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỉ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỉ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỉ đồng.
Giải trình ý kiến các đại biểu (ĐB) tại phiên thảo luận về dự án cao tốc bắc - nam chiều qua, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, cho rằng do kinh phí đầu tư có hạn, nên chọn lựa một số đoạn lưu lượng cao làm trước, nếu để sau năm 2020 sẽ ách tắc nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ ra một số khó khăn khi triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phụ thuộc rất nhiều vào thị trường (mức độ rủi ro, tính hấp dẫn của dự án, lợi nhuận các lĩnh vực khác, nguồn tín dụng dài hạn, mức độ ổn định chính sách, đấu thầu lựa chọn được nhà đầu tư…).
Nhấn mạnh đầu tư cao tốc Bắc - Nam là hết sức cấp thiết, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư để “bơm” vào dự án này ra sao trong bối cảnh nợ công đang cao, ngân hàng đang siết chặt vốn vay, nhà đầu tư lo sợ phương án tài chính, phải chịu rủi ro, lợi nhuận với việc giá vé đường bộ bị điều chỉnh khiến họ rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Bình luận (0)