Quốc hội từ bỏ định nghĩa người tài trong luật Cán bộ, công chức

Vũ Hân
Vũ Hân
25/11/2019 19:06 GMT+7

Tốn rất nhiều tranh luận và giấy mực, nhưng cuối cùng Quốc hội cũng đành từ bỏ định nghĩa về người tài trong luật .

Tại dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức vừa được Quốc hội thông qua chiều nay 25.11, điều khoản về người tài đã không còn tồn tại.
Cụ thể, liên quan đến “chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ” (quy định tại khoản 2 điều 1 của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung điều 6 của luật Cán bộ, công chức), một số ý kiến tán thành trong phạm vi của luật chỉ nên quy định khái niệm, khung chế độ, chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Một số ý kiến khác đề nghị quy định trong luật khái niệm “người có tài năng”, chế độ, chính sách đối với người có tài năng, bao gồm cả chính sách của nhà nước trong phát hiện, thu hút người có tài năng; quy định người có tài năng là người phải “vừa có đức, vừa có tài”.
Một số ý kiến đề nghị không định nghĩa về người có tài năng trong luật vì rất khó có một khái niệm chung, hoàn hảo về “người có tài năng”, “người có tài năng trong hoạt động công vụ”.
Có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định khung chính sách chung về trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ để làm cơ sở cho địa phương quy định, tránh việc áp dụng luật một cách tùy tiện.
Giải trình các ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài là vấn đề lớn, quan trọng luôn được Đảng và nhà nước ta quan tâm.
Luật Cán bộ, công chức hiện hành đã quy định nguyên tắc, chính sách của nhà nước đối với người có tài năng, trên cơ sở đó thời gian qua Chính phủ đã ban hành một số nghị định quy định chi tiết về vấn đề này và trong quá trình triển khai đã phát huy hiệu quả nhất định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ “tán thành với ý kiến của đại biểu Quốc hội”, thực tiễn cho thấy khái niệm “người có tài năng” là rất rộng; tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau.
Do đó, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng là khó khả thi. Bên cạnh đó, phạm vi của luật Cán bộ, công chức chỉ quy định về quản lý, sử dụng, chế độ, chính sách đối với “cán bộ, công chức”, nếu quy định về người có tài năng nói chung là không phù hợp.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã “xin phép Quốc hội không đưa định nghĩa về người có tài năng cũng như người có tài năng trong hoạt động công vụ vào dự thảo luật”.
Bên cạnh đó, bổ sung, chỉnh lý quy định tại khoản 2 điều 1 của dự thảo luật với nội dung mang tính nguyên tắc: “Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng”; giao Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ để làm cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền áp dụng, quyết định chế độ trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ ở cả trung ương và địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.