Chiến hạm cận bờ của Mỹ đã đến Singapore

18/04/2013 18:45 GMT+7

(TNO) Sau gần 2 năm lên kế hoạch, chiến hạm cận bờ (LCS) đầu tiên của Mỹ đã đến Singapore sáng 18.4 với sứ mệnh đồn trú luân phiên trong 8 tháng.

(TNO) Sau gần 2 năm lên kế hoạch, chiến hạm cận bờ (LCS) đầu tiên của Mỹ đã đến Singapore sáng 18.4 với sứ mệnh đồn trú luân phiên trong 8 tháng.

>> Lá bài chiến lược của Mỹ
>> Những sát thủ trên biển

Chiến hạm USS Freedom với thủy thủ đoàn 91 người và một máy bay trực thăng MH-60 Seahawk đã cập quân cảng Changi khoảng 11 giờ sáng nay 18.4, theo tờ Straits Times.

Chiến hạm cận bờ của Mỹ đã đến Singapore
Chiến hạm cận bờ USS Freedom của Mỹ đến Singapore sáng 18.4  - Ảnh: Straits Times

Con tàu dài 115 mét đã khởi hành từ San Diego (Mỹ) hôm 1.3 và ghé Philippines hồi đầu tháng này.

Thông tin về việc đưa các LCS đến đồn trú ở Singapore được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nêu ra tại Diễn đàn an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tên Đối thoại Shangri-La vào tháng 6.2011.

Singapore đồng ý cho 4 tàu LCS của Mỹ đồn trú luân phiên, chứ không đóng quân dài hạn.

Từ năm 1990, Singapore cũng đã cho phép máy bay và tàu chiến Mỹ thuộc Bộ Hậu cần Tây Thái Bình Dương (COMLOG WESTPAC) sử dụng căn cứ không quân Paya Lebar và quân cảng Changi.

Trong thời gian 8 tháng đồn trú, tàu USS Freedom sẽ tham gia huấn luyện và tập trận trong khu vực Đông Nam Á.

LCS được thiết kế cho mục tiêu tác chiến gần bờ, đặc biệt là chiến thuật chống tiếp cận với các phương tiện tác chiến phi đối xứng như thủy lôi, máy bay tiêm kích, tàu ngầm diesel...

Do tính chất phi định hình của loại hình tác chiến cận bờ, LCS được thiết kế với những cụm trang thiết bị rời có thể “tháo lắp” để phù hợp với yêu cầu cụ thể như chống ngư lôi, chống tàu ngầm hoặc chống phương tiện nổi.

Hiện tại hải quân Mỹ dự kiến trang bị 55 tàu LCS thuộc 2 lớp là Freedom và Independence cùng có trọng lượng choán nước khoảng 3.000 tấn.

Nhờ vào đặc tính có mức ngấn nước thấp và tốc độ cao, LCS rất thích hợp hoạt động trong môi trường duyên hải phức tạp của châu Á. Cả hai loại LCS trên đều đạt tốc độ tối đa trên 44 hải lý (80 km/giờ) và tầm hoạt động hơn 3.500 hải lý (6.400 km).

Tàu lớp Freedom và Independence cũng được trang bị các loại pháo 57 mm cùng súng máy, tên lửa đối không, trực thăng chiến đấu đa nhiệm MH-60 Seahawk, trực thăng do thám không người lái MQ-8 Fire Scout.

“Năng lực của chiến hạm này gần như ngang bằng với các tàu chiến của các lực lượng hải quân khác trong khu vực”, tướng Thomas Carney, tư lệnh COMLOG WESTPAC của hải quân Mỹ, nói.

Việc bố trí các LCS ở Singapore, được coi như một điểm tựa tại trung tâm vành đai Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay còn được gọi là “trục địa lý” của thế kỷ 21, thực sự phản ánh chủ trương "xoay trục" về châu Á - Thái Bình Dương mà Washington công bố gần đây, theo Straits Times.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Mỹ cảm ơn hợp tác quân sự của Singapore
>> Singapore bỏ tù công dân Trung Quốc trộm đồ trên máy bay
>> Chuyến thăm Mỹ khó khăn của Ngoại trưởng Singapore
>> Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Singapore
>> Ngoại trưởng Mỹ thăm Singapore

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.