Cuộc chiến giải tỏa ở căn cứ bí ẩn nhất thế giới

22/09/2015 08:16 GMT+7

Tại Vùng 51, căn cứ quân sự tuyệt mật của Mỹ, đang diễn ra cuộc chiến pháp lý căng thẳng giữa không quân và một gia đình “cứng đầu”.

Tại Vùng 51, căn cứ quân sự tuyệt mật của Mỹ, đang diễn ra cuộc chiến pháp lý căng thẳng giữa không quân và một gia đình “cứng đầu”.

Một mẫu máy bay do thám A-12 tại bãi thử thuộc Vùng 51 - Ảnh: SuppliedMột mẫu máy bay do thám A-12 tại bãi thử thuộc Vùng 51 - Ảnh: Supplied
Theo CNN, Không quân Mỹ (USAF) vừa chính thức đệ đơn yêu cầu Bộ Tư pháp bắt đầu quá trình thẩm định pháp lý để tịch thu một khu đất rộng 162 ha nằm kế sát Vùng 51 sau khi chủ đất nhất quyết không chấp nhận mức giá mua lại do Lầu Năm Góc đưa ra.
Ông Joe Sheahan khẳng định sẵn sàng ra tòa chứ không thể từ bỏ mảnh đất của tổ tiên cùng quyền khai thác mỏ với cái giá “quá bèo” là 5,2 triệu USD. Trong khi đó, USAF tuyên bố: “Đây là giá rất hời và là đề nghị cuối cùng của chúng tôi”.
Cuộc chiến 60 năm
Nằm sâu trong sa mạc Nevada cách Las Vegas khoảng 200 km về phía bắc, Vùng 51 là một trong những khu vực tuyệt mật của Mỹ và cả thế giới, dẫn đến vô số đồn đoán và giả thuyết trong hàng chục năm.
Nổi tiếng nhất là “học thuyết” cho rằng đây là nơi Mỹ bắt được đĩa bay của người ngoài hành tinh và là cơ sở nghiên cứu về các vị khách từ không gian. Có người lại nói Mỹ muốn che giấu những cỗ máy tối tân như súng laser hay thậm chí là máy du hành xuyên thời gian. Trong khi đó, chính phủ Mỹ vẫn một mực giữ im lặng, còn Vùng 51 được canh phòng cực kỳ nghiêm ngặt, tách biệt hoàn toàn với các hoạt động dân sự.
Mãi đến năm 2013, CIA mới công bố một phần tài liệu cho thấy Vùng 51 là nơi phát triển và thử nghiệm những dự án máy bay quân sự tối mật như oanh tạc cơ B-2, máy bay trinh sát SR-71 Blackbird…
Kể từ khi thiết lập Bãi thử và huấn luyện Nevada - tên gọi chính thức của Vùng 51 vào năm 1955, USAF ra sức mua lại các mảnh đất liền kề xung quanh để giải tỏa trắng, chỉ trừ gia đình Sheahan nhất quyết “một tấc không đi”. Suốt 60 năm qua, hai bên chấp nhận “chịu đựng” lẫn nhau nhưng đến nay thì quân đội Mỹ quyết tâm lấy bằng được khu đất.
Fox News dẫn lời chỉ huy căn cứ là đại tá Thomas Dempsey chỉ trích nhà Sheahan đã gây quá nhiều phiền hà và làm tốn chi phí khổng lồ khi không quân phải vừa bảo đảm an toàn cho họ vừa bảo vệ các dự án tuyệt mật. Gia đình Sheahan sống gần Vùng 51 đến mức nơi chôn cất cha của ông Joe chỉ cách đường băng thử nghiệm máy bay trinh sát khét tiếng U-2 chưa tới 5 km. “Chúng tôi đã cố gắng làm mọi điều có thể như hộ tống các thành viên gia đình ra vào khu vực giới nghiêm mỗi khi có thử nghiệm thiết bị mới, thậm chí có lúc phải hủy bỏ nhiều nhiệm vụ”, ông Dempsey nói. Giờ đây, theo USAF, quân đội không còn có thể “làm chuyện không đáng” với cường độ hoạt động 24/7 cùng những dự án ngày càng phức tạp được phát triển tại căn cứ.
Đáp lại, Joe Sheahan khẳng định tổ tiên ông đã định cư tại đây từ thập niên 1880 và chính quân đội mới là bên gây nguy hiểm. “Chúng tôi không phải là kẻ gây nên đống hỗn loạn này. Họ mới chính là thủ phạm. Chúng tôi cũng mệt mỏi lắm rồi”, ông Joe nói với CNN.
Sống dưới mưa bom đạn
Gia đình Sheahan cũng thường xuyên cáo buộc USAF “sử dụng biện pháp côn đồ” để ép họ rời đi. Ông Joe chỉ cho các phóng viên vỏ đạn pháo 12,7 mm và vỏ bom nằm rải rác khắp khu đất của gia đình và cáo buộc không quân cố tình thả xuống trong suốt mấy thập niên qua.
Khu nhà của gia đình Sheahan kế sát Vùng 51 - Ảnh: Las Vegas Review Journal
Ngoài ra, nhà Sheahan từng có một khu mỏ khai thác và xử lý quặng sắt tại đây cho đến năm 1954, toàn bộ nhà xưởng bị phá hủy hoàn toàn bởi một vật thể lạ từ trên trời rơi xuống. Gia đình đã đâm đơn kiện USAF nhưng cuối cùng không kham nổi chi phí và đành rút đơn. Chuyện bị chặn đường xét hỏi, thậm chí bị chĩa súng mỗi khi đi thăm đất cũng xảy ra như cơm bữa, theo bà Lisa Hegwood, một người họ hàng xa của nhà Sheahan. “Có khi có trẻ em trong xe họ cũng chĩa súng chặn lại. Thật buồn khi nhiều thế hệ chúng tôi phải chịu đựng chuyện này”, CNN dẫn lời bà Hegwood nói.
Về phần mình, USAF phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc đe dọa, cưỡng bách nói trên. Đại tá Dempsey lý giải rằng thường xảy ra trục trặc trong các cuộc thử nghiệm nên việc nhà Sheahan phải hứng vật lạ rơi xuống là chuyện bình thường. Các biện pháp kiểm tra an ninh cũng hoàn toàn hợp lệ đối với khu vực quan trọng như Vùng 51. Ông khẳng định thêm là mức giá 5,2 triệu USD hoàn toàn hợp lý vì khu đất của nhà Sheahan không có giá trị sử dụng hay khai thác nhiều. Ngược lại, gia đình này cáo buộc chính các hoạt động của quân đội đã biến nơi đây thành “vùng đất chết” và yêu cầu được trả đúng giá thị trường là ít nhất 29 triệu USD.
Theo Fox News, sắp tới, một tòa án liên bang sẽ mở phiên phân xử để quyết định xem quân đội có thể dùng quyền tịch thu đất để sử dụng cho lợi ích quốc gia hay không, đồng thời đề ra số tiền bồi thường hợp lý nhất sau khi nghe trình bày từ cả hai phía. Dù bày tỏ rằng sẵn sàng ngồi lại thương thảo với phía không quân nhưng Joe Sheahan cũng thể hiện quyết tâm đấu tranh tới cùng. “Nếu thua thì thôi chứ chúng tôi không buông tay cho đến phút chót”, ông nói với CNN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.