Kế hoạch cải tổ các Bộ Tư lệnh tác chiến của Mỹ

16/08/2013 08:45 GMT+7

(TNO) Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đang cân nhắc kế hoạch cải tổ quan trọng cho các Bộ Tư lệnh tác chiến thuộc các vùng địa lý khác nhau.

(TNO) Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đang cân nhắc kế hoạch cải tổ quan trọng cho các Bộ Tư lệnh tác chiến thuộc các vùng địa lý khác nhau nhằm đối phó với việc bị cắt giảm ngân sách, cũng như đáp ứng tình hình an ninh thế giới đang có nhiều biến động.

>> Bộ Quốc phòng Mỹ có thể cắt giảm 135.000 binh sĩ
>> Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ từ chức
>> Chương trình cắt giảm tàu sân bay của Mỹ 

Mặc dù kế hoạch cải tổ nói trên vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu, nhưng có khả năng Lầu Năm Góc sẽ tổ chức lại các Bộ Tư lệnh tác chiến (COCOM) của mình tại các khu vực nóng trên thế giới, cũng như loại bỏ hàng ngàn vị trí quân sự và dân sự, theo Defense News.

Giải thể, hợp nhất và mở rộng

Theo các nguồn tin quốc phòng, những thay đổi quan trọng nhất có thể là sự hợp nhất Bộ Tư lệnh phương Bắc (NORTHCOM) với Bộ Tư lệnh phương Nam (SOUTHCOM) thành một lực lượng, được đặt tên là "Bộ Tư lệnh châu Mỹ" hoặc "Bộ Tư lệnh phương Tây".

Bộ Tư lệnh châu Phi (AFRICOM) dự tính sẽ được giải thể và phạm vi quản lý của lực lượng này sẽ được phân bổ cho Bộ Tư lệnh châu u (EUCOM) và Bộ Tư lệnh miền Trung (CENTCOM).

Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) sẽ được mở rộng để bao gồm cả Afghanistan và Pakistan, hiện đang thuộc vùng trách nhiệm của CENTCOM.

Như vậy, theo kế hoạch cải tổ, có khả năng Lầu Năm Góc sẽ giải thể hai COCOM và tám Bộ Chỉ huy hỗ trợ hậu cần, với số lượng nhân viên khoảng 5.000 người, cả quân sự lẫn dân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel lần đầu tiên ám chỉ việc hợp nhất các COCOM trong cuộc họp báo hôm 31.7, khi thông báo các lựa chọn cắt giảm chi tiêu quan trọng mà Bộ Quốc phòng sẽ phải thực hiện, theo Defense News.

Đến thời điểm hiện nay, các quan chức quốc phòng Mỹ vẫn chưa đưa ra lời bình luận chính thức nào về kế hoạch hợp nhất cụ thể nói trên.

Theo tiết lộ của một quan chức quốc phòng, Lầu Năm Góc đang phải tìm cách cắt giảm chi tiêu một cách nhanh chóng theo kế hoạch cắt giảm ngân sách bắt buộc. Việc giải thể một COCOM là điều mà Lầu Năm Góc không hề mong muốn vì họ cho răng nó sẽ ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Mỹ.

Các thành viên thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và các quan chức quốc phòng đã bắt đầu nghiên cứu các lựa chọn cho kế hoạch cải tổ các COCOM từ năm ngoái, theo Defense News.

Các chuyên gia khu vực có chung quan điểm với Lầu Năm Góc về kế hoạch tổ chức lại các COCOM nhằm tái bố trí các Bộ chỉ huy một cách hợp lý hơn cho các mục tiêu chiến lược dài hạn.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc hợp nhất NORTHCOM và SOUTHCOM sẽ tạo nguồn lực lớn hơn cho các hoạt động ở Nam Mỹ và Trung Mỹ, những khu vực mà Bộ Quốc phòng Mỹ lâu nay vẫn thiếu sự giám sát chặt chẽ.

Sự hợp nhất các khu vực này có thể giải quyết tốt hơn các vấn đề xuyên biên giới, đặc biệt là buôn bán ma túy, theo ông Bob Killebrew, cựu đại tá lục quân, đồng thời là thành viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu An ninh mới của Mỹ.

Mexico hiện thuộc vùng trách nhiệm của NORTHCOM, bao gồm cả các khu vực phụ cận của Mỹ, Alaska và Canada, theo Defense News.

Nhưng việc tổ chức lực lượng giám sát châu Phi lại là một chủ đề gây nhiều tranh luận, đặc biệt trong giới chuyên gia, kể từ khi AFRICOM được chia tách từ Bộ Tư lệnh châu u và trở thành một COCOM độc lập vào năm 2008.

Trước đó, EUCOM giám sát hầu hết châu lục này, còn Bộ Tư lệnh miền Trung chịu trách nhiệm khu vực Sừng châu Phi.

Kế hoạch cải tổ các Bộ Tư lệnh tác chiến của Mỹ
 Kế hoạch tái bố trí các Bộ Tư lệnh tác chiến của Mỹ - Ảnh: Defense News/Đồ họa: Thanh Niên Online

Các chuyên gia khu vực cho rằng kế hoạch thay đổi cấu trúc hiện tại của AFRICOM là không phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Vì các hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Phi, kể từ khi lật đổ ông Muammar Gaddafi ở Libya vào năm 2011, cho đến chiến dịch chống khủng bố gần đây ở Mali, đều nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì một COCOM độc lập.

Theo nhận định của ông Kip Ward, tư lệnh đầu tiên của AFRICOM, hiện đã nghỉ hưu, thì việc phân chia trách nhiệm giám sát cho nhiều Bộ Tư lệnh không mang lại lợi ích tốt nhất cho nước Mỹ cũng như các đối tác.

“Kể từ khi thành lập, AFRICOM đã ngày càng chứng tỏ giá trị của mình và được đón nhận tại lục địa này, nên vai trò của nó tại đây vẫn còn rất quan trọng”, ông Kip Ward nói. 

Trong khi đó, các chuyên gia đồng ý rằng Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ phải thuộc cùng một COCOM, bất kể vị trí địa lý của nó nằm ở khu vực Thái Bình Dương hoặc khu vực Trung Á.

Ấn Độ hiện đang thuộc trách nhiệm của PACOM, trong khi Pakistan và Afghanistan do CENTCOM giám sát, theo Defense News.

Các vấn đề từ an ninh, chính sách đối ngoại, kinh tế và thương mại giữa Mỹ với Ấn Độ đều liên quan mật thiết đến Pakistan và ngược lại. Nên khi đặt hai nước này trong cùng một COCOM, Mỹ sẽ dễ dàng thu xếp các mối quan hệ quân sự song phương hơn, theo các chuyên gia.

Điều này cũng đúng cho các vấn đề an ninh và chính sách liên quan đến Afghanistan, vì phần lớn bạo lực ở quốc gia này xảy ra dọc theo biên giới với Pakistan.

Cắt giảm ngân sách

Hiện nay ngân sách chi tiêu quốc phòng năm tài khóa 2013 của Mỹ đã bị cắt giảm 37 tỉ USD, và dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 500 tỉ USD trong thập niên tới.

Bộ trưởng Hagel hôm 31.7 đã thông báo một số nội dung của bản Đánh giá quản lý và Lựa chọn chiến lược (SCMR) kéo dài 4 tháng.

Đây là một nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm kiểm tra các lựa chọn cắt giảm cần phải thực hiện theo kế hoạch cắt giảm ngân sách liên bang, trong khi cố gắng đạt được các mục tiêu chiến lược quân sự với trọng tâm là khu vực Thái Bình Dương, theo Defense News.

Theo đó, nếu kế hoạch cắt giảm vẫn được giữ nguyên trong thập niên tới thì Lầu Năm Góc buộc phải “hợp nhất các Bộ Tư lệnh tác chiến khu vực và giải nhiệm hàng loạt cơ quan quốc phòng”, ông Hagel cho biết.

"Mặc dù bộ máy quan liên quốc phòng thường bị chế giễu, nhưng trong thực tế, các cơ quan này là cần thiết cho công tác quản lý, điều hành và hỗ trợ quân đội, đặc biệt là với lực lượng phải chịu trách nhiệm phức tạp và có quy mô dàn trải toàn cầu như quân đội Mỹ", ông nói.

Kế hoạch cải tổ thực tế của các COCOM sẽ nằm trong “Kế hoạch chỉ huy thống nhất”, là tài liệu "thiết lập các nhiệm vụ, trách nhiệm và khu vực trách nhiệm địa lý" cho các COCOM, do đích thân Tổng Tư lệnh tối cao là Tổng thống phê duyệt, theo Defense News.

“Kế hoạch chỉ huy thống nhất” có nguồn gốc vào cuối những năm 1940, thường được xem xét lại mỗi hai năm một lần, và lần cập nhất mới nhất là vào tháng 4.2011.

Vào năm 2010, Lầu Năm Góc đã giải nhiệm Bộ Tư lệnh Lực lượng liên quân Mỹ trong một nỗ lực cắt giảm chi phí, và cũng là lần cuối cùng giải thể một Bộ Tư lệnh chủ lực cho đến thời điểm này. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân đã tiếp nhận gần 3.000 nhân viên cả quân sự lẫn dân sự từ Bộ Tư lệnh bị giải thể này.

Từ năm 2010 - 2012, đội ngũ nhân viên của 6 Bộ Tư lệnh tác chiến thuộc các vùng địa lý khác nhau đã tăng hơn 7%, thêm gần 1.000 vị trí dân sự và quân sự.

Ngoài ra, ở mỗi quân chủng còn duy trì các Bộ chỉ huy tác chiến phụ thuộc của mình, nên nhiều vị trí tại các Bộ Tư lệnh quân chủng là dư thừa cho các vị trí tại các COCOM, theo Văn phòng kế toán chính phủ Mỹ (GAO).

Bộ trưởng Chuck Hagel hồi mùa hè này đã thông báo một kế hoạch cắt giảm 20% nhân sự từ các Bộ Chỉ huy COCOM và Lầu Năm Góc nhằm giảm sự trùng lặp, theo Defense News.

Nguyên Giang

>> Mỹ dự tính lập Bộ tư lệnh Không gian ảo
>> Tổng thống Mỹ đề cử chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương mới
>> Thế trận không quân Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương
>> Những căn cứ chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương
>> Thế trận Mỹ hình thành tại Thái Bình Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.