Hải quân và Thủy quân lục chiến sẽ là trọng tâm biến đổi của thế trận chiến lược nói trên của quân đội Mỹ, đặc biệt là ở khu vực Thái Bình Dương, theo tạp chí The Diplomat (Nhật Bản).
Trong thế kỷ 20, dựa trên khái niệm tín hiệu, những năng lực tác chiến đặc biệt như lực lượng xung kích tàu sân bay, nhóm tàu đổ bộ thường trực, hoặc các không đoàn viễn chinh thường được sử dụng nhằm đặt ra chỉ giới và dấu hiệu cảnh báo cho kẻ thù tiềm năng về sự hiện diện và tình trạng sẵn sàng tham chiến của mình. Nếu cần thiết, các lực lượng bổ sung sẽ được triển khai khi căng thẳng leo thang hoặc để củng cố lực lượng.
Thế trận tấn công và phòng thủ kiểu mới
Cùng với các hệ thống đa nhiệm mới, sự hiện diện và năng lực hợp nhất sẽ là chìa khóa cho sự thay đổi thế trận tấn công và phòng thủ chiến lược kiểu mới trong thế kỷ 21.
Điều kiện chiến lược để hợp nhất các hệ thống hiện đại là thiết lập một mạng lưới có thể hoạt động như một thể thống nhất, với khả năng tấn công hoặc phòng thủ cùng lúc. Hiện nay, với sự phát triển của hệ thống C5ISR (chỉ huy, kiểm soát, truyền tin, máy tính, hệ thống tác chiến, tình báo, giám sát và trinh sát), việc thiết lập một mạng lưới như vậy là hoàn toàn khả thi, theo The Diplomat.
|
Hệ thống C5ISR được thiết lập và gắn kết chặt chẽ với các nền tảng và nguồn lực khác, có khả năng cài răng lược toàn bộ khu vực hoạt động, tạo ra một cơ chế tấn công và phòng thủ có khả năng ngăn chặn đối phương hoặc đảm bảo thành công cho các chiến dịch quân sự.
Các yếu tố cần thiết cho một cơ chế như vậy là khả năng mở rộng và tiếp cận trở lại. Với việc triển khai hệ thống C5ISR tổ ong, các lực lượng nòng cốt có thể tái tiếp cận và phối hợp với nhau để kích hoạt toàn bộ mạng lưới hoạt động, cho cả nhiệm vụ phòng thủ lẫn tấn công.
Môi trường chiến lược hải quân thế kỷ 21 đòi hỏi các lực lượng Hải quân Mỹ phải tiến hành phân chia hoạt động. Những năng lực đang phát triển của Thủy quân lục chiến và Không lực hải quân Mỹ sẽ là chìa khóa đáp ứng những điều kiện này.
Tham gia tiên phong vào tiến trình đó sẽ là các trực thăng MV-22 Osprey “Ưng biển”, là lực lượng mang tính cách mạng cho phép Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ gia tăng đáng kể năng lực về tốc độ, phạm vi và khả năng hoạt động trên biển và trên mặt đất.
Ứng phó ở biển Đông
Trung tướng Terry G. Robling, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ tại Thái Bình Dương, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Diplomat đã nhấn mạnh: “Tốc độ, phạm vi hoạt động và sự hiện diện là những yếu tố quyết định đối với các loại hình hoạt động mà chúng tôi tham gia ở khắp Thái Bình Dương. Ưng biển Osprey rõ ràng là hoàn toàn phù hợp với các loại nhiệm vụ chúng tôi được giao phó”.
Minh họa cho quan điểm trên, ông cho rằng, để đối phó với những thách thức ở biển Đông, Mỹ sẽ có nhiều lựa chọn, ví dụ như nhiệm vụ yểm trợ cho Philippines trong việc phòng thủ bãi Cỏ Mây theo Hiệp ước phòng thủ chung đã ký, nhưng không phải tất cả các lựa chọn này đều hiệu quả hoặc thậm chí là kịp thời.
Mỹ có thể sử dụng các nguồn lực của Không quân như máy bay ném bom B-2 và B-52 từ Guam, hoặc lực lượng tàu chiến và tàu ngầm của Hải quân hiện đang tuần tra ở biển Đông, nhưng vị trí của các lực lượng này có thể không cho phép can thiệp kịp thời.
"Nhưng với trực thăng Osprey, chúng tôi có thể nhanh chóng triển khai từ căn cứ Okinawa một trung đội thủy quân lục chiến tinh nhuệ hoặc lực lượng đặc nhiệm (SOF), đáp xuống tàu hoặc đổ bộ trên địa hình hiểm trở, và thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào được giao phó, không chỉ là kịp thời mà còn hiệu quả", trung tướng Robling nói.
Mỹ cũng có thể triển khai lực lượng chiến đấu cơ tàng hình F-35B và F-35C thuộc mạng lưới không quân của Mỹ và đồng minh ở các hạm đội trên thế giới, nhằm tăng cường đáng kể sức mạnh của lực lượng phân phối.
Ngoài ra, một số tính năng mới của hệ thống ISR (tình báo, giám sát và trinh sát) và C2 (chỉ huy và kiểm soát) là các máy bay săn tàu ngầm P-8, máy bay cảnh báo sớm Hawkeye loại mới, máy bay tác chiến điện tử Growler, và một loạt máy bay không người lái (UAV) đời mới, sẽ tạo ra sức mạnh phi thường cho hạm đội phân phối.
Các nguồn lực nói trên cùng với hạm đội các tàu tác chiến và yểm trợ mới như tàu USS Ford, USS American, USS San Antonio, tàu đổ bộ siêu tốc và tàu đổ bộ cơ động, là những năng lực đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động phân phối theo thời gian.
Tương tác với đồng minh
Bên cạnh việc tự chuyển đổi năng lực của mình, hoạt đông phân phối của Thủy quân lục chiến còn phụ thuộc vào sự tương tác với các đồng minh chủ chốt như Úc và Nhật, là hai quốc gia hiện đang thực hiện công cuộc cải tổ quân đội rất thành công, điển hình là hai cuộc tập trận gần đây.
Đầu tiên là cuộc tập trận Alligator Bold, diễn ra tại bờ biển phía Đông của Mỹ, quy tụ nhiều đồng minh bao gồm cả Úc và New Zealand. Với mục tiêu hình thành một cơ cấu lực lượng linh hoạt hơn để có thể hoạt động sâu trong nội địa từ các căn cứ trên biển.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Diplomat, chuẩn tướng Michael Love, Tư lệnh lực lượng Thủy quân lục chiến viễn chinh tham gia cuộc tập trận nói trên, đã phát biểu: "Tôi cho rằng Hải quân và Thủy quân lục chiến viễn chinh là phù hợp nhất trong tất cả các lực lượng vũ trang hỗn hợp được triển khai đến hiện trường, sẵn sàng đáp ứng các nhiệm vụ được giao phó. Chúng tôi có thể hoạt động theo đúng nghĩa đen từ những chiến dịch quân sự cấp thấp cho đến đóng vai trò nòng cốt trong các chiến dịch quân sự cao cấp”.
Năng lực đó cho phép chúng tôi tiếp cận hiện trường, đánh giá tình hình bao gồm tất cả các yếu tố chính trị, quân sự và nhiệm vụ, và sau đó là điều chỉnh lực lượng, ông nói. Và có thể chỉ cần triển khai lực lượng cần thiết lên bờ và sau đó có thể củng cố lực lượng khi tình hình leo thang, hoặc có thể lựa chọn phương án tiến hành các hoạt động phân phối tại nhiều địa điểm từ căn cứ trên biển.
"Bởi vì chúng tôi là lực lượng tinh nhuệ nhất trong các chiến dịch đổ bộ từ tàu. Trong đó, trực thăng MV-22 Osprey và tàu đổ bộ đệm khí (LCAC) là những công cụ đặc biệt quan trọng để có thể triển khai linh hoạt. Cho phép tập hợp các lực lượng trên biển và sau đó phân tách các lực lượng trên bờ khi tình thế ép buộc”, Chuẩn tướng Michael Love nói thêm.
Cuộc tập trận Dawn Blitz “Tia chớp bình mình” là cơ hội để thử nghiệm những chiến dịch như vậy ở Thái Bình Dương, với sự tham gia của Nhật trong năm nay. Cuộc thử nghiệm của trực thăng Osprey trên các tàu Nhật, cũng như hình thành khả năng di chuyển linh hoạt hơn trên các tàu đồng minh (hoạt động như căn cứ trên biển), rõ ràng là nền tảng cho các hoạt động trong thế kỷ 21.
Trong đó bao gồm những nhiệm vụ như đối phó với mối đe dọa tên lửa trong khu vực, hoạt động rộng rãi ở Thái Bình Dương, và sử dụng lực lượng phân phối thay vì áp dụng cơ chế cố định cho các chiến dịch tuần tự.
Nói cách khác, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đang hình thành một cách tiếp cận mới với sức mạnh trên bộ trong thế kỷ 21.
Trung tướng Robling một lần nữa nhấn mạnh: "Tất cả lực lượng của chúng tôi là quan trọng đối với an ninh của khu vực này, nhưng tôi tin rằng Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đóng vai trò quan trọng hơn bất kỳ lực lượng nào khác về mặt chiến lược”.
Hiện nay, 7 trong số 10 lực lượng lục quân lớn nhất thế giới nằm tại khu vực Thái Bình Dương, và nhiều đội quân trong số này hiện đang tập trung ở biên giới lãnh thổ giáp với biển hoặc các tuyến đường biển. Và các nước này hiện đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ, có thể là để lấp vào khoảng trống an ninh, hoặc hỗ trợ trong công tác đào tạo, huấn luyện và trang bị.
Rõ ràng, Nhật và Úc cùng các nước khác hiểu rằng tương lai quân đội của họ nằm trong việc hình thành năng lực viễn chinh tốt hơn để có thể hoạt động như một lực lượng cơ động, theo The Diplomat.
Nguyên Giang
>> Mỹ thay tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương
>> Đối thoại Shangri-La: Mỹ sẽ điều thêm binh lực đến châu Á - Thái Bình Dương
>> Nga quyết giữ vị thế tại châu Á - Thái Bình Dương
>> Mỹ triển khai vũ khí tối tân nhất đến châu Á - Thái Bình Dương
>> Mỹ có đủ tiền cho chiến dịch châu Á - Thái Bình Dương
>> Mỹ dồn lực lượng đến tây Thái Bình Dương
Bình luận (0)