Quan hệ Nga - Nhật đang có dấu hiệu cải thiện nhờ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ 28-30.4. Trong vòng 10 năm qua, do căng thẳng về nhóm đảo tranh chấp Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phía bắc nên không có thủ tướng nào của Nhật đến Moscow và ông Abe là “người khai phá”. Theo Kyodo News, nhân chuyến thăm, 2 bên đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ về hợp tác thương mại, đầu tư và năng lượng cũng như nhất trí tái khởi động đàm phán về nhóm đảo trên, vốn là trở ngại cuối cùng khiến Nga và Nhật chưa thể ký hiệp ước hòa bình sau Thế chiến 2.
|
Theo giới quan sát, chuyến thăm còn thể hiện ý định của Thủ tướng Abe muốn ngăn chặn Trung Quốc lôi kéo Nga về chung một trận tuyến trong vấn đề tranh chấp chủ quyền. Ngược lại, Moscow dè chừng việc Bắc Kinh đang muốn tăng ảnh hưởng ở vùng Viễn Đông của Nga nói riêng và cả khu vực nói chung, cũng như có hành động đáng quan ngại tại biển Đông - nơi Nga có nhiều dự án dầu khí quan trọng. Bên cạnh đó, tuy quan hệ với Trung Quốc là một ưu tiên của Tổng thống Vladimir Putin nhưng các chuyên gia cho rằng ông cũng muốn tạo đối trọng để quan hệ này không ảnh hưởng đến vị thế “ông lớn” của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, chính sách tăng cường hiện diện của Mỹ càng khiến Nga phải mau chóng hành động. Trước thềm Hội nghị cấp cao APEC tại Vladivostok hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Putin đã khẳng định trên tờ The Wall Street Journal rằng châu Á - Thái Bình Dương là yếu tố quan trọng nhất đóng góp cho sự phát triển tương lai của Nga.
Tăng cường quân sự
Theo RIA-Novosti, chính quyền Nga đã công bố kế hoạch chi khoảng 625 tỉ USD đến năm 2020 để hiện đại hóa quân đội, với trọng tâm là tái lập sức mạnh cho Hạm đội Thái Bình Dương. Về tổng quát, hải quân Nga sẽ nhận thêm 24 tàu ngầm, 54 tàu chiến vào năm 2040. Riêng Hạm đội Thái Bình Dương sẽ được bổ sung tàu tuần dương Đô đốc Ustinov cùng 2 tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới lớp Borei, có khả năng mang từ 16-20 tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava. Giới hữu trách đang nâng cấp căn cứ hải quân trên bán đảo Kamchatka để tiếp nhận 2 tàu ngầm mới này.
Bên cạnh đó, Moscow cũng cho gia cố cơ sở hạ tầng trên Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phía bắc. Đơn vị đồn trú gồm 3.500 quân đã được bổ sung thêm xe tăng T-80, trong khi sân bay được mở rộng để đón các máy bay vận tải hạng nặng IL-76. Ít nhất một hoặc hai tàu chiến đa năng lớp Mistral mua của Pháp cũng sẽ đóng tại đây. Đài phát thanh Echo of Moscow còn dẫn một số nguồn tin nói Bộ Quốc phòng Nga cũng triển khai các hệ thống tên lửa S-400, Yakhont và Tor-M2 đến đây. Các chuyên gia cho rằng những động thái này không đơn thuần chỉ nhằm ứng phó nguy cơ từ Nhật đối với nhóm đảo tranh chấp và khẳng định chủ quyền. Vùng này cùng bán đảo Kamchatka và bán đảo Sakhalin đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Nga ở phía đông, là cửa ngõ ra biển của Hạm đội Thái Bình Dương đóng căn cứ chính ở Vladivostok. Do đó, tất cả kế hoạch nói trên nằm trong chiến lược “hướng Đông” của Nga nhằm duy trì thế lực, đảm bảo cân bằng quyền lực tại khu vực, ngăn chặn mối đe dọa từ Mỹ và Trung Quốc.
Gia tăng hợp tác
Bên cạnh cải thiện quan hệ với Nhật, Nga cũng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong khu vực. Kể từ khi được tái đầu tư, Hạm đội Thái Bình Dương liên tục triển khai sứ mệnh cử tàu đến Đông Nam Á, Đông Bắc Á đến Ấn Độ Dương. Vào năm 2012, tàu Nga đã thực hiện nhiều chuyến thăm, trong đó đáng chú ý là hồi tháng 2 năm ngoái, tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đã đến Philippines lần đầu tiên sau 96 năm, theo RIA-Novosti. Sau đó, hạm đội này tiếp tục cho tàu thăm Malaysia trong 1 tuần từ ngày 25.3, trước khi đến cảng Busan của Hàn Quốc từ ngày 14 - 18.4. Đội tàu gồm khu trục hạm tên lửa Marshal Shaposhnikov, tàu tiếp liệu Irkut và tàu kéo - giải cứu Alatau. Tại Malaysia, các sĩ quan hải quân Nga tham dự hội thảo về an ninh hàng hải.
Hợp tác an ninh - quốc phòng càng được làm sâu sắc hơn với các hợp đồng bán, nghiên cứu và bảo trì vũ khí với các nước ASEAN. AFP dẫn lời Phó tổng giám đốc Tập đoàn vũ khí Rosoboronexport là ông Viktor Komardin cho hay Indonesia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc thành lập trung tâm bảo trì chung với Nga, nhằm cung cấp dịch vụ cho chiến đấu cơ Sukhoi Su-30, cũng như trực thăng Mi-17 và Mi-35 của Jakarta.
Hợp tác về nghiên cứu khoa học cũng được chú trọng và dẫn chứng mới nhất là chuyến thăm của tàu nghiên cứu biển “Akademik Oparin” của Viện Hàn lâm khoa học Nga vừa cập cảng Nha Trang. Dự kiến, các nhà khoa học Nga và đồng nghiệp Việt Nam sẽ cùng hợp tác nghiên cứu ở vùng biển xung quanh đảo Trường Sa lớn.
Quan ngại ở Viễn Đông Nga lâu nay vẫn canh cánh nỗi lo đối với các vùng Siberia và Viễn Đông, nơi nước này có hàng ngàn kilomet đường biên giới với Trung Quốc. Theo Reuters, một phần chính sách quốc phòng của Moscow hình thành từ nỗi lo Bắc Kinh “dòm ngó” vùng này do sự hấp dẫn của nguồn khoáng sản, dầu và khí đốt. Hồi năm ngoái, Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời Thủ tướng Dmitry Medvedev cảnh báo tình trạng người ngoại quốc tràn ngập Viễn Đông trong khi quá ít người Nga sinh sống tại đây. Ông nhấn mạnh chính quyền sẽ ngăn chặn tình trạng người nước ngoài “lập nên các khu vực riêng và vi phạm pháp luật” trong lãnh thổ Nga. |
Thụy Miên
>> Thủ tướng Nhật Bản công du Nga
>> Nhật Bản tăng cường quảng bá về lãnh thổ
>> Nga khuyến cáo tạm ngưng các chuyến bay qua nơi có chiến sự
>> Nhật, Nga đồng ý làm hòa sau Thế chiến thứ 2
>> Lộ diện máy bay thế hệ mới Nga - Mỹ
>> Thủ tướng Nhật Bản công du Nga
Bình luận (0)