Mỹ dùng máy bay rải chất độc da cam để chở quân

06/08/2013 18:38 GMT+7

(TNO) Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc hồi năm 1975, Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng máy bay vận tải quân sự C-123, từng chở chất độc màu da cam rải xuống Việt Nam, để chở quân lính nhiều năm, theo tờ Washington Post (Mỹ) ngày 5.8.

Nhưng Không quân Mỹ không hề đưa ra bất kỳ cảnh báo nào đối với những người từng làm việc, ăn và ngủ trên máy bay vận tải quân sự C-123, về nguy cơ mắc bệnh do chất độc màu da cam gây ra, theo Washington Post.

Hồi năm 2010, Không quân Mỹ đã tiêu hủy 18 máy báy C-123, nhưng các quan chức nước này vẫn đang tranh cãi về việc một số máy báy C-123 vẫn còn được sử dụng sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975.

Washington Post cho hay Mỹ triển khai khoảng 30 máy bay C-123 để rải chất độc màu da cam trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1962-1971 trong chiến dịch có mật danh "Ranch Hand", gây ra nhiều di chứng và bệnh tật đối với nhiều thế hệ người Việt Nam và binh sĩ Mỹ.

Sau năm 1975, khoảng 1.500 binh sĩ Mỹ đã bay trên những chiếc máy bay C-123 kể trên trong các sứ mạng vận chuyển mãi cho đến khi tất cả các loại máy bay này “nghỉ hưu” vào năm 1982.

Không quân Mỹ từng hủy bỏ kế hoạch bán một số máy bay C-123 vào năm 1996 do kết quả kiểm tra chúng vẫn còn nhiễm chất độc màu da cam (TCDD dioxin).

Một số cựu binh được bồi thường bệnh tật do nhiễm chất độc màu da cam sau khi lên máy bay C-123 trước năm 1975.

Thượng nghị sĩ Richard Burr và Jeff Merkley mới đây lên tiếng kêu gọi Bộ Cựu chiến binh Mỹ xem xét lại việc bồi thường cho những binh sĩ từng đi trên máy bay C-123 sau năm 1975 mà không hề được cảnh báo về nguy cơ bị nhiễm bệnh, theo Washington Post.

Trước đó, vào năm 2012, không quân Mỹ tiến hành một cuộc kiểm tra, kết luật rằng không có mối nguy hại sức khỏe, phản đối bồi thường cho các binh sĩ đi trên máy bay C-123 sau năm 1975.

Washington Post cho hay đến nay đã có khoảng 260.000 lính Mỹ nộp đơn đòi bồi thường về những căn bệnh do dính chất độc da cam gây ra và Bộ Cựu chiến binh Mỹ cam kết sẽ xem xét từng trường hợp.

Phúc Duy

>> Airbus bàn giao máy bay vận tải quân sự A400M đầu tiên cho Pháp
>> Nga chi 4 tỉ USD mua 39 máy bay vận tải quân sự
>> Trung Quốc bị nghi dùng máy bay vận tải quân sự chở tên lửa
>> 10.000 người tuần hành vì nạn nhân chất độc màu da cam
>> Giúp nạn nhân chất độc màu da cam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.