Những tên lửa ra lò từ máy in

21/07/2015 07:52 GMT+7

Giá tên lửa của Mỹ có thể giảm mạnh sau khi các chuyên gia đã có thể “in” hầu như tất cả các bộ phận của loại vũ khí này.

Giá tên lửa của Mỹ có thể giảm mạnh sau khi các chuyên gia đã có thể “in” hầu như tất cả các bộ phận của loại vũ khí này.
Mô hình thu nhỏ của tên lửa sản xuất bằng máy in 3D - Ảnh: Raytheon
Mô hình thu nhỏ của tên lửa sản xuất bằng máy in 3D - Ảnh: Raytheon
Tên lửa hành trình Tomahawk xuất xưởng từ lò của Tập đoàn Raytheon, có trụ sở tại bang Arizona (Mỹ), là một trong những loại vũ khí nổi tiếng nhất thế giới. Với tốc độ cận siêu thanh, tức khoảng 890 km/giờ và tầm bắn vượt hơn 1.600 km cùng hệ thống sử dụng thông tin dẫn đường định vị toàn cầu, Tomahawk được sử dụng để phá hủy các mục tiêu đa dạng với độ chính xác cao.
Tính đến năm 2014, giá một quả tên lửa vào khoảng 1,59 triệu USD. Tuy nhiên, con số cao ngất này có thể giảm mạnh trong tương lai sau khi Raytheon tận dụng thành công ưu thế của công nghệ in 3D (3 chiều) để chế tạo linh kiện tên lửa.
Đây là một phần trong nỗ lực của Raytheon nhằm đầu tư và khai thác công nghệ in 3D đang ngày càng trở nên phổ biến để bổ sung cho quy trình sản xuất vũ khí truyền thống. Mục tiêu của tập đoàn Mỹ là giảm chi phí sản xuất tên lửa, đẩy nhanh thời gian thiết kế và tăng cường khả năng linh hoạt, có thể nhanh chóng thay đổi thiết kế vì các kỹ sư chỉ cần điều chỉnh mô hình kỹ thuật số của linh kiện cần in là đủ. Tốc độ ra lò của linh kiện cũng được đẩy mạnh, chỉ cần vài giờ thay cho vài tuần như hiện nay.
Tên lửa Tomahawk khai hỏa từ tàu chiến Mỹ - Ảnh: RaytheonTên lửa Tomahawk khai hỏa từ tàu chiến Mỹ - Ảnh: Raytheon
In cả đầu đạn
Chuyên trang Defense Update dẫn lời các chuyên gia thuộc bộ phận tên lửa của Raytheon cho hay họ hầu như đã có thể chế tạo mọi linh kiện cần thiết cho vũ khí này nhờ vào công nghệ in 3D. Với thiết bị công nghệ cao sẵn có cũng như những phiên bản được điều chỉnh đặc biệt của các máy in 3D giá rẻ, họ đã in được 80% số linh kiện dành cho tên lửa, bao gồm cả đầu đạn, bộ phận truy tìm mục tiêu, động cơ rốc két, mạch điện, bộ phận thăng bằng của tên lửa, một phần hệ thống kiểm soát và dẫn đường…
Giờ đây, các kỹ sư có thể nhanh chóng thay đổi hình dáng, nới rộng hoặc thu hẹp không gian của đầu đạn để tạo ra hiệu ứng nổ phù hợp, tăng sức hủy diệt hoặc giới hạn tầm công phá trong phạm vi tùy ý muốn. “Bạn có thể thiết kế những tính năng bên trong tên lửa một cách dễ dàng hơn rất nhiều”, kỹ sư Travis Mayberry hồ hởi nói và cho biết thêm: “Chúng tôi đang thiết kế thử những mẫu mới nhằm cải thiện cấu trúc nhiệt và giảm trọng lượng cho sản phẩm, điều rất khó làm với các kỹ thuật sản xuất truyền thống”.
Những linh kiện khác có thể được in bao gồm các bo mạch điện tử phức tạp. Hiện Raytheon đang hợp tác cùng Đại học Massachusetts phát triển phương pháp in các bo mạch như vậy, đặc biệt là linh kiện vi ba, điều kiện tiên quyết để chế tạo các radar tinh vi.
Với kỹ thuật hiện nay, bo mạch điện tử được chế tạo bằng cách khắc các rãnh ngang dọc trên khối vật liệu, gây hao phí vật liệu và thời gian. Ngược lại, kỹ thuật in 3D có thể tạo ra sản phẩm theo đúng mẫu trên máy tính mà không cần phải tốn công đoạn khắc. “Hiện khâu sản xuất bo mạch được triển khai theo từng công đoạn. Chúng tôi chế tạo các cấu trúc, vỏ bọc, thẻ vi mạch, với từng loại vật liệu phù hợp và cuối cùng là gắn mọi thứ vào với nhau”, chuyên gia Chris McCarroll của Raytheon cho Defense Update hay. Trong tương lai, tập đoàn Mỹ đặt mục tiêu in tất cả các bộ phận cùng một lúc như một khối thống nhất.
Với những bước tiến của Raytheon, kỹ thuật in 3D đã bổ sung tên lửa vào danh sách vũ khí có thể được sản xuất hàng loạt sau súng bắn phi tiêu, súng lục và súng trường. Tuy vẫn còn một chặng đường rất dài nhưng chuyên gia McCarroll đặt hy vọng vào một tương lai không quá xa xôi khi các binh sĩ có thể tự in các bộ phận và lắp ráp tên lửa ngay trên chiến trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.