Quy hoạch 'treo' khắp nơi, dân phải chờ xóa đến bao giờ?

21/10/2020 06:13 GMT+7

Rất nhiều bạn đọc bức xúc về chuyện quy hoạch 'treo', yêu cầu các ngành chức năng tổng rà soát, nếu quy hoạch không khả thi thì sớm xóa để người dân được nhờ...

Như Thanh Niên đã đưa tin, theo quy định 3 năm rà soát 1 lần, nếu quy hoạch không khả thi sẽ bỏ. Thế nhưng trên địa bàn TP.HCM, hàng trăm quy hoạch “treo” bền vững hết năm này qua tháng nọ kéo theo những hệ lụy kinh tế, xã hội.
Một trường hợp điển hình là ông Nguyễn Tấn Tài (KP.3, P.An Phú Đông, Q.12) đại diện cho các hộ dân dọc QL1A đoạn từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Lạc dài khoảng 34 km, bức xúc phản ánh, do UBND TP.HCM quy hoạch lộ giới đoạn tuyến QL1A thuộc địa phận TP.HCM là 120 m từ năm 1995 đến nay khiến các hộ dân ở đây không được chuyển mục đích sử dụng đất ở để xây dựng nhà cửa cũng như được cấp sổ hồng cho căn nhà, miếng đất của mình.
Vì không có sổ hồng nên họ không được cấp phép sản xuất kinh doanh, không được thế chấp vay vốn ngân hàng để làm ăn khiến cuộc sống của người dân gặp vô vàn khó khăn...

Nói nhiều mà vẫn cứ “treo”?

Khó mà nói hết những bức xúc của người dân khi bị ở trong diện quy hoạch “treo”. Bạn đọc (BĐ) Thai bức xúc: “Theo quy định sau 3 năm quy hoạch treo thì phải rà soát lại, vậy ai là người rà soát? Chỉ thấy khổ cho người dân vướng vào quy hoạch “treo”, có cái hơn 20 năm qua, nên xem ai là người chịu trách nhiệm trước dân? Bốn nhiệm kỳ dự án vẫn nằm trên giấy, đã đến lúc trả lại quyền lợi của người dân được hưởng”. BĐ Long Phúc Đinh nhận xét: “Nói hay lắm, rất hay, hay lắm luôn. Nhưng sao vẫn còn “treo” khắp nơi vậy? Xóa “treo” cho bà con nhờ”.
Trong khi đó, BĐ Nguyễn Văn Thành viết: “Cảm ơn Báo Thanh Niên đã rất kiên trì đeo bám chủ đề “treo”. Nhưng xin thưa thật: quá nản, vì cứ nói đi nói lại mãi mà vẫn như cũ. “Treo” hiện diện trong đời sống vài chục năm qua, “riết rồi cũng quen” thôi”.

Phải có chính sách giải quyết quyền lợi của dân

Cũng theo Thanh Niên, nói về việc rà soát quy hoạch “treo”, KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng việc rà soát không hiệu quả bởi đánh giá rất phức tạp và chưa có một đơn vị “chủ xị” việc này. Ông Mười đề xuất: “Hiện nay trong khi chờ quy hoạch, phải có chính sách giải quyết quyền lợi của người dân. Nếu chưa thu hồi đất, phải cho người dân thực hiện quyền của mình là được xây dựng, mua bán, được cấp sổ hồng. Đến khi thu hồi, bồi thường phải theo giá thị trường, có như vậy mới nhận được sự đồng thuận của người dân”.
Đề xuất của ông Mười được rất nhiều BĐ đồng tình ủng hộ; đồng thời BĐ Việt Phan đặt thêm vấn đề: “Thời hạn quy hoạch sử dụng đất vùng, phân khu hay chi tiết đã có quy định tại luật Quy hoạch. Song nói “quy hoạch không khả thi thì sẽ bỏ”, tôi cho rằng đây là sự đánh đố người dân, bởi vì chỉ có cơ quan chức năng nhà nước mới có thể biết quy hoạch nào khả thi và bao giờ thì dự án được thực hiện. Tại sao không thể công khai vấn đề này với người dân?”.
“Kỳ họp Quốc hội này nên chất vấn Bộ TN-MT về quy hoạch “treo”, về thu hồi dự án lấy đất nhiều năm mà chưa làm gì...”, BĐ Trường Nguyễn Hồng kiến nghị.
Quá lãng phí tài nguyên và bất công đối với người dân có đất trong dự án “treo”.
Tuan Nguyen
Nhà nước cùng các nhà đầu tư nên tháo gỡ vướng mắc, sớm đầu tư có hiệu quả những dự án thích hợp nhất, để không còn nhiều dự án “treo” như hiện nay, không còn lãng phí nhiều đất đai nữa.
Hiếu.hct
Mong rằng sau kỳ đại hội này, những vấn đề như quy hoạch “treo” sẽ được TP.HCM giải quyết dứt điểm.
Vũ Trung
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.