Rước họa vì ăn thịt 'lạ': Đường đi của thịt thú quý hiếm

20/02/2020 07:32 GMT+7

Khách hàng ăn thịt thú quý hiếm đa phần là những người “rủng rỉnh” tiền. Nhưng tiền thôi chưa đủ, để đáp ứng nhu cầu của “đại gia”, có những thỏa thuận ngầm.

QL9 (Quảng Trị) đã trở thành một cung đường quen thuộc để giới đầu nậu buôn thịt rừng tác oai tác quái. Ngoài hàng lậu, cung đường này chưa bao giờ hết nóng trong việc vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD). Bởi dù có đi qua đường tiểu ngạch hay “chui” qua 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (H.Hướng Hóa), La Lay (H.Đakrông) và 4 cửa khẩu phụ của Quảng Trị..., cuối cùng xe cũng phải nhập vào QL9 mới về xuôi. Việc vận chuyển thú rừng dọc tuyến QL9 âm ỉ quanh năm.
 
Những “ký hiệu” lạ trong nhà hàng

Truy tìm “nghi phạm” phát tán virus corona: Dơi, rắn và tê tê?

Vào nhiều nhà hàng ở Quảng Trị, khi cầm tờ thực đơn, sẽ thấy có nhiều từ viết tắt rất... lạ. Ngoài phần cơm, canh, cá, gà... như bình thường, sẽ có những từ viết tắt như “C”, “R”, “RU”, “D”, “M”... ghi ở phần cuối thực đơn. Đi kèm những từ viết tắt đó là các cách chế biến: xào lăn, nhúng mẻ, hấp gừng, hấp thuốc bắc, hong... Đó là “từ lóng” của dân ăn nhậu: “C” (chồn), “R” (rắn), “RU” (rùa), “D” (dúi), “M” (mang)... Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, đây là cách các chủ nhà hàng “lách” luật. Chỉ khi nào thực khách yêu cầu nhân viên vào chọn thực đơn thì mới “nói rõ” tên món, tất cả chỉ trao đổi chứ không thể hiện trên giấy tờ, kể cả trong hóa đơn tính tiền vẫn ghi “C hấp”, “M nhúng”, “RU hấp thuốc bắc”...
Một cán bộ công an từng nhiều năm làm trong lĩnh vực môi trường của Công an TP.Đông Hà cho biết những ký hiệu đơn giản này không thể qua mắt được lực lượng chức năng, nhưng không dễ xử lý. Vì dù viết vậy, chủ nhà hàng vẫn ém “hàng” rất kỹ, thậm chí giấu ở ngoài nhà hàng; chỉ khi nào khách gọi thì mới mang đến. Trong suốt 10 năm qua, lực lượng chức năng Quảng Trị chỉ bắt và xử lý các vụ vận chuyển “đồ rừng”, vận chuyển ĐVHD trên đường đi... chứ việc bắt quả tang, xử lý “ăn” đồ rừng ngay tại nhà hàng là rất ít.
Rước họa vì ăn thịt 'lạ': Đường đi của thịt thú quý hiếm1

Tê tê, một loại động vật rừng không dễ kiếm hiện nay

Ảnh: Thanh Lộc

Cứu 7 con tê tê trong xe KIA Forte đang trên đường đến... quán nhậu

Đối với thịt thú rừng, không có một mức giá nào cụ thể nhưng ở Quảng Trị vẫn có những “mức giá” bất thành văn với nhiều loại ĐVHD. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, giá của con tê tê (còn gọi là trút) khoảng 4 - 5 triệu đồng/kg, giá chồn hương 1,7 - 2 triệu đồng/kg, giá ba ba suối khoảng 900.000 đồng/kg, giá rùa khoảng 1 triệu đồng/kg... Đây là giá của những con còn sống. Mức giá của những loại ĐVHD này sẽ giảm dần nếu cá thể đó bị thương hoặc chết. Đ., một dân chuyên “nhậu đồ rừng”, kể rằng thú rừng nếu bị thương thì thịt sẽ giảm giá 1/3, còn nếu chết, đông lạnh thì chỉ còn 1/2. Đơn cử với con tê tê, nếu đã lột lớp vảy bên ngoài thì giá sẽ rẻ hơn nhiều so với còn nguyên. Chính vì đặc điểm này mà nhiều “dân nhậu” ở Quảng Trị đi “lùng” thú rừng bị thương hoặc đã chết để mua với mục đích được ăn “đồ độc” mà chỉ phải trả giá... bình dân. Tuy nhiên, những món hàng đó không hề dễ tìm, phải có “đường dây”. “Những giao dịch kiểu này thường ngầm và bí mật. Nếu không quen biết, dù có sẵn tiền anh cũng không thể mua được thú rừng, dù nó chết hay sống”, Đ. khẳng định chắc nịch.

Đại gia “săn” thịt rừng

Rước họa vì ăn thịt 'lạ': Đường đi của thịt thú quý hiếm2

Thịt heo rừng còn nguyên lông được một nhà hàng ở Đức Cơ (Gia Lai) trữ đông ở tủ lạnh

Ảnh: Đình Văn

Để có thịt ĐVHD, nhiều “đại gia” miền xuôi đã vào tận các cửa rừng ở Tây nguyên để “săn”. Họ sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để mua những thú rừng còn nguyên con, ướp đá mang về, cốt thể hiện thú ăn chơi của người có tiền. Bà T., chủ nhà hàng đặc sản rừng và biển S.T ở H.K’Bang (Gia Lai), dẫn chúng tôi đến nhà bố đẻ cách nhà hàng khoảng 1 km, cho biết có dạ dày nhím, nhím sống, sóc, chim rừng, chồn, đặc sản cầy cun, giá bán khoảng 350.000 đồng/kg. Bà cho biết, riêng chim rừng sáng nào cũng gửi xe đưa đến cho các nhà hàng ở trên thị trấn và TP.Pleiku. Ở nhà có sóc và chồn, còn hươu nai thì chiều đi săn về mới có. Bà tiết lộ rằng, hàng đông lạnh lúc nào cũng có nhưng ăn không ngon; và khoe ở rừng này, cầy cun là thứ ngon nhất, con to khoảng 3 kg. Đây là loài người ta ưa chuộng, lâu nay thợ săn bắt được hàng sống bằng cách dùng phanh xe đạp bẫy ở trong rừng. “Ở đây còn có thịt bò tót, nhưng ăn không ngon... Giờ có cầy, nhím, khỉ, vượn thôi... Rùa thì có rùa đá, rùa mây dùng để nấu cháo, um chuối. Cầy cun còn sống đánh tiết canh ngon lắm”, bà T. huyên thuyên. Cũng theo bà T., nhiều khách hàng ở TP.HCM và Hà Nội cũng về đây lấy hàng. “Giờ ở tủ lạnh nhà chị còn sóc; cầy cun thì sáng nay mới gửi lên Gia Lai; lợn rừng ngon nhất là từ 40 kg trở xuống, còn to thì ăn mất ngon... Ở đây thích thì mua rùa mây về nhậu; rùa núi lấy ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh ra, mỗi con từ 2 - 3 kg”, bà T. cho biết và giải thích cho chúng tôi những “chiêu” của thợ săn: “Thợ săn thú rừng bằng súng. Súng được giấu trong rừng, con vật bị đạn chì bắn trúng phải lấy chì ra ngay, không thì chì ngấm vào thịt, ăn độc lắm”.
Ở nhà hàng A.K (H.K’Bang), chúng tôi chưa kịp hỏi, chủ ở đây đã quảng cáo có chồn, mang, chim rừng, chồn hương, heo rừng...; giá bán khoảng 300.000 - 400.000 đồng/kg. Còn tại một nhà hàng gần cửa khẩu Lệ Thanh, H.Đức Cơ (Gia Lai), chúng tôi hỏi thì nhân viên ở đây cho biết có heo rừng, nai, nhím, nhưng hiện tại chỉ còn heo rừng với giá 250.000 đồng/kg. “Hàng tươi ngon, đang để trong tủ lạnh còn chưa kịp đông đá”, nhân viên nói và mở tủ lạnh cho chúng tôi xem. (còn tiếp)

Bật ngửa vì vảy tê tê: Thứ vô dụng, thường bị làm giả bằng móng heo

Hàng “hot” trên tuyến QL9

Ngày 26.12.2019, trong lúc đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại cột mốc 604 thuộc khóm Ka Tăng (TT.Lao Bảo, H.Hướng Hóa, Quảng Trị), tổ tuần tra Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo phát hiện một người đang gùi cõng bao tải khả nghi nên yêu cầu dừng lại. Tuy nhiên, người này lợi dụng đêm tối vứt bao tải rồi bỏ chạy, để lại 4 cá thể cầy hương, 1 cá thể nhím và 2 cá thể rắn ráo (còn sống). Cũng tại Quảng Trị, vụ vận chuyển ĐVHD lớn nhất được phát hiện đầu tháng 12.2019, khi lực lượng hải quan tỉnh này phát hiện xe khách vận chuyển gỗ và hàng chục loài động vật rừng (26 con dúi, 20 con hon, 2 con chồn) trái phép tại địa bàn H.Đakrông. Trung tá Nguyễn Thanh Tuấn, Phó phòng CSGT (Công an tỉnh Quảng Trị) cho biết, từ lâu ĐVHD đã là mặt hàng “hot” trên tuyến QL9 cùng với pháo và các loại hàng lậu khác. 
N.Phúc

Nhiều ký sinh trùng chết người ẩn chứa trong động vật hoang dã

Theo PGS-TS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), các loài thú rừng như lợn rừng, nai... là ký chủ của loài giun xoắn trichinella spiralis. Khi người ăn thịt rừng nấu không chín sẽ bị nhiễm nang ấu trùng giun xoắn toàn thân, gây tử vong rất cao. Ngoài ra, nhiều loài thú rừng như hươu, nai... có mang ký sinh trùng trong máu là loài trùng roi trypanosoma sp, hoặc đơn bào như babesia sp; nếu uống máu tươi của các loài hươu, nai thì trùng roi sẽ xâm nhập cơ thể người dễ dàng, gây ra bệnh cảnh lâm sàng rất nặng, khó chẩn đoán. Các loài khỉ đuôi dài (rhesus) tại châu Phi mang vi rút flaviviridae, gây bệnh cảnh giống sốt xuất huyết, gọi là bệnh Zika, hay gây thành dịch trong mùa mưa. Giống khỉ râu xanh châu Phi pan troglodytes troglodytes chính là nguồn gốc gây lan truyền vi rút HIV từ thập niên 80 thế kỷ 20 mà đến nay đã thành đại dịch toàn cầu.
Duy Tính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.