Sa lầy trong hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, IPC bị ‘trảm’ quyền đầu tư

Đình Phú
Đình Phú
19/03/2019 10:17 GMT+7

Sa lầy trong hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) bị 'trảm' quyền đầu tư 2 dự án quan trọng ở TP.HCM.

Ngày 19.3, UBND TP.HCM đã có quyết định chuyển chủ đầu tư 2 dự án về giao thông quan trọng tại Q.7 và H.Nhà Bè (phía khu đô thị trọng điểm nam Sài Gòn). Đó là dự án xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và dự án xây dựng hoàn thiện nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và cầu Rạch Đĩa (giai đoạn 3). Theo đó, chủ đầu tư trước đó của 2 dự án này là Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), được UBND TP.HCM quyết định chuyển sang Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư.
Cùng với 2 dự án về giao thông bị “truất quyền” đầu tư trên, UBND TP.HCM cũng chấp thuận chủ trương chuyển chủ đầu tư dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và Cầu Rạch Đĩa (giai đoạn 3) từ IPC sang Ban đền bù giải phóng mặt bằng Q.7 (thuộc UBND Q.7).
Dự án xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ "đứng bánh" nhiều năm qua từ khi giao cho IPC làm chủ đầu tư ẢNH: KHẢ HÒA
Quyết định trên của UBND TP.HCM xuất phát từ đề xuất của Sở GTVT sau khi kiểm tra, đánh giá năng lực, kinh nghiệm của IPC trong việc thực hiện dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.
IPC hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con từ năm 2010, là doanh nghiệp nhà nước do UBND TP.HCM sở hữu 100% vốn điều lệ. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thay đổi lần thứ 5 vào năm 2015 do Sở KH-ĐT TP.HCM cấp, vốn điều lệ của IPC lên đến hơn 2.900 tỉ đồng.
IPC có 9 công ty, trong đó có 1 công ty con là Công ty CP tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL); 4 công ty liên doanh: Công ty TNHH Sepzone Linh Trung, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, Công ty TNHH cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT), Công ty CP thương mại - dịch vụ Hiệp Tân (HTC); 4 công ty liên kết: Công ty CP Long Hậu (LHG), Công ty CP KCN Hiệp Phước (HIPC), Công ty TNHH Tân Thuận (TTC) và Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).
Mặc dù có tiềm lực lớn với vốn điều lệ 2.900 tỉ đồng, được giao nhiều đất đai, dự án đầu tư quy mô, nhưng IPC lại sa lầy trong hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. Trong đó, nghiêm trọng nhất là các sai phạm: có dấu hiệu lợi ích nhóm, xem thường pháp luật; sa lầy vì những “phi vụ” ném tiền qua cửa sổ; lũng đoạn tài sản nhà nước
Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại IPC, phần lớn “bùng nổ” trong một thời gian ngắn sau khi ông Tề Trí Dũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc (khi mới 34 tuổi), nắm quyền lực chi phối ở hầu hết các công ty con, liên doanh và liên kết. Trên thực tế, cả IPC (công ty mẹ) và nhiều công ty con, công ty liên kết đều xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.
Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (PC03, Công an TP.HCM) đã tiếp nhận tài liệu thanh tra, đang tiến hành điều tra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Công ty IPC. Thanh tra TP.HCM vẫn đang tiếp tục thanh tra làm rõ một số vụ việc sai phạm tại IPC.
Trước đó, vào tháng 12.2018, trả lời PV Thanh Niên liên quan đến hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại IPC, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói: “Các sai phạm lớn quá. Một số vụ đã chuyển sang cơ quan điều tra. Một số vụ đang tiếp tục thanh tra làm rõ. Quan điểm là xử nghiêm theo quy định pháp luật”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.