Và, thực tế đã có quá nhiều hệ lụy xảy ra với mức độ sai phạm hết sức nghiêm trọng.
Điển hình nhất là “phi vụ” lũng đoạn tài sản nhà nước tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) mà Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (PC03, Công an TP.HCM) đang tiến hành điều tra.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Sadeco có một “sứ mệnh đặc biệt” trong chiến lược phát triển của TP.HCM vào những năm đầu thập niên 1990. Vào thời điểm đó, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu đô thị mới Nam TP (khu đô thị mới quy mô lớn đầu tiên của TP.HCM). Để triển khai quy hoạch, UBND TP thành lập Sadeco. Khi đã trở thành công ty cổ phần, Sadeco vào thời điểm năm 2015 có vốn điều lệ khoảng 170 tỉ đồng, trong đó riêng IPC có tỷ lệ vốn góp chiếm hơn 74%.
tin liên quan
Điều tra nhiều sai phạm nghiêm trọng tại IPC: Những phi vụ 'ném tiền qua cửa sổ'“Kịch bản” tăng vốn điều lệ
Trong bối cảnh Sadeco hoạt động kinh doanh đang mang lại lợi nhuận rất cao, tỷ lệ chia cổ tức hằng năm có lúc lên đến 40%, vào năm 2015 khi duyệt đề án tái cơ cấu, UBND TP yêu cầu IPC (lúc này đang chiếm tỷ lệ sở hữu vốn 44% tại Sadeco) không được giảm thêm tỷ lệ sở hữu vốn. Thế nhưng, trên thực tế IPC đã “phớt lờ” yêu cầu này của cơ quan chủ quản.
Vào ngày 10.11.2016, Công ty Nguyễn Kim có văn bản đề xuất tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco. Đến ngày 29.6.2017, tại đại hội cổ đông Sadeco, đại diện vốn góp nhà nước (do IPC cử) thời kỳ liên quan, gồm 4 thành viên: ông Tề Trí Dũng; ông Trần Đăng Linh, Phó tổng giám đốc IPC; bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc Sadeco và ông Trần Mạnh Khôi, Phó trưởng ban Kiểm soát Sadeco, biểu quyết đồng ý 100% phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim. Tiếp đó, ngày 19.10.2017, Công ty Nguyễn Kim chuyển thanh toán cho Sadeco 360 tỉ đồng.
|
Cùng ngày, Sadeco ký hợp đồng gửi 360 tỉ đồng vào một ngân hàng với kỳ hạn 18 tháng. Sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỷ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,8%), trong khi Công ty Nguyễn Kim chiếm tỷ lệ chi phối tại Sadeco là hơn 54% vốn điều lệ.
|
Gây thiệt hại lớn tài sản Nhà nước
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra TP, trước khi “bán đứt” quyền biểu quyết tại Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim, vào năm 2015, nhóm cổ đông nhà nước cũng đã bán 5.235.683 cổ phần Sadeco cho Công ty Exim, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, mức giá 26.100 đồng/cổ phiếu. Sau đó, vào tháng 6.2016, Công ty Exim chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần này cho Công ty Nguyễn Kim với mức 57.000 đồng/cổ phiếu. Đến thời điểm kể từ đầu năm 2017, nhà đất khu Nam TP (nơi Sadeco có nhiều dự án quan trọng với quy mô đất đai lớn) ảnh hưởng cơn sốt đất, giá tăng rất nhiều, nhưng điều đáng nói là Sadeco bán chỉ định không thông qua đấu giá cho Công ty Nguyễn Kim chỉ 40.000 đồng/cổ phiếu (tháng 6.2017).
Theo Thanh tra TP, bản chất vụ việc này là việc chỉ định đối tác chiến lược (Công ty Nguyễn Kim) và chỉ định giá bán cổ phần không được tổ chức thẩm định giá hợp pháp. Thanh tra TP khẳng định việc làm này là “trái quy định pháp luật”, dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỉ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu); nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco lúc thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại “sẽ rất lớn”.
Thanh tra TP cũng khẳng định vốn huy động từ việc phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim đến nay vẫn chưa sử dụng (gửi tiết kiệm thời hạn 18 tháng tại ngân hàng thương mại cổ phần), cho thấy việc đề xuất chỉ định phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim để huy động vốn đầu tư cho các dự án là không đúng với thực tế; tại thời điểm đề xuất Sadeco chưa có nhu cầu thực sự tăng vốn điều lệ. Nghiêm trọng hơn, Công ty Nguyễn Kim không công khai, minh bạch trong việc mua bán cổ phần với Công ty Exim, cho thấy Công ty Nguyễn Kim “đã có kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp này (Sadeco) với giá rẻ thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược”.
Một điểm rất đáng chú ý, nhóm cổ đông nhà nước từng chiếm 62,8% (trước khi “bán đứt” quyền biểu quyết tại Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim), có Văn phòng Thành ủy (chiếm khoảng 2%), Công ty TNHH một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (thuộc Văn phòng Thành ủy, chiếm khoảng 15%). Vào thời điểm 18.5.2017, Văn phòng Thành ủy có Văn bản số 495 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang “chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.
Xử lý nghiêm
Ông Tề Trí Dũng chính thức là thành viên HĐTV, Tổng giám đốc IPC từ ngày 4.5.2015, khi mới 34 tuổi. Vì là người đại diện vốn nhà nước, ông Tề Trí Dũng còn nắm giữ chức danh Chủ tịch HĐTV Sadeco trong 2 năm 2016 và 2017; ngoài ra, ông còn làm chủ tịch HĐTV 3 công ty và phó chủ tịch HĐTV 1 công ty liên doanh, liên kết khác. Như Thanh Niên số ra ngày 3 - 4.12, tại IPC và các công ty liên doanh, liên kết đều để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng; việc điều hành, quản lý xem thường kỷ luật, kỷ cương; có dấu hiệu lợi ích nhóm.
Ngày 4.12, trả lời Thanh Niên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói: “Các sai phạm lớn quá. Một số vụ đã chuyển sang cơ quan điều tra. Một số vụ đang tiếp tục thanh tra làm rõ. Quan điểm là xử nghiêm theo quy định pháp luật”.
Ông Tề Trí Dũng đang là đại biểu HĐND TP.HCM. Tại kỳ họp HĐND TP.HCM khai mạc vào sáng qua, ông này vắng mặt có lý do.
Trả lời Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết khi có kết quả điều tra, Công an TP sẽ báo với HĐND TP. Trong trường hợp kết quả điều tra khẳng định cấu thành tội hình sự, HĐND TP sẽ đưa vấn đề ông Dũng ra để xem xét, trong đó mức cao nhất là bãi miễn tư cách đại biểu HĐND TP.
Đình Phú - Trung Hiếu
|
Bình luận (0)