Sẵn sàng ứng phó dịch các cấp độ

Liên Châu
Liên Châu
09/03/2020 06:18 GMT+7

Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch đáp ứng cấp độ dịch, bao gồm tình huống khẩn cấp với hàng ngàn ca mắc. Với thực tế hiện nay, hệ thống y tế phải triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch mới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản chi tiết với 4 cấp độ diễn biến dịch và cả tình huống cao hơn. Theo đó, các cấp độ 1, 2, 3, 4 tương ứng với các tình huống: có trường hợp bệnh xâm nhập; dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trong nước; dịch bệnh lây lan trên 20 trường hợp mắc trong nước; dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng và đã tính đến tình huống cao hơn cấp độ 4.
Theo kế hoạch này, hiện hệ thống y tế đang phải triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch mới. Thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh, điều tra và theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc. Với kế hoạch đã thiết lập, thời điểm như hiện nay cần chủ động cho việc tăng cường giám sát các chùm ca bệnh có yếu tố dịch tễ liên quan tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), với tình huống như hiện nay, công tác điều trị hiện tại vẫn cần thực hiện quyết liệt việc phân tuyến, điều trị bệnh nhân (BN) ngay tại địa phương. Thực hiện tiếp nhận, thu dung điều trị, quản lý ca bệnh và theo dõi cách ly triệt để tại địa phương. Ngoài ra, địa phương sẵn sàng thiết lập các bệnh viện dã chiến dân y cũng như thiết lập cơ sở cách ly điều trị tại chỗ áp dụng đối với trường học, nhà máy, xí nghiệp, đơn vị quân đội... nếu có các trường hợp nhiễm bệnh.

Chủ động nguồn nhân lực giỏi

Ông Khuê nhìn nhận: ‘‘Chúng ta không hoang mang nhưng không chủ quan. Vì khi dịch lan rộng với nhiều ca mắc sẽ có thể xuất hiện các BN diễn biến phức tạp: phụ nữ mang thai, BN có bệnh mãn tính (ung thư, đái tháo đường suy giảm miễn dịch), diễn biến nặng cần có sự tham gia điều trị của bác sĩ giỏi”.
Để đảm bảo nhân lực giỏi và đủ cho điều trị các BN nặng, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã thiết lập trung tâm hỗ trợ trực tuyến chẩn đoán, điều trị BN Covid-19. Với sự tham gia của các chuyên gia giỏi về truyền nhiễm và các chuyên khoa: sản, nhi, hô hấp, hồi sức tích cực tại tuyến T.Ư, thông qua bệnh án điện tử bao gồm các dữ liệu cận lâm sàng (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh...) sẽ hội chẩn trực tuyến, trực tiếp hỗ trợ tuyến dưới chẩn đoán điều trị các ca bệnh Covid-19 đến tận y tế tuyến huyện tại 63 tỉnh, TP. Nhờ đó đủ nhân lực giỏi nếu dịch bệnh lan rộng, nhiều ca bệnh nặng, đồng thời cũng kiểm soát nguy cơ nhiễm chéo do các bác sĩ không nhất thiết phải đến từng bệnh viện, trực tiếp tiếp cận BN.

Sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp

Theo Bộ Y tế, không chỉ sẵn sàng cho tình huống dịch ở cấp độ 4, tình huống khẩn cấp có thể cần ban bố với từng địa bàn cũng đã được tính đến. Khi đó, sẽ đề xuất cấp thẩm quyền đóng cửa trường học, rạp chiếu phim; hạn chế tất cả các hoạt động tập trung đông người, gồm các hoạt động của cơ quan nhà nước. Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh những hàng hóa, vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm, đồ uống có khả năng truyền dịch bệnh. Cấm đưa người bị nhiễm bệnh ra khỏi vùng có dịch bệnh khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt... Lập trạm gác, trạm kiểm dịch liên ngành, bố trí các đội công tác chống dịch khẩn cấp tại các đầu mối giao thông ra, vào vùng dịch bệnh để kiểm tra, giám sát và xử lý y tế đối với người, phương tiện.
Tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán Covid-19,ứng phó với tình huống số mắc lan rộng

Tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán Covid-19,ứng phó với tình huống số mắc lan rộng

Theo kế hoạch ứng phó, tại địa bàn ban bố tình trạng khẩn cấp có thể áp dụng các biện pháp để dành và ưu tiên chuyên chở thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý dịch bệnh, lương thực, thực phẩm, hàng hóa cần thiết đến những vùng có dịch bệnh như: xuất kho dự trữ quốc gia hoặc huy động từ các nguồn khác thuốc men, hàng hóa để chữa trị và cứu trợ nhân dân ở vùng có dịch bệnh. Áp dụng các loại ưu tiên về giao thông, với phương tiện làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, hàng hóa đến vùng có dịch bệnh...

80% là ca bệnh nhẹ, có thể hồi phục sau 7 ngày khởi phát

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, đến hết tháng 2, qua nghiên cứu trong tổng số hơn 83.000 ca mắc Covid-19 trên thế giới, diễn biến lâm sàng điển hình có đến 80% là ca bệnh nhẹ, có thể hồi phục sau 7 ngày khởi phát. Các ca nặng dẫn đến viêm phổi thì sau 7 ngày khởi phát, gây khó thở phải điều trị tại cơ sở y tế. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 hiện chiếm khoảng 2% và tỷ lệ nguy kịch chiếm khoảng 3%.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, rửa tay bằng xà phòng trong ít nhất 30 giây để phòng dịch bệnh Covid-19. Rửa tay nhiều lần trong ngày, sau khi ho, hắt hơi; sau khi tháo khẩu trang; sau khi chăm sóc người bệnh hoặc nghi mắc; sau khi tiếp xúc với dịch tiết mũi, họng, ho hắt hơi của người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh; trước các bữa ăn và trước, sau khi tiếp xúc với động vật hoặc chất thải của động vật; sau khi đi vệ sinh...
Khi không có xà phòng và nước sạch, rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn. Thường xuyên rửa tay sạch kết hợp với các biện pháp vệ sinh hô hấp, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, dụng cụ và sử dụng khẩu trang đúng cách giúp ngăn hiệu quả nhiễm bệnh.
Vi rút gây dịch Covid-19 có thể tồn tại trên các bề mặt (bàn, ghế, tay nắm cửa...). Trong gia đình, công sở có thể loại bỏ vi rút bởi các sát khuẩn thông thường, là các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% clo, hoặc có chứa ít nhất 60% cồn, hoặc dung dịch chứa javen sẵn có.
Nên mở cửa phòng học, công sở để đảm bảo thông khí, giúp đưa không khí sạch vào, không để không khí bị lưu cữu chứa lượng khí thải (có thể có các giọt bắn mang mầm bệnh) bị ‘‘giam’’ trong phòng. Mở cửa phòng có ánh nắng, tia cực tím cũng giúp tiêu diệt vi rút gây bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.