Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), người trực tiếp tham gia chuẩn bị đề án, cho biết chính sách tiền lương hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập. Việc trả lương gắn liền với ngạch, bậc khiến mức lương nhiều khi không liên quan tới vị trí công việc. “Vụ phó thậm chí lương cao hơn vụ trưởng, vụ trưởng có khi lương cao hơn cả thứ trưởng. Trong khi đó, thiết kế mức lương cơ sở khiến mức lương của khu vực công vẫn quá thấp so với nhu cầu cuộc sống và không tương quan với thị trường lao động, gây ra nhiều bất cập”, ông Dũng nói và nhấn mạnh: “Tất cả những hạn chế đó đặt ra đòi hỏi bức thiết cần phải thiết kế lại chính sách tiền lương hiện nay”.
|
Công chức, viên chức sẽ sống được bằng lương
Đề án Cải cách chính sách tiền lương lần này sẽ giải quyết những bất cập nói trên ra sao, thưa ông?
Trong hệ thống bảng lương mới, chúng tôi sẽ thiết kế một bảng lương dành cho các chức danh, chức vụ lãnh đạo được bầu và bổ nhiệm. Chẳng hạn, một người giữ chức danh vụ trưởng như tôi sẽ có một mức lương cố định là 17 triệu đồng, ai giữ vị trí này thì được hưởng mức lương đó, không làm vị trí này nữa thì hưởng mức lương của công việc mới và không phải thi nâng ngạch như trước nữa. Bảng lương này sẽ được thiết kế dựa trên cơ sở cân đối từ mức cao nhất là tổng bí thư, chủ tịch nước cho tới lãnh đạo cấp xã.
|
Bên cạnh đó, dù vẫn duy trì hệ thống ngạch bậc, song thiết kế chính sách mới cho phép công chức, viên chức không nhất thiết phải đủ số năm thì đi thi nâng ngạch như hiện tại mà việc thi hoặc xét nâng ngạch sẽ gắn liền với cơ cấu vị trí việc làm cụ thể tại mỗi cơ quan, đơn vị. Điều này có nghĩa, mức lương sẽ gắn liền với vị trí việc làm cụ thể chứ không gắn với việc thi nâng ngạch như hiện nay.
Điều nhiều người băn khoăn nhất là những đổi mới trong chính sách tiền lương lần này liệu có giúp số đông công chức, viên chức sống được bằng lương không?
Một trong những hạn chế của thiết kế chính sách lương hiện nay là mức lương cơ sở dùng để tính lương hiện quá thấp, dẫn đến mức lương trong khu vực công thấp hơn so với nhu cầu cuộc sống, thậm chí thấp hơn cả mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp (DN). Chẳng hạn, mức lương cơ sở theo quy định hiện nay là 1,3 triệu đồng, với một người tốt nghiệp đại học, hệ số 2,34 thì tiền lương khởi điểm là 3.042.000 đồng. Trong khi đó, mức lương tối thiểu vùng 1 (khu vực Hà Nội và TP.HCM), mức lương tối thiểu được quy định là 3.900.000 đồng.
Vì vậy, một trong những mục tiêu đầu tiên của đề án cải cách lần này là điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất để tiệm cận với thị trường lao động, đảm bảo công chức, viên chức có thể sống được bằng tiền lương. Bên cạnh đó, cơ cấu tiền lương cũng sẽ được thiết kế lại để giảm tỷ lệ phụ cấp từ trên 40% xuống dưới 30%, khắc phục tình trạng méo mó, lương thấp mà phụ cấp nhiều như hiện nay. Khi đó, tiền lương sẽ là thu nhập chính của công chức, viên chức, phụ cấp chỉ là một phần nhỏ.
Ngoài ra, đề án cũng sẽ sắp xếp lại mức phụ cấp của các ngành nghề theo tương quan mới để đảm bảo chính sách ưu tiên, khuyến khích của nhà nước đối với các ngành nghề có điều kiện lao động đặc thù… Tóm lại, khi những nội dung này được triển khai trong thực tiễn, mặt bằng tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được cải thiện rõ rệt.
Nếu tất cả mọi người đều được tăng lương như vậy thì tiền đâu để tăng khi mà ngân sách khó khăn như hiện nay?
Mục tiêu tăng lương sẽ phải tùy theo khả năng của ngân sách và gắn liền với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ. Đề án lần này chỉ đưa ra quan điểm xuyên suốt để thực hiện cho nhiều năm, còn việc thực hiện cần có lộ trình chứ không phải một lúc có thể đạt được ngay.
Bên cạnh đó, trong đề án trình T.Ư, chúng tôi cũng đưa ra giải pháp ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện ngân sách của địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách T.Ư cho cải cách tiền lương. Đồng thời, bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước...
Như vậy, với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, quy mô quỹ chi thường xuyên tăng về giá trị tuyệt đối, trong đó đã ấn định quỹ lương cùng các giải pháp đồng bộ khác, chúng ta hoàn toàn có đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương.
Không can thiệp vào chính sách tiền lương DN
Một trong những điểm mới của đề án lần này đối với khu vực DN là cho phép DN, kể cả DN 100% vốn nhà nước được tự chủ quyết định chính sách lương. Đề xuất này dựa trên cơ sở nào?
Nhiều quy định hiện nay của nhà nước đối với chính sách tiền lương DN không chỉ làm mất quyền tự chủ của DN, đồng thời trong nhiều trường hợp còn gây khó khăn cho chính những người lao động (NLĐ). Chẳng hạn như quy định mức chênh lệch giữa 2 lần tăng lương là 5% đang khiến nhiều NLĐ của chúng ta tại các DN nước ngoài bị đẩy ra đường khi DN phải trả mức lương quá cao vì cứ mỗi năm lại phải tăng lương một lần. Như thế, quy định này vô hình trung lại làm hại NLĐ của chúng ta chứ không phải bảo vệ họ.
Do đó, mục tiêu của đề án là giảm dần và tiến tới bãi bỏ sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào chính sách tiền lương của DN. Nhà nước chỉ công bố mức lương tối thiểu vùng và đảm bảo mức lương này là mức sàn thấp nhất, đảm bảo được mức sống tối thiểu của NLĐ. Đây sẽ là căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Phần còn lại sẽ do NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) thỏa thuận với nhau và nhà nước sẽ không can thiệp. Đó là nguyên tắc của thị trường. Còn mức lương tối thiểu như thế nào để đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ thì sẽ do Hội đồng tiền lương quốc gia xem xét và quyết định theo từng thời điểm cụ thể.
Nhưng nếu như vậy ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ trong mối quan hệ luôn “bất đối xứng” này?
Trong khu vực DN, tiền lương phải là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ theo quy luật của thị trường. NLĐ có thể yêu cầu NSDLĐ trả mức lương 10 triệu đồng cho công việc được giao, nếu không trả đủ thì có thể không làm. Đó là nguyên tắc thỏa thuận thị trường, nhà nước sẽ không can thiệp, cũng không đi lo việc đó được. Điều quan trọng là NLĐ biết được giá trị của mình, nghĩa là anh có chấp nhận làm công việc được giao với mức lương nhận được hay không.
Tất nhiên, việc NSDLĐ có thể chèn ép, khiến NLĐ bị thiệt hại là hoàn toàn có thể. Vì vậy, điều quan trọng là phải tăng cường vai trò của công đoàn trong việc đảm bảo những quyền lợi chính đáng của NLĐ chứ không phải là tiếp tục can thiệp vào những nguyên tắc cơ bản của thị trường bằng các quy định hành chính.
Tăng quyền tự chủ
Theo ông Nguyễn Quang Dũng, đề án lần này cũng đề xuất thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị. Theo đó, người đứng đầu đơn vị sẽ có quyền quyết định đối với phần tiết kiệm từ quỹ lương được “khoán”. Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt nhằm thu hút nhân tài, tăng hiệu quả công việc tại đơn vị mình. Chế độ tiền lương mới của khu vực công sẽ được thực hiện từ năm 2021, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ.
|
Mong lương “đủ sống tối thiểu”
Chị Lương Diệu Hiền (37 tuổi), cán bộ kinh tế - môi trường của UBND P.Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân), cho hay sau 14 năm công tác hiện mức lương của chị khoảng 4,2 triệu đồng. Tuy nhiên từ tháng 2.2018 đến nay, do nghỉ thai sản nên lương của chị chỉ còn 1,8 triệu đồng/tháng. Mức này cộng với hơn 2,2 triệu đồng/tháng thu nhập của chồng đang là cộng tác viên Đội quản lý trật tự đô thị Q.Bình Tân, mỗi tháng tổng thu nhập của gia đình chị chừng 4 triệu đồng, “vừa đủ đóng tiền học và mua sữa cho con”. Mọi chi phí ăn, ở đang phải dựa vào sự “tài trợ” của ba mẹ.
“Thực sự chúng tôi cũng chỉ mong đi làm có lương đủ sống tối thiểu: đảm bảo nhu cầu thiết yếu trong ăn, ở, đi lại, chi phí học hành cho con cái... Còn như hiện nay thu nhập còn cách quá xa mức sống tối thiểu, nói gì đến tích lũy”, chị Hiền trải lòng.
Trung Hiếu
|
Bình luận (0)