Sáp nhập ít nhất 16 quận, huyện và 631 phường, xã trong 2 năm tới?

Vũ Hân
Vũ Hân
09/01/2019 20:51 GMT+7

Chiều 9.1, Bộ Nội vụ cho biết, trong năm 2019 - 2020, có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã sẽ được sáp nhập .

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc có bao nhiêu đơn vị hành chính cấp huyện, xã sẽ phải sáp nhập sau khi Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã  được Bộ Chính trị cho ý kiến, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng cho biết, đề án này đã được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trước khi Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 37.
Nội dung của đề án trình về cơ bản vẫn như dự thảo được đưa ra lấy ý kiến hồi tháng 8.2018.
Theo Nghị quyết 37, lộ trình thực hiện việc sắp xếp là năm 2019 sửa đổi, ban hành mới các quy định pháp luật, trong đó có quy định liên quan.
Trong năm nay cũng sẽ rà soát, bổ sung hoặc ban hành quy định mới, đảm bảo việc triển khai thống nhất, đồng bộ; trước mắt, áp dụng các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đủ 50% cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số trong 2019 - 2021, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm để thực hiện cho giai đoạn tới.
Việc tổ chức thực hiện sẽ được thể chế hóa bằng một nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sau đó Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể. Trên tinh thần đó, Bộ Nội vụ sẽ dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện.
“Sau 8 ngày Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết, Bộ đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương và Cổng thông tin Chính phủ để xin ý kiến dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021", ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, nghị quyết của Bộ Chính trị không nêu con số cụ thể sẽ sắp xếp bao nhiêu đơn vị hành chính, nhưng theo đề án Chính phủ trình thì có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đủ 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số sẽ được sáp nhập.
Ngoài ra, nghị quyết cũng khuyến khích các địa phương sắp xếp thêm, tuỳ tình hình thực tế.

Tạm dừng sáp nhập sở, ngành để tránh xáo trộn

Cũng tại cuộc họp báo, ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ, cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện mà thời gian qua nhiều nơi đã thực hiện.
Ngoài ra, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành), cấp huyện (phòng, ban), chờ nghị định của Chính phủ.
Lý do, Bộ Nội vụ đã xây dựng 2 dự thảo liên quan đến việc này là dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư).
Hiện 2 dự thảo này đã được trình Chính phủ và báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị cho ý kiến một số nội dung liên quan đến khung số lượng cơ quan chuyên môn, tiêu chí thành lập tổ chức, biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa của một tổ chức hành chính ở địa phương.
Đây là 2 nghị định làm cơ sở để phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo và yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương.
Hiện nay, thẩm quyền quyết định cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện thuộc Chính phủ. Bộ Nội vụ cho biết việc tạm dừng không phải chùn bước, rút lại đề xuất của mình, mà “trong khi chưa có ý kiến đồng nhất thì tạm dừng lại, để thống nhất, tránh gây xáo trộn”.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, đến nay, một số tỉnh đã thực hiện xong việc hợp nhất một số sở, ban, ngành, phòng, ban. Tỉnh Lào Cai đi đầu hợp nhất Sở GTVT và Sở Xây dựng thành Sở GTVT - Xây dựng vào tháng 6.2018; sau đó, Hà Giang hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh uỷ với Sở Nội vụ, cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ với Thanh tra tỉnh, Đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh với Đảng bộ khối cơ quan tỉnh vào tháng 9.2018.
Đầu tháng 10.2018, TP.Hải Phòng hợp nhất một số cơ quan Đảng với chính quyền ở cấp huyện như: Văn phòng Quận uỷ với Văn phòng HĐND và UBND quận Hồng Bàng, huyện An Dương; Ban Tổ chức huyện uỷ với Phòng Nội vụ huyện Kiến Thụy; Uỷ ban Kiểm tra huyện uỷ Kiến Thuỵ với Thanh tra huyện.
Mới đây, tỉnh Hà Tĩnh hợp nhất Ban Tổ chức huyện uỷ Đức Thọ với Phòng Nội vụ huyện, hợp nhất Uỷ ban Kiểm tra huyện uỷ với Thanh tra huyện.
Tỉnh Cao Bằng cũng đang tiến hành, đưa ra phương án thí điểm thực hiện hợp nhất một số cơ quan: Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh; cơ quan Uỷ ban Kiểm tra tỉnh uỷ và Thanh tra tỉnh; hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và Sở Nội vụ; Sở GTVT với Sở Xây dựng; Sở Kế hoạch - Đầu tư với Sở Tài chính; Sở Thông tin - Truyền thông với Sở Khoa học - Công nghệ… 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.