Sạt lở ở Cần Thơ do hố xoáy tự nhiên

Ngày 5.10, xảy ra vụ sạt lở lớn trên sông Cần Thơ, đoạn thuộc địa bàn P.Xuân Khánh (Ninh Kiều) khiến người dân lo lắng. Hiện tại tình trạng sạt lở đã được tạm thời khắc phục.

Đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất
Ngày 10.10, trao đổi với Thanh Niên, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết qua làm việc với các chuyên gia của Viện Khoa học thủy lợi VN, bước đầu đã xác định được nguyên nhân của vụ sạt lở trên cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục.
“Sự cố sạt lở này là một hiện tượng tự nhiên. Đoạn sông bị sạt lở nằm ngay nơi có những hố xoáy ngầm dài khoảng 40 m, rộng 22 - 25 m, sâu hơn lòng sông từ 4 - 6 m. Chính những hố xoáy này cùng với dòng chảy xiết tác động vào bờ gây nên sạt đất”, ông Dũng nói.
Trước đó, sáng 5.10, vụ sạt lở xảy ra, ban đầu chỉ vài mét, sau đó do tác động của triều cường và dòng chảy mạnh đã khiến đoạn sạt lở kéo dài thêm. Hiện tại, đoạn bờ sông sạt lở đã kéo dài khoảng 80 m, ăn sâu vào đất liền khoảng 15 m.
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, UBND TP.Cần Thơ đã cùng chủ đầu tư Vincom Xuân Khánh chủ động huy động lực lượng sử dụng bao cát lấp các hố xoáy. Sau đó trải vải địa kỹ thuật phủ mặt trước khi thả các rọ đá chặn cố định bên trên. Theo ông Đào Anh Dũng, mục đích của lấp hố xoáy là tạo lòng sông bằng phẳng để dòng chảy lặng đi, không tạo dòng xói lở vào bờ.
“Đến thời điểm này, có thể nói tình trạng sạt lở đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất và cơ bản được khống chế. Về lâu dài, chúng tôi sẽ khảo sát lại toàn bộ lòng sông, đo vận tốc dòng chảy, khảo sát địa chất cụ thể hơn tại khu vực xói lở để có biện pháp tối ưu, tìm giải pháp đồng bộ cho toàn tuyến. Ngoài ra, khúc sông này thuộc dự án ODA kiên cố hóa 6 km đường sông có nguy cơ sạt lở cao đang được TP thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Hiện dự án đã có thiết kế và phương án kỹ thuật, sẽ triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 để giảm thiểu nguy cơ sạt lở như hiện tại”, ông Dũng nói.
Sau khi xem lại những đoạn video vào lúc xảy ra sạt lở, ông Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ, nhận xét có hiện tượng những xoáy nước gần bờ, những xoáy nước này có thể là do các “hàm ếch” tạo ra. "Chúng tôi đã cho cơ quan chuyên môn kiểm tra và theo khảo sát của các chuyên gia, dưới lòng sông đang có 3 hố xoáy lớn, mỗi hố dài khoảng 40 m, rộng 22 - 25 m, sâu hơn lòng sông từ 4 - 6 m; bên cạnh đó còn có rất nhiều hố nhỏ xung quanh, tạo nên những dòng xoáy chảy xiết, tác động vào bờ gây nên sạt lở" - ông Vinh nói.
Sông Cần Thơ thường xuyên sạt lở
Thực tế, tuyến sông Cần Thơ là nơi vẫn thường xuyên xảy ra sạt lở. Cụ thể, cuối tháng 3.2015, ở phía bên kia bờ sông Cần Thơ thuộc khu vực 4, P.Hưng Thạnh, Q.Cái Răng đã xảy ra sạt lở một đoạn bờ kè đang xây dựng. Trước đó 2 năm (tháng 5.2013), một đoạn kè dài hơn 40 m, đoạn ngang qua P.Hưng Thạnh bất ngờ bị sạt lở làm mất điện trong khu vực và cắt đường đi của hàng trăm hộ dân.
Đoạn kè bị sạt ăn sâu vào bên trong 14 - 16 m làm mất khoảng 40 m đường nằm phía trong bờ kè và nhấn chìm một chiếc ghe trọng tải hơn 5 tấn neo phía ngoài thân kè. Những năm trước đó, người dân và lãnh đạo TP.Cần Thơ cũng đau đầu về tình trạng sạt lở trên tuyến sông này tại khu vực H.Phong Điền. Trên địa bàn huyện này dọc theo tuyến tỉnh lộ 923 hay còn gọi là lộ Vòng Cung nằm cặp sông Cần Thơ luôn đối mặt với nguy cơ sạt lở rất cao. Đã có nhiều nhà cửa, cầu, đường bị cuốn trôi xuống sông. Thời điểm đó, Cần Thơ phải rất vất vả để tìm giải pháp khắc phục.
Báo cáo của Sở NN-PTNT TP.Cần Thơ cho biết: “Trong 7 tháng đầu năm, TP có 18 điểm sạt lở, tập trung tại các quận, huyện: Ô Môn, Cái Răng, Thốt Nốt và Phong Điền. Nguyên nhân do dòng chảy xiết, vào mùa hạn mặn vừa qua làm mực nước thấp, nay hết hạn mực nước dâng lên cũng gây sạt lở”.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng sạt lở dễ thấy nhất ở Cần Thơ cũng như nhiều địa phương khác ở ĐBSCL là do các phương tiện giao thông đường thủy tốc độ cao, trọng tải lớn ngày càng nhiều. Ông Kỷ Quang Vinh nhận định: Ngoài những nguyên nhân “bề nổi” đó, hiện tượng sạt lở còn được cho là do việc khai thác nước ngầm quá mức và đặc biệt là ở tầng sâu từ 200 - 300 m.
Tầng nước này đã vượt quá độ sâu của nền móng các công trình cao tầng. Chính vì vậy, khi khai thác nước ở những tầng này quá nhiều nó tạo ra một khoảng trống trong lòng đất, gây nên hiện tượng sụt lún làm biến dạng mặt đất. Điều quan trọng là nó không phải hiện tượng tại chỗ mà nó lại phụ thuộc và các mạch nước mỏ nước trong lòng đất; khai thác nước ở chỗ này mà sụt lún xảy ra ở chỗ khác nên rất khó nhận biết. Khả năng biến dạng mặt đất lại không phải xảy ra ngay một lúc mà xảy ra từ từ.
Ở một góc nhìn khác, TS Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ) phân tích, sạt lở đơn giản là do khai thác cát tận thu quá mức. Không phải do tình trạng khai thác cát trong phạm vi TP.Cần Thơ gây nên mà do tác động dây chuyền từ thượng nguồn ở Châu Đốc, Tân Châu (An Giang). Khai thác cát không chỉ gây sạt lở tại chỗ mà tác động dây chuyền kéo dài đến cả trăm cây số về phía hạ du, không chỉ trên dòng chính mà cả dòng nhánh. Khai thác cát làm thay đổi địa hình đáy sông, gây thay đổi dòng chảy. Khoảng 7 - 8 năm nay lượng phù sa thô nằm ở tầng đáy mà chúng ta gọi là cát và khai thác nó phục vụ xây dựng không về đồng bằng nữa. Bên cạnh lượng phù sa giảm là sự khai thác cát quá mức làm cho đáy sông bị biến dạng; tác động dây chuyền đến dòng chảy. Khi dòng chảy của nước đang ổn định mà bị sự tác động bất thường nào đó nó sẽ bị biến đổi. Quán tính của nước tới chỗ địa hình đáy sông thay đổi thì dòng nước bị lệch và không thể “nắn” lại liền được, nhất là với các dòng sông lớn.
Có thể nói hiện tượng sạt lở đang ngày càng phổ biến ở ĐBSCL hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng khai thác cát quá mức. Đây là một trong những tác động nhãn tiền. Mất cân bằng phù sa đáy gây sạt lở và xâm nhập mặn ngày càng nhiều, càng sâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.