Thêm 87 công nhân thủy điện Đăk Mi 4 được giải cứu
Hàng ngàn gia đình đang màn trời chiếu đất
Kiệt quệ vì mưa lũ kéo dài
Mọi ngả đường đều “vướng” đá
Hôm qua 31.10, mưa vẫn tiếp tục nặng hạt. Lực lượng chức năng đã tìm mọi phương án nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được với khoảng 3.000 hộ dân ở 2 xã Phước Thành, Phước Lộc (H.Phước Sơn, Quảng Nam) đang bị cô lập. Những ngả đường đều bị ngăn bởi lượng đất đá sạt lở khổng lồ. Suốt hôm qua, nhiều phương án tiếp tế lương thực, thực phẩm được đặt ra. Dự kiến sáng nay 1.11, nguồn hàng mới được khoảng 100 người gùi cõng, băng hàng chục cây số đường rừng để tiếp ứng…
Trực thăng sẵn sàng chi việnVề phương án tiếp tế bằng máy bay, đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó trưởng phòng Quân huấn Sư đoàn Không quân 372, cho biết đơn vị đã cử lực lượng túc trực tại sân bay Đà Nẵng, sẵn sàng thực hiện bay tiếp tế nếu điều kiện bay cho phép.
“Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, từ sân bay Đà Nẵng, máy bay sẽ mất khoảng 40 phút để bay đến xã Phước Thành và xã Phước Lộc. Thời gian bay từ 7 - 17 giờ, tùy điều kiện thời tiết sẽ cất cánh. Mỗi chuyến bay sẽ chở khoảng 1 - 1,2 tấn lương thực, nhu yếu phẩm”, đại tá Hùng nói.
Sư đoàn 372 cũng quyết định hỗ trợ thêm gạo, thực phẩm thiết yếu cho H.Phước Sơn bên cạnh số hàng hóa đã được tập kết tại sân bay Đà Nẵng để trực thăng hỗ trợ cho 2 xã khi điều kiện thời tiết thuận lợi. H.Phước Sơn sẽ tổ chức tiếp nhận và tiếp tục chuyển cho các xã trong những ngày tiếp theo. Hiện tại, thời tiết mưa, sương mù nên máy bay chưa thể thả lương thực, thực phẩm.
Trác Rin
|
“Từ xã Phước Kim, có thể cõng 20 - 30 kg, mất khoảng 3 giờ để lên tiếp tế cho xã Phước Thành. Từ xã Phước Công, chúng ta cần củng cố, gia cố thêm một số đoạn đường để gùi cõng lương thực, thực phẩm vào cho người dân xã Phước Lộc. Ở các xã Phước Lộc, Phước Kim, Phước Chánh, Phước Thành, Phước Công, mỗi xã sẽ có một trung đội gồm 30 cán bộ, chiến sĩ”, trung tá Kiên nói.
|
Ông Nguyễn Quảng, Phó chủ tịch UBND H.Phước Sơn, cũng cho biết mỗi xã hiện đã chuẩn bị lực lượng 30 - 40 người tham gia tiếp tế. Lương thực sẽ theo xe tải chở vào 2 xã Phước Công, Phước Kim tập kết. “Mùng mền, chiếu gối ở các xã bị cô lập đang thiếu nghiêm trọng, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn và sẽ chở lên các điểm tập kết, kịp thời cung cấp cho người dân”, ông Quảng thông tin.
Không dễ khắc phục sớm tuyến giao thông đường bộ trong vùng cô lập, khi nhiều điểm sạt lở gây hư hại nghiêm trọng, nhiều đoạn bị gãy tạo thành các vực sâu. Sau nhiều nỗ lực, tuyến đường từ xã Phước Công đi các xã Phước Lộc, Phước Thành được khơi thông đến khu vực cầu Dây của xã Phước Kim. Từ sáng sớm, mưa lớn, nhiều máy móc cơ giới nhẫn nại “gỡ” từng điểm nghẽn...
|
“Thổ địa rừng” tiên phong
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, nhận định lực lượng cứu hộ sẽ do dân quân, tổ xung kích của địa phương thực hiện. “Do chưa am hiểu địa hình, chưa đi khu rừng núi này bao giờ nên việc tổ chức cho bộ đội di chuyển trên đây là rất nguy hiểm. Nếu không xác định được vị trí các điểm sạt lở và tự cắt đường qua, không khéo có thể rơi xuống vực”, ông Hà nói.
Tối 31.10, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hồ Văn Mác, Chủ tịch UBND xã Phước Công, cho biết ông và cán bộ xã đang chuẩn bị hàng, gồm lương thực, thực phẩm để tiếp tế cho người dân xã Phước Lộc. “7 giờ ngày mai (1.11 - PV), khoảng 30 người gồm dân quân, cán bộ xã mỗi người cõng chừng 20 kg nhu yếu phẩm lên cho người dân bị cô lập. Nhiều nhất là muối mắm, mùng, mền”, ông Mác nói.
Là một trong những “thổ địa rừng” tiên phong đi tiếp tế, anh Hồ Văn Phím (27 tuổi, dân quân xã Phước Công) khẳng định: “Tụi tôi người trên núi nên quen cảnh vượt rừng lội suối rồi. Ngày mai tôi sẽ cõng lương thực, nhu yếu phẩm từ UBND xã Phước Công lên tiếp tế cho xã Phước Lộc”. Anh Phím vừa cùng 10 đồng đội mang hàng tiếp tế cho hàng trăm công nhân Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 bị mắc kẹt. Kinh nghiệm của anh là chỗ nào sạt lở thì dò dẫm từng chút, nhưng việc cõng mấy chục ký hàng và vượt hàng chục cây số trên tuyến đường sạt lở sẽ không hề dễ dàng.
Trong ngày 31.10, gạo và các mặt hàng nhu yếu phẩm do địa phương chuẩn bị được đưa đến Phước Kim và Phước Công tập kết tại trụ sở UBND xã. Từ 2 vị trí này, lực lượng tại chỗ của các xã được huy động để gùi cõng về 2 xã đang bị cô lập. Để đảm bảo an toàn tối đa về người, Sở chỉ huy tiền phương đề nghị chia thành nhiều tổ, chốt để trung chuyển từng chặng.
|
Lương thực đã gần hết
Ở bên trong vùng cô lập, nỗi lo càng dâng cao theo thời gian. Cô giáo Bạch Thị Thu Hà (công tác tại một trường mầm non ở xã Phước Thành) qua kết nối điện thoại đã mô tả cảnh hàng trăm hộ dân trong làng đang phải sống trong cảnh thiếu thốn cùng cực. “Nhà bị cuốn trôi, chẳng còn gì để ăn, thậm chí không còn gì ngoài bộ áo quần đang mặc trên người mấy ngày nay. Gạo từ nguồn hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng đã gần hết”, cô Hà lo lắng nói qua điện thoại.
Theo thống kê sơ bộ, gần 100 hộ dân ở 3 xã đã bị lũ cuốn trôi nhà hoàn toàn. Trong đó, ở Phước Lộc có 30 hộ, Phước Thành 50 hộ, Phước Kim 15 hộ. Những người trong các gia đình này đang phải nương tựa tại các điểm trường trên địa bàn.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Hà cũng rất lo lắng: “Hiện tại, những xã bị cô lập đang rất nguy cấp vì lương thực đã gần hết. Nếu bão số 10 vào nữa thì sẽ rất phức tạp. Bằng mọi cách, chúng tôi phải đưa lương thực vào cho người dân trước khi bão số 10 đổ bộ”.
Bình luận (0)