Sẽ có KPI để “đo” chính phủ điện tử

Chí Hiếu
Chí Hiếu
25/07/2018 08:00 GMT+7

Chính phủ sẽ có Bộ chỉ số đánh giá (gọi tắt là KPI) chương trình Chính phủ điện tử và sẽ công khai kết quả để người dân, doanh nghiệp có thể đo đếm được những lợi ích Chính phủ điện tử mang lại.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (ảnh) nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Thanh Niên về xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT).
“Cán bộ vẫn thích làm việc trên giấy”
Sẽ có KPI để “đo” chính phủ điện tử
Ảnh: Nhật Bắc
       
Thưa Bộ trưởng, câu chuyện CPĐT đã được nói đến từ lâu, song thật sự đến nay người dân, doanh nghiệp (DN) vẫn rất khó có một hình dung, định lượng cụ thể về nó?
Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng CPĐT như từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy việc ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT; xây dựng và đưa vào vận hành một số cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN, về bảo hiểm. Hay đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai; mở kênh đối thoại đa phương tiện giữa lãnh đạo Chính phủ với người dân, DN. Rồi một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu như đăng ký DN, thuế, hải quan điện tử đã được cung cấp… Nhưng CPĐT không đơn thuần chỉ là CNTT và truyền thông. Xây dựng CPĐT phải lấy người dân, DN làm trung tâm, gắn kết với cải cách hành chính; hoàn thiện hệ sinh thái CPĐT dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Để CPĐT thực sự hiệu quả, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế như kết nối, chia sẻ dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân, xác thực điện tử; thiết lập các hệ thống thông tin nền tảng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật… Đặc biệt là có cơ chế bảo đảm thực thi, xây dựng Bộ chỉ số đánh giá chương trình CPĐT (KPI) và công khai kết quả thực hiện. Qua đó, người dân, DN sẽ nhận thấy rõ hơn về CPĐT và có thể đo đếm được những lợi ích CPĐT mang lại. Đồng thời thông qua KPI, các cơ quan nhà nước cũng sẽ thấy rõ được những lĩnh vực nào trong xây dựng CPĐT đạt kết quả tốt, cái nào cần phải cố gắng.
Hiện nay Chính phủ có đánh giá cụ thể về tỷ lệ trung bình về sử dụng dịch vụ công trực tuyến không, khi mà hình ảnh người dân, DN đi làm thủ tục vẫn khệ nệ cả tập giấy tờ, hồ sơ vẫn rất phổ biến?
Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, trong quý 2/2018, có hơn 2.400 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 được các bộ, ngành, địa phương xây dựng, nâng tổng số DVCTT mức độ 3, mức độ 4 cả nước cung cấp hiện nay là gần 50.000. Cụ thể, ở T.Ư, tỷ lệ DVCTT mức độ 3, mức độ 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 36,95% (583/1.578). Tại địa phương, tỷ lệ DVCTT mức độ 3, mức độ 4 có phát sinh hồ sơ là 10,18% (4.864/47.774), trong đó số lượng DVCTT ở mức độ 4 giảm hơn 50% so với quý 1/2018. Số liệu thống kê cho thấy, mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường việc cung cấp DVCTT, tuy nhiên, tỷ lệ dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến là rất thấp.
Đâu là nguyên nhân chính khiến kết quả vẫn rất hạn chế như thế?
Thứ nhất là thể chế. Hiện thiếu khung pháp lý tổng thể và một số cơ chế nền tảng để phát triển CPĐT. Chưa có quy định pháp luật rõ ràng về chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng thông tin, dữ liệu; thiếu văn bản pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân... Thứ nữa là về công nghệ kỹ thuật. Hệ thống nền tảng kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu chưa hoàn thành. Các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai triển khai chậm. Các DVCTT được cung cấp số lượng lớn nhưng còn nặng về hình thức. Ngoài ra, cũng phải thừa nhận cán bộ, công chức một số nơi vẫn có thói quen làm việc dựa trên giấy, không tích cực sử dụng các hệ thống thông tin.
Mấu chốt vẫn là chia sẻ thông tin
Ông có cho rằng cản trở lớn nhất là tình trạng khép kín, ngại chia sẻ thông tin giữa các bộ ngành và có cách gì để khắc phục điều này?
Đúng là các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa đầy đủ, thiếu sự chia sẻ. Để giải quyết đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành, địa phương. Hiện chúng tôi đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển CPĐT giai đoạn 2018 - 2020, định hướng 2025. Trong đó, quan điểm là xây dựng CPĐT dựa trên cơ sở thiết kế tổng thể, thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu, tạo ra các nền tảng dùng chung từ T.Ư đến địa phương. Dự thảo đã đưa ra giải pháp hướng đến tạo lập, quản lý, kiểm kê và chia sẻ dữ liệu; xây dựng Nghị định về chia sẻ thông tin, trình Chính phủ trong năm 2019; nghiên cứu, xây dựng đề án về giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu bảo đảm tính khoa học cả về hành chính quản lý và công nghệ chia sẻ, trình Thủ tướng vào tháng 11.2018.
Bên cạnh đó là hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; với nguyên tắc người dân, DN chỉ phải cung cấp thông tin một lần; hoàn thành xây dựng hệ thống nền tảng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu các hệ thống, tổ chức thực hiện số hóa dữ liệu và cung cấp danh mục dữ liệu để tích hợp, chia sẻ cho các cơ quan nhà nước. Ngoài ra, việc người đứng đầu cần vào cuộc một cách quyết liệt, sự chuyển đổi phương thức quản lý sang sử dụng CPĐT, từ sử dụng văn bản điện tử đến văn phòng, họp không giấy, hay ra quyết định dựa trên dữ liệu số hóa. Có như vậy, chúng ta mới phát triển CPĐT hiệu quả thật sự.
Vừa rồi Bộ trưởng có đi kiểm tra một số mô hình chính quyền điện tử ở nhiều địa phương, vậy có những bài học, cách làm nào để áp dụng được ở tầm T.Ư, như viễn cảnh về mô hình mà DN khi thực hiện những dự án lớn cũng chỉ cần tới một nơi mà vẫn có thể vừa được cấp phép đầu tư, vừa xin được thủ tục thuê đất, rồi làm giấy phép xây dựng?
Chúng tôi đã đi một số địa phương để nghiên cứu cách làm hay như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai. Đây là những tỉnh có những thành công rõ rệt khi phát huy được hiệu quả của trung tâm hành chính công thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ”, đó là: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả hoặc ứng dụng mạnh mẽ liên thông các hệ thống CNTT. Tuy nhiên, sự liên thông thông tin, chia sẻ dữ liệu còn rất hạn chế. Điều này khiến người dân phải đến nhiều nơi, làm nhiều công đoạn. Do vậy, để đạt được viễn cảnh như bạn mô tả, cần thực hiện nguyên tắc 4 tại chỗ, đưa các cơ quan hành chính đến tiếp nhận và giải quyết tập trung tại bộ phận một cửa; đồng thời cần đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, kết nối được các hệ thống của các ngành với nhau để liên thông thực hiện các nhóm thủ tục hành chính có liên quan với nhau.
TP.HCM hướng đến dịch vụ công được thực hiện tự độn
Chiều 24.7, tại hội nghị chuyên đề về “Kiến trúc chính quyền điện tử TP.HCM”, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, cho biết TP.HCM đặt tầm nhìn xây dựng chính quyền điện tử (chính quyền sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là internet, như một công cụ để đạt được hiệu quả tốt hơn trong điều hành, quản lý) định hướng chính quyền số (sử dụng công nghệ số hóa để tạo ra các giá trị công). Theo đó, từ 2018, cùng với thực hiện song song đề án “thành phố thông minh”, trên nền tảng dữ liệu số hóa, tận dụng kênh mạng xã hội và thiết bị điện thoại thông minh, TP.HCM đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ công thông minh mọi lúc mọi nơi cho người dân, doanh nghiệp…
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, về dịch vụ công trực tuyến tuy đã có hơn 735 thủ tục giải quyết trực tuyến (có thể nộp hồ sơ qua mạng tại địa chỉ https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn), nhưng số lượng người dân, doanh nghiệp sử dụng còn thấp, chưa được như mong muốn.     
Đình Phú

(thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.