Bộ Tư pháp cho biết dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giám định tư pháp đã được chỉnh lý hoàn tất để Chính phủ xem xét và trình Quốc hội vào kỳ họp tới, khi được thông qua sẽ tháo gỡ “điểm nghẽn” thu hồi tài sản tham nhũng.
Quy định rõ trường hợp giám định
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp ngày 30.7, bà Nguyễn Thị Mai, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp, cho hay luật Giám định tư pháp được sửa đổi, bổ sung trên tinh thần phục vụ xử lý các vụ án tham nhũng với nhiều điểm mới, trong đó quy định bổ sung căn cứ và cách thức trưng cầu giám định để chống tình trạng lạm dụng kéo dài thời gian giám định như hiện nay.
“Ngoại trừ các trường hợp đặc biệt cần có ý kiến chuyên môn về hành vi vi phạm cũng như giá trị thiệt hại đối với tài sản vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền mới quyết định, còn đối với các vụ việc đã có chứng cứ, tài liệu về hành vi thiệt hại thì không trưng cầu giám định nữa”, bà Mai nói và cho biết dự thảo luật cũng đưa ra các quy định giám định trong trường hợp vụ án có liên quan tới nhiều cơ quan chức năng khác nhau, tránh tình trạng có nhiều kết luận giám định khác nhau mà không có kết quả nào cụ thể, dẫn tới không có căn cứ xử lý.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng bổ sung nhiều quy định giám định trong hoạt động thanh tra, trách nhiệm của bên trưng cầu và bên giám định, yêu cầu kết luận giám định phải rõ ràng đảm bảo để xử lý vụ việc… "Chúng tôi đánh giá dự luật này sẽ tháo gỡ những vướng mắc tắc nghẽn về thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng hiện nay", bà Mai nói.
Thực tế thời gian qua, phản ánh từ nhiều địa phương cho biết điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự nói chung, các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng cho thấy, do chưa có quy định cụ thể về thời hạn ra kết luận giám định, kết luận định giá tài sản dẫn đến việc giám định, định giá tài sản trong nhiều trường hợp mang tính hành chính, kéo dài.
Thậm chí có nhiều trường hợp tòa án đợi lâu không có kết luận của cơ quan giám định nên không có cơ sở tiếp tục giải quyết vụ án và phải làm công văn nhắc kết quả nhiều lần; kết luận giám định trong một số vụ án chưa chặt chẽ, còn chung chung, làm hạn chế kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trong khi đó các cơ quan tố tụng cho hay nhiều vụ án khi ra quyết định trưng cầu giám định, điều tra viên đến làm việc ở các bộ ngành phải chờ đợi, lòng vòng, quay đi quay lại có trường hợp mất hàng tháng. Có những vụ án thời hạn điều tra tối đa chỉ 12 tháng, nhưng từ khi cơ quan điều tra yêu cầu trưng cầu giám định cho đến khi có kết luận giám định hơn 13 tháng, do vậy phải tạm đình chỉ điều tra…
Chưa đủ căn cứ thu hồi tài sản ông Trần Bắc Hà
Tại cuộc họp báo, PV Thanh Niên đặt câu hỏi sau khi ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV, qua đời trong quá trình tạm giam, các cơ quan tố tụng đình chỉ điều tra đối với bị can thì việc xử lý thu hồi tài sản trong trường hợp này như thế nào, có vướng mắc gì không?
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, cho rằng các tài sản đã được áp dụng các biện pháp tạm thời càng nhiều, càng rõ thì khả năng thu hồi càng cao. Đối với trường hợp của ông Trần Bắc Hà, do chưa có bản án nên thi hành án chưa có căn cứ để thu hồi. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng trong những vụ việc như thế này, không chỉ giai đoạn thi hành án mà ngay trong quá trình điều tra cũng có biện pháp để thu hồi.
Báo cáo thêm về vấn đề thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, ông Sơn cho biết Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng đã có kế hoạch và thành lập 5 đoàn công tác do lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm trưởng đoàn, đã kiểm tra 7 Đảng ủy Ban Cán sự Đảng; 9 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc TƯ. Hiện các đoàn đang báo cáo với Ban chỉ đạo và đang chờ kết luận chính thức.
Chủ đầu tư sai phạm không thể bắt người mua nhà gánh chịu !Trả lời PV Thanh Niên tại họp báo, ông Lê Đại Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, cho biết việc Sở TN-MT TP.Hà Nội thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) của hàng trăm hộ dân sinh sống tại các dự án nhà ở của Tập đoàn Mường Thanh, là tình huống pháp lý cần giải quyết đúng quy định pháp luật. Theo ông Hải, việc giải quyết những vướng mắc liên quan đến thu hồi sổ hồng thuộc trách nhiệm của UBND TP.Hà Nội và Bộ TN-MT.
“Điều 106 luật Đất đai 2013 quy định giấy chứng nhận cấp không đúng thẩm quyền, sai đối tượng sử dụng đất, diện tích đất, điều kiện được cấp, mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo quy định, thì bị thu hồi. Đi vào trường hợp cụ thể ở các dự án của Mường Thanh, chúng tôi nhận thấy cần phân biệt, tách bạch quyền sở hữu của người mua nhà và trách nhiệm pháp lý của người có hành vi vi phạm”, ông Hải bày tỏ và dẫn quy định của bộ luật Dân sự hiện hành, nhấn mạnh trong trường hợp chủ đầu tư dự án có sai phạm thì người dân mua nhà không liên quan.
Ông Hải cũng cho rằng, việc Sở TN-MT đã tiến hành thu hồi 384 sổ hồng của người dân là phải có quyết định hành chính. Nếu việc ban hành quyết định đó không đúng thì người dân có quyền khiếu kiện và không đúng thì phải trả lại sổ hồng cho người dân, thậm chí phải bồi thường thiệt hại.
|
Bình luận (0)