Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn thấp

Lê Hiệp
Lê Hiệp
12/11/2018 06:19 GMT+7

Đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2018 có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, song báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ cũng khẳng định vẫn còn nhiều hạn chế.

Báo cáo dự kiến sẽ được Chính phủ trình bày tại Quốc hội (QH) trong tuần này, đánh giá: Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Tham nhũng từng bước được kiềm chế
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2018 có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 6 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật, tăng 17 người so với năm 2017; 45 người so với năm 2016.
Báo cáo cho hay, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử. Việc xét xử được đổi mới theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, nghiêm minh, thấu tình đạt lý, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng.
Cụ thể, qua việc kiểm tra nội bộ, phát hiện 25 vụ, 27 đối tượng; qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 78 vụ, 106 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng; qua công tác giải quyết khiếu nại tố cáo phát hiện 40 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Các cơ quan điều tra lực lượng công an thụ lý điều tra 427 vụ án, 889 bị can phạm tội về tham nhũng. Trong đó, khởi tố mới năm 2017 chuyển sang 168 vụ, 364 bị can; khởi tố mới 279 vụ, 554 bị can phạm tội tham nhũng (tăng 26,8% vụ, 15,6% bị can so với năm 2017). Thiệt hại trong các vụ án đã thụ lý, điều tra là hơn 4.764 tỉ đồng, trên 300.000 m2 đất; đã thu hồi trên 2.267 tỉ đồng và nhiều tài sản gồm: kê biên 3 căn nhà, 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 5 ô tô, phong tỏa 67.862 cổ phiếu và 6.600 m2 đất...
TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 340 vụ với 827 bị cáo (giảm 1,5% số vụ, tăng 9,1% số đối tượng); đã xét xử sơ thẩm 200 vụ, 472 bị cáo về các tội tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,5% (giảm 8,2% so với cùng kỳ); đã tuyên phạt 9 án tử hình, tù chung thân (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017).
Tăng cường biện pháp dẫn độ truy bắt tội phạm tham nhũng
Báo cáo của Chính phủ cũng đánh giá, tình trạng tham nhũng vẫn còn biểu hiện diễn biến phức tạp và còn một số hạn chế. Một số quy định về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, chồng chéo dễ bị lợi dụng làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đấu thầu, đầu tư, mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công… Bên cạnh đó, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện, một số biện pháp hiệu quả thấp.
Theo số liệu từ báo cáo Chính phủ, trong năm 2018, số người đã kê khai tài sản, thu nhập là hơn 1,136 triệu người, tuy nhiên chỉ có 44 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập, bao gồm các trường hợp tại: Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Công thương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội, TP.HCM, Yên Bái. Trong đó nhiều nhất là tại Bộ Xây dựng với 37 trường hợp. Qua xác minh chỉ phát hiện 6 trường hợp vi phạm và xử lý kỷ luật 4 trường hợp, kiểm điểm 1 trường hợp và 1 trường hợp khác đang xem xét kỷ luật. Trong năm 2018 chỉ có 25 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 451,5 triệu đồng.
Báo cáo cũng khẳng định, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ.
Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh, số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng. Chất lượng và tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại. Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Công tác giám định, định giá tài sản phục vụ cho xử lý tham nhũng vẫn còn bất cập.
Chính phủ cho rằng, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp là do đối tượng phạm tội tham nhũng là người có chức vụ quyền hạn, có ảnh hưởng và quan hệ rộng, thủ đoạn che giấu tinh vi và luôn tìm cách che đậy, gây khó khăn cho việc thu hồi tài sản; các vụ án thường xảy ra khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán tài sản tinh vi, hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ dẫn đến điều tra, thu thập gặp nhiều khó khăn.
Từ đó, Chính phủ coi việc tăng cường các biện pháp dẫn độ truy bắt tội phạm tham nhũng bỏ trốn và thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019 và đề nghị TAND tối cao, Viện KSND tối cao, các cơ quan tố tụng chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hoạt động tố tụng; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; thống kê, theo dõi chặt chẽ kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.
QH dành 1,5 ngày thảo luận về phòng chống tội phạm, tham nhũng năm 2018
Tiếp tục kỳ họp thứ 6, trong tuần này, QH sẽ dành 1,5 ngày (13.11 và sáng 14.11) để nghe báo cáo và thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng năm 2018. Ngoài ra, QH cũng sẽ nghe và thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2018.
Cũng trong tuần này QH sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; thông qua luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Ngoài ra, QH sẽ tiếp tục thảo luận về các dự án luật Giáo dục sửa đổi; luật Đầu tư công sửa đổi; luật Quản lý thuế; luật Thi hành án hình sự sửa đổi; luật Phòng chống tác hại rượu bia…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.