Tòa xử tài sản không rõ nguồn gốc của quan chức sẽ dễ phát sinh tiêu cực

25/10/2018 11:38 GMT+7

Phương án xử lý tài sản tăng thêm không rõ nguồn gốc vẫn trở thành tâm điểm tranh luận trên nghị trường Quốc hội khi bàn về luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sáng 25.10.

Hai phương án xử lý tài sản không rõ nguồn gốc của quan chức
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 là thu thuế thu nhập cá nhân; đồng thời, sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại thu nhập này là thu nhập chịu thuế.
Một số ý kiến tán thành với phương án 2 của dự thảo luật là xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực, không minh bạch trong giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập.
Trong khi đó, nhiều ý kiến đề nghị thu hồi tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc (phương án 3) thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại tòa án.
Sau khi phân tích ưu nhược điểm của từng phương án, bà Nga cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lựa chọn phương án 3, xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục tố tụng tại tòa án vì đây là phương án có nhiều ưu điểm hơn so với hai phương án còn lại.
Tuy nhiên, do còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho ý kiến về 2 phương án: xử lý tại tòa và thu thuế.
Đưa ra tòa khó khả thi
Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị lựa chọn phương án thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình hợp lý về nguồn gốc. Trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không đồng tình với việc thu thuế thì có thể kiện ra tòa hành chính.
Theo đại biểu Hòa, phương án này sẽ nhanh hơn là phương án thực hiện qua thủ tụng tố tụng tại tòa. “Thực tế cho thấy khó có thể xử lý nhanh nếu đưa ra xử lý tại tòa án”, đại biểu Hòa nói.
Cùng quan điểm này, đại biểu tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, cơ quan kiểm soát tài sản không chứng minh đó là tài sản bất hợp pháp thì không có căn cứ để chuyển ra tòa án.
Ông Phương dẫn chứng, nhiều vụ chủ tịch xã và trưởng phòng quản lý đất đai khi nhận tiền của người dân bị truy tố thì chủ tịch xã không bị tội mà trưởng phòng quản lý đất đai bị tội vì không có đủ chứng cứ buộc tội chủ tịch xã.
Ông Phương cũng nêu ra nhiều lập luận cho rằng, phương án xử lý tại tòa mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn là không phù hợp vì dễ gây xung đột, phản kháng của người kê khai tài sản bị đưa ra tòa, đồng thời, gây khó khăn cho tòa án và dễ phát sinh tiêu cực.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng cho rằng, để phương án xử lý tại tòa được thông qua và khả thi thì cần làm rõ 2 vấn đề: Thứ nhất, đưa ra tòa thì nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản sẽ thuộc về tòa án? Tuy nhiên, việc chứng minh này không đơn giản.
Thứ hai, đại biểu Tám nêu: giao cho tòa án thì tòa sẽ có thêm nhiệm vụ như vậy có quá tải cho tòa hay không trong khi luật chưa quy định về việc tạo nguồn lực để giải quyết nhiệm vụ này?
“Nếu hai vấn đề này chưa giải quyết được và cảm thấy không giải quyết được thì nên chuyển sang phương án thứ 2 (thu thuế thu nhập cá nhân - PV)”, đại biểu tỉnh Kon Tum nói.
Đề nghị chuyển cơ quan điều tra khi có nghi ngờ
Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thì cho rằng, cả 2 phương án được đưa ra đều không đảm bảo. Theo đại biểu Nhưỡng, không có cơ sở pháp lý để xử lý tại tòa án vì tòa án không thể thực hiện vượt quy định của pháp luật.
“Nếu tiếp tục đưa ra tòa giải quyết kiến nghị của cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập thì ta đang hình sự hóa trá hình việc kê khai tài sản. Điều này là không phù hợp về khoa học hình sự”, đại biểu Nhưỡng quả quyết.
Ngược lại, đại biểu tỉnh Bến Tre cũng cho rằng, đánh thuế cũng là phương án “rất khó khăn”. “Kể cả tài sản tham nhũng thì nó cũng đã được mua, nghĩa là nó đã đóng thuế rồi, nếu giờ đánh nữa thì thuế chồng thuế”, ông Nhưỡng nói và đề nghị, nếu tài sản có nghi vấn thì dứt khoát phải đưa vào điều tra.
Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cũng cho rằng, phương án đưa ra tòa không hợp lý vì đây không phải là vụ án hành chính và giao cho tòa án xử lý là vượt quá khả năng, chức năng của tòa án.
Từ đó, đại biểu Tuấn cho rằng, đối với tài sản tăng thêm không giải trình cần chuyển cho cơ quan điều tra thụ lý điều tra ban đầu. Nếu không không có dấu hiệu hình sự thì chuyển cho cơ quan quản lý thuế xử lý, còn nếu có dấu hiệu hình sự thì khởi tố hình sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.