Phận người trôi theo con sóng
Liên tục nhiều ngày sau bão số 9, chúng tôi có mặt tại các làng biển Hoài Hải, Hoài Thanh, Tam Quan... của TX.Hoài Nhơn để nắm thông tin về việc tìm kiếm các ngư dân trên 2 tàu cá BĐ 97469 TS và BĐ 96388 TS bị chìm, đồng thời trao những phần quà của bạn đọc Báo Thanh Niên chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại nặng... Đó là những ngày mà khi ngủ, chúng tôi vẫn còn mơ thấy những người vợ, người mẹ của các ngư dân ngồi khóc ở cửa biển ngóng trông tin chồng, con.
Hoàn cảnh thương tâm nhất trong số các ngư dân mất tích là gia đình anh Nguyễn Văn Hoài (25 tuổi, ở KP.5, P.Tam Quan), thuyền viên tàu cá BĐ 97469 TS. Chiều 27.10, khi tàu cá này bị chìm trên biển, vợ anh Hoài là chị Trần Thị Hiếu (22 tuổi) còn đang ở cữ vì mới sinh con thứ 2 được 12 ngày. Đêm hôm đó, mưa gió phủ xuống ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Trúc (50 tuổi) và bà Ngô Thị Bích Nga (49 tuổi - cha và mẹ anh Hoài). Khi mọi người đang tránh bão trong nhà thì vợ chồng bà Nga nhận được tin con trai gặp nạn nhưng không nỡ nói lại với con dâu.
Mãi đến lúc gia đình lập bàn thờ, chị Hiếu mới hay chồng tử nạn. Nỗi đau ập đến bất ngờ, chị khóc òa rồi gục xuống giường bất động. Gia đình lay mãi chị Hiếu mới hồi tỉnh nhưng hàng chục ngày sau vẫn thất thần...
Ông Trúc làm nghề thợ hồ, bà Nga không nghề nghiệp ổn định nên gia đình luôn khó khăn. Hai chị gái đi làm công nhân rồi có chồng, anh Hoài là con út trong nhà, năm nay mới 25 tuổi nhưng đã đi biển gần 8 năm, là lao động chính trong nhà. Con gái đầu lòng của anh Hoài và chị Hiếu là cháu Nguyễn Trần Khánh Ly (22 tháng tuổi) bị tim và hở hàm ếch bẩm sinh.
Hỗ trợ gia đình các ngư dân gặp nạnỦy ban MTTQ VN tỉnh Bình Định đã trao 23 sổ tiết kiệm cho các gia đình của 23 ngư dân mất tích trên biển trong bão số 9, mỗi sổ trị giá 50 triệu đồng, do Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt hỗ trợ. Ngoài ra, mỗi gia đình ngư dân còn nhận hỗ trợ 17 triệu đồng từ Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty CP Nguyệt Anh, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Bình Định, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định. Ba ngư dân được cứu sống nhận hỗ trợ 37 triệu đồng/người.
Tập đoàn Hưng Thịnh cũng tặng 2 sổ tiết kiệm (50 triệu đồng/sổ) cho vợ con 2 ngư dân trẻ mất tích là Nguyễn Văn Hoài và Phan Quốc Y, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
|
Căn nhà của gia đình ngư dân Nguyễn Văn Thân (42 tuổi, ở khối phố Ngọc Sơn Bắc, P.Hoài Thanh Tây) nhỏ xíu, chỉ có 4 bức tường gạch xây lâu năm không được trét hồ. Tối 27.10, tàu cá BĐ 96388 TS do ông Nguyễn Văn Minh (ở KP.Tăng Long 1, P.Tam Quan Nam) làm thuyền trưởng bị chìm, 12 ngư dân trên tàu bị mất tích, trong đó có anh Thân. Lúc nghe tin chồng gặp nạn, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (39 tuổi, vợ anh Thân) rụng rời, tim như ngừng đập. Gia đình có cha mẹ già đã ngoài 65 tuổi, chị Tuyết không có nghề nghiệp, 2 con còn nhỏ nên bao nhiêu năm qua gánh nặng nuôi gia đình dồn cả lên vai anh Thân.
“Quanh năm anh ấy bám biển, kiếm tiền nuôi cha mẹ, con cái, mấy khi gia đình đoàn tụ. Năm nay, thằng con đầu (em Nguyễn Tấn Minh - 18 tuổi) cũng đi biển nên gánh nặng nuôi gia đình trên vai ảnh nhẹ bớt chút đỉnh, còn thằng nhỏ mới 13 tuổi. Vậy mà bây giờ ảnh bị mất tích ngoài biển...”, chị Tuyết nghẹn ngào.
|
Niềm đau không dứt
Dáng đi liêu xiêu của ông Võ Phòng (72 tuổi, ở thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải), cha của anh Võ Ngọc Đô (41 tuổi, chủ tàu cá BĐ 97469 TS), dắt cháu nội đến các lăng ông Nam Hải, đình làng... thắp hương khấn vái, cầu mong con mình được cứu sống cũng khiến bao người rơi nước mắt. Trên tàu cá BĐ 97469 TS, ngoài anh Đô, còn có anh Võ Văn Hoài (35 tuổi, em trai anh Đô) và Lê Minh Don (20 tuổi, cháu gọi anh Đô bằng cậu). Rất may, khi tàu cá BĐ 97469 TS bị chìm, anh Hoài, anh Don và anh Huỳnh Xuân Phi (35 tuổi, ở thôn Diêu Quang, xã Hoài Hải) được cứu sống.
Vợ chồng anh Đô nuôi cha mẹ già và 3 đứa con. Người con lớn 13 tuổi, con giữa 9 tuổi và con nhỏ 6 tuổi. Năm 2017, chiếc tàu cá của vợ chồng anh Đô bị cháy rụi nên phải vay ngân hàng 2 tỉ đồng để đóng tàu cá BĐ 97469 TS trị giá 4 tỉ đồng. Đến nay, anh Đô vẫn chưa trả hết nợ. “Bây giờ thì người mất tích, ghe chìm coi như mất trắng. Con dâu không có nghề nghiệp làm sao thay chồng nuôi con cái, rồi biết lấy tiền đâu mà trả nợ?”, ông Võ Phòng nói.
|
Theo anh Huỳnh Xuân Phi, một trong 3 ngư dân may mắn sống sót trong cơn bão biển, nghề đi biển thu nhập không ổn định nên nhiều gia đình các ngư dân có mức sống khó khăn. Lần này may mắn sống sót trở về, vợ anh Phi kiên quyết không cho chồng đi biển nữa. Trước mắt, anh Phi chẳng biết làm gì để nuôi vợ con. “Mình đi biển, chuyến nào trúng có khi nhận đến vài chục triệu nhưng chuyến bị lỗ thì chẳng có đồng nào, tính đi tính lại thì bình quân thu nhập được khoảng 5 triệu đồng cho mỗi chuyến biển kéo dài
20 - 25 ngày. Những chuyến đi biển không có thu nhập, vợ con ở nhà phải vay tiền để lo ăn uống chứ đâu còn thu nhập nào. Nghĩ đến hoàn cảnh 23 anh em mất tích ngoài biển, chẳng biết cha mẹ, vợ con họ sẽ sống ra sao”, anh Phi tâm sự.
Theo ông Phan Đạo Lập, cán bộ UBND xã Hoài Hải, tàu cá bị chìm, ngư dân mất tích là câu chuyện lặp đi lặp lại, năm nào cũng xảy ra ở các làng chài Hoài Nhơn. Từ đầu năm đến nay, xã Hoài Hải cũng có nhiều tàu cá gặp nạn trên biển. Mới đây, tối 6.10, tàu cá BĐ 96365 TS do anh Võ Văn Như (35 tuổi) làm thuyền trưởng, cùng 12 thuyền viên, bị chìm hoàn toàn nhưng may mắn được tàu cá BĐ 97177TS đến cứu kịp thời. Ngày 21.10, tàu cá BĐ 97480 TS của ông Lê Văn Ốm (đều ở xã Hoài Hải) cũng bị chìm trên biển, 4 ngư dân trên tàu này được tàu cá BĐ 97809 TS cứu sống...
“Hơn 90 % dân số ở xã Hoài Hải sống nhờ vào nghề biển. Đàn ông thì làm lao động trên các tàu cá, còn phụ nữ không có nghề nghiệp ổn định, chỉ ở nhà chăm con. Biết đi biển đối mặt với bao hiểm nguy nhưng không đi biển thì biết lấy gì mà sống? Có người đi biển gặp nạn được cứu sống, sợ quá nên ở nhà một thời gian rồi lại đi biển. Vợ không có nghề nghiệp, gắng gượng làm thuê để kiếm tiền nuôi con. Cứ thế, con cái leo lắt lớn lên rồi lại theo nghề đi biển của cha”, ông Lập nói.
Theo ông Trương Đề, Phó chủ tịch UBND TX.Hoài Nhơn, làng biển không có ruộng đất, còn chuyện dạy nghề, đào tạo nghề cho vợ các ngư dân rất khó thực hiện. “Trong gia đình ngư dân, đàn ông là lao động chính, trụ cột nuôi sống cả nhà. Nếu họ đi biển gặp nạn thì vợ con lâm cảnh khó khăn. Nghiệp biển giã khắc nghiệt, thỉnh thoảng rủi ro vào mùa bão vẫn có người mất tích, mất xác nhưng cùng lúc 23 người gặp nạn như thế này là lần đầu tiên, hết sức ám ảnh và quá sức chịu đựng”, ông Trương Đề nói.
Bình luận (0)