Người miền Trung sau bão lũ: Hứng nước mưa để dùng, đồ đạc vẫn để trên cao

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
05/11/2020 12:18 GMT+7

Bão lũ dồn dập, hơn nửa tháng qua người dân ở nhiều nơi ở tỉnh Quảng Trị phải sử dụng nước mưa thay cho nước giếng, để dành từng chai nước được phát cứu trợ vì nguồn nước bị nhiễm phèn sau lũ.

Nước giếng bị ô nhiễm

Ngoài đối diện với khó khăn về lương thực sau cơn lũ lịch sử, nước uống cũng là mối lo lớn với người dân khi hầu như giếng nước của những hộ dân ở các thôn làng vùng thấp, bị ngập nhiều ngày do nước lũ đều bị nhiễm phèn không thể sử dụng được. Chính vì vậy, khi có đoàn cứu trợ đến, một trong những nhu yếu phẩm mà người dân mong muốn nhất là nước uống.
Kể từ trận lũ lớn đầu tiên, nhiều hộ dân tại thôn Thạch Đâu (xã Cam Hiếu, H.Cam Lộ) phải hứng nước mưa để sử dụng trong sinh hoạt vì nước giếng bị nhiễm phèn, ô nhiễm sau lũ.
Chưa có điều kiện lắp đặt đường ống nước máy, người dân tại đây đều sử dụng nước giếng trong sinh hoạt, nấu ăn, nấu nước uống. Trận lũ vừa qua nước dâng cao, hầu hết giếng nước trong làng đều bị nhiễm phèn, nước ngả màu vàng, ô nhiễm không thể sử dụng để sinh hoạt.

Đường vào làng vẫn ngập tràn bùn non dù đã được dọn dẹp bớt

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Hầu hết các giếng trong làng đều bị nhiễm phèn, ô nhiễm không thể sử dụng tiếp

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Cũng giống như những người dân khác, hơn nửa tháng qua bà Hoàng Thị Anh Đào (ngụ thôn Thạch Đâu) chỉ quanh quẩn trong nhà để dọn dẹp đống hoang tàn để lại sau lũ. Để có nước sinh hoạt, mỗi ngày bà phải đi một đoạn đường xa đến nhà của một người dân khác trong làng có giếng không bị lũ ngập qua miệng giếng để gánh nước về.
Bà tâm sự nước gánh về tuy đảm bảo hơn nhưng bà cũng chỉ dám sử dụng để nấu nướng và tắm rửa, còn nước uống gia đình bà phải sử dụng nước đóng chai được phát trợ cấp mới yên tâm.

Đồ đạc trong nhà vẫn được kê lên cao dù nước lũ đã rút

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Chia sẻ với PV, bà Hoàng Thị Lan (ngụ thôn Thạch Đâu) cho biết vì đường đi gánh nước khó khăn, gia đình bà phải hứng nước mưa trên mái nhà xuống để dùng cho việc sinh hoạt thậm chí là sử dụng để nấu nướng. Nước đóng chai được trợ cấp bà để dành lại để uống vì sợ hết.
“Giờ cũng chưa biết làm sao, chỉ sợ lũ lại vào nên cũng chưa kịp làm gì, giờ chỉ chờ hết lũ mới thuê người về để nạo vét giếng mới có thể sử dụng lại được chứ giờ là không thể dùng được nữa”, bà nói.

Bão số 10 (siêu bão Goni) thành áp thấp nhiệt đới, gây sóng to và mưa lớn

“Vẫn còn sợ lũ vào tiếp lắm”

Không chỉ thiếu thốn lương thực, nước uống người dân ở đây còn phải sống trong lo sợ, đồ đạc trong nhà cũng không dám mang xuống vì mùa lũ vẫn chưa qua. Nhà nào cũng chỉ dám lấy xuống vài vật dụng đơn giản như bếp và chén đũa để nấu bữa cơm, còn lại tất cả đều được để trên gác lửng.
Phải cẩn thận lắm tôi mới có thể vào sâu bên trong làng, dù lớp bùn non trên đường đã được người dân cạo đi nhưng vì trời mưa nên đường vẫn lầy lội và trơn trượt. Một người dân trong làng kể lại, vài ngày trước nếu muốn ra bên ngoài làng, bà phải nhờ con trai về cõng ra ngoài cổng làng vì bà đã lớn tuổi, chân lại bị thương trong lần chạy lũ nên không thể lội bùn non để ra ngoài.

Bà Thành lấy tủ lạnh vào để làm tủ đựng đồ

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Dù bùn non trong nhà dân đã được dọn sạch nhưng quanh sân vườn, bùn vẫn cao gần nửa mét, nhiều người dân không thể ra vườn được mà chỉ còn cách quanh quẩn trong nhà cũng không dám mua thêm đồ dùng gì.
Toàn bộ đồ đạc trong nhà trong đó có tủ lạnh đều trôi ra vườn, bà Hoàng Thị Thành lội bùn non ra vườn vớt tủ lạnh vào để làm tủ đựng đồ vì tủ đựng gia vị đã trôi đi đâu mất. Ấm nước, rổ rá còn đang mắc kẹt ở mấy cái cây sau vườn nhưng vì bùn non cao, vớt vào lại phải mất công tốn nước để rửa nên bà mặc kệ luôn.

Mọi thứ vẫn được để trên gác xép, người dân chỉ dám lấy xuống những vẫn dụng cần thiết nhất

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Nhìn chiếc ti vi bị hỏng để một góc nhà, bà Thành buồn rầu: “Giờ cũng không cần gì. Áo quần cũng trôi hết chỉ còn lại vài bộ, bộ nào bị bùn quá cũng bỏ luôn. Đồ đạc trong nhà giờ cũng chỉ cần có những thứ thiết yếu, nếu nước lũ vào trôi thì bỏ luôn. Nhưng giờ chỉ mong có một chiếc ti vi để xem thời sự, xem thông tin bão lũ cho vui nhà vui cửa”, bà nói.
Cũng giống với bà Thành, toàn bộ đồ đạc trong nhà bà Lan đều được kê lên cao để phòng nước lên, áo quần, sách vở, mì tôm, đồ được phát cứu trợ đều được cất lên gác xép gần mái nhà.
“May mắn là nhà có gác xép nên đồ đạc, sách vở đều để ở trên gác lửng không bị ướt nên con cái còn có cái mà đi học. Bữa giờ bận dọn dẹp bùn non chứ không đi làm được gì, chỉ đi làm thuê ai kêu gì làm đó nhưng cũng không có việc làm hơn nửa tháng nay”, bà tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.