Trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp HĐND TP.HCM khóa 9 lần thứ 5 diễn ra vào chiều 4.7, ĐB Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, có khoảng 20.000 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó chỉ có 750 hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đây là con số rất khiêm tốn.
Đề cập đến nguyên nhân hộ cá thể “sợ” lên doanh nghiệp, ĐB Minh cho biết do ngại gánh nặng thuế, thanh tra, kiểm tra gây tốn kém chi phí và thời gian kinh doanh.
ĐB Minh đề cập đến một “rào cản” khác là thủ tục hành chính hiện nay rườm rà, phức tạp, việc cải cách ở nhiều quận, huyện, sở ngành chậm chuyển biến theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Đạt nói thẳng: “Có những thủ tục rất nhiêu khê. Có trường hợp thờ cúng 6 liệt sĩ nhưng để nhận được tiền trợ cấp thì lại quá khổ. Chính quyền địa phương yêu cầu họ phải làm thủ tục ủy quyền từ tất cả những thân nhân có liên quan, nhưng nói thật là trong dòng tộc đông người như thế, làm sao họ có thể đi gặp hết từng người để làm cho được. Cái này chúng ta phải xem xét giải quyết chứ để như vậy thì rất là khổ cho người dân”.
Dự án chống ô nhiễm tốn 1.100 tỉ đồng mà sao vẫn gây ô nhiễm?
Đề cập đến vấn đề ô nhiễm môi trường, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm nêu lên bức xúc của người dân liên quan đến dự án kênh Ba Bò. Theo đại biểu Trâm, 10 năm trước, TP.HCM khởi động cải tạo dự án kênh Ba Bò với mục tiêu cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường. Người dân hết sức vui mừng và kỳ vọng vào việc môi trường sống được cải thiện, mùi hôi thối sẽ giảm đi, nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại.
“Dự án này kinh phí đầu tư rất lớn, lên đến 1.100 tỉ đồng mà sao vẫn không giải quyết được ô nhiễm cho người dân? Khi lý giải về thực trạng này, đại diện chủ đầu tư dự án cho rằng nguyên nhân ô nhiễmn là do nguồn nước thải từ tỉnh Bình Dương. Trả lời như vậy là không thuyết phục, vô cảm với người dân, thiếu trách nhiệm với tiền của người dân đóng góp vào ngân sách để lo chi phí đầu tư. Vì sao nói do tỉnh bạn mà không chủ động phối hợp để giải quyết dứt điểm?”, ĐB Trâm nói.
Theo ĐB Trâm, cần phải xử lý rốt ráo vấn đề ô nhiễm trên kênh Ba Bò vì dọc kênh có đến hàng chục ngàn hộ dân sinh sống.
tin liên quan
Chủ đầu tư nói kênh Ba Bò sạt lở là do sai sót trong thiết kế(TNO) Các đơn vị liên quan xác định nguyên nhân khiến kênh Ba Bò mới đưa vào sử dụng đã hư hại nặng là do sai sót trong thiết kế.
Cùng chung bức xúc này, đại biểu Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, than phiền: “Khi tôi còn làm lãnh đạo Q.Thủ Đức, đi khảo sát dọc kênh một đoạn thôi thì đã không chịu nổi mùi hôi thối bốc lên. Nếu như thành phố không đốc thúc giải quyết dứt điểm thì ô nhiễm sông Sài Gòn cũng rất nhanh”.
Chủ tọa kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, khẳng định hiệu quả cải thiện môi trường từ “dự án nghìn tỉ” này là không đạt.
Bà Tâm nhấn mạnh: “Một đống tiền bỏ ra mà để người dân chịu đựng mùi hôi thối thì không được. Chúng ta ngồi đây bàn giải pháp, chứ người dân một ngày 24 tiếng đồng hồ, rồi từ ngày này sang ngày khác chịu đựng mùi hôi như thế thì rất khổ. Ví thế, chúng ta không thể đủng đỉnh”.
|
Chỉ cử chuyên viên đi họp, lãnh đạo bị phê bình
Trước các ý kiến bức xúc của ĐB, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu ngay trong ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp (ngày 5.7), Giám đốc Sở TN-MT và Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM phải giải trình trước HĐND TP về ô nhiễm dự án kênh Ba Bò.
Ông Nguyễn Thành Phong phê bình lãnh đạo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM về việc chỉ cử chuyên viên đi dự họp, không giải trình được đầy đủ ý kiến phản ánh của ĐB, trong khi họp HĐND TP là kỳ họp quan trọng của TP.
tin liên quan
Bí thư Đinh La Thăng phê bình giám đốc trung tâm chống ngập vì vắng họpLàm việc với Q.Tân Bình, liên quan đến việc chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất, Bí thư Đinh La Thăng đã phê bình gay gắt giám đốc Trung tâm điều hành chống ngập nước TP.HCM vì ông này vắng họp.
Cũng tại phiên thảo luận tổ, nhiều ĐB phản ánh bức xúc của cử tri về tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, quá tải bệnh viện, an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Theo các đại biểu, chính quyền TP.HCM cần dốc toàn lực để giải quyết có kết quả tốt, bởi đây là những vấn đề còn tồn tại từng kéo dài nhiều năm qua.
Kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách nào?
Đó là câu hỏi được ĐB đặt ra tại phiên thảo luận tổ. ĐB Nguyễn Mạnh Trí cho rằng chính quyền thành phố nên có một con số cụ thể là đã kiểm soát được bao nhiêu phần trăm về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.
ĐB Hà Phước Thắng lo ngại về giá thực phẩm tăng nhưng chất lượng và sự an toàn của thực phẩm không cao. Đối với mẫu thực phẩm kiểm tra ở các chợ đầu mối - nơi cung cấp thực phẩm nhiều tỉnh thành, nhiều đối tượng; sau khi kiểm nghiệm xong nếu thực phẩm không đạt chất lượng thì thu hồi rất khó. Việc kiểm tra thì cứ kiểm tra, trong quá trình kiểm tra thì người dân đã sử dụng thực phẩm bẩn rồi.
|
Bình luận (0)