Chiều 13.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia; khai trương hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Chỉ sau 3 tháng đưa vào vận hành, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với 14 bộ và 63 địa phương, với gần 79.000 tài khoản đăng ký; hơn 23 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 2,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái.
Tại hội nghị, Văn phòng Chính phủ công bố tích hợp thêm trên 15 dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia như nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy tại Hà Nội, TP.HCM; nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ tại 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Thuận... Trong khi đó, hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ dù trong giai đoạn thử nghiệm đã triển khai tích hợp 19 chế độ báo cáo của 10 bộ, cơ quan; bước đầu cung cấp một số thông tin liên quan đến KT-XH hằng ngày, hằng tháng, quý và năm.
Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ: Công an, Tài chính, GTVT tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện và triển khai trong toàn quốc trước ngày 30.6. Bộ TT-TT sớm triển khai hệ thống giám sát về Chính phủ điện tử để thu thập, đo lường mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với từng địa phương, từng ngành.
* Phấn đấu cấp số định danh cho công dân trước 1.12.2020
Thủ tướng vừa ký Quyết định số 366/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 11.3 và thay thế Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 26.11.2015 của Thủ tướng về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này.
Theo quyết định mới, chủ đầu tư dự án là Cục Cảnh sát QLHC về TTXH thay cho Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), theo quyết định trước đó. Bộ Công an đã ban hành kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện dự án, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cho công dân trước 1.12.2020; hoàn thành toàn bộ dự án trước 30.4.2021.
Bình luận (0)