Sông Cầu bị 'nhuộm đen', người dân 2 tỉnh cùng kêu cứu

06/12/2020 06:08 GMT+7

Dòng nước thải nhuộm đen gần 40 km sông Cầu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang những ngày qua, khiến cá chết nổi khắp mặt nước.

Đi ngủ cũng phải… đeo khẩu trang

Sau nhiều ngày liên tục chịu đựng mùi hôi thối từ khúc sông Cầu, đoạn chảy qua P.Đáp Cầu (TP.Bắc Ninh, Bắc Ninh), người dân liên tục gửi thông tin phản ánh đến Báo Thanh Niên. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến cụm dân cư khu 5 (P.Đáp Cầu) chiều 3.12 là bầu không khí thoảng mùi hôi thối. Càng đi sâu xuống khúc sông bên dưới cụm dân cư này, mùi hôi càng đậm đặc. Sát mép nước, nhiều loài cá, cua chết vì nước sông ô nhiễm những ngày qua dạt vào bờ, bắt đầu phân hủy, thối rữa.

Nước sông Cầu thối, cá chết nổi lềnh bềnh, người dân khốn khổ

Làm lái tàu vận tải trên sông Cầu hàng chục năm nay, anh Nguyễn Văn Hải (37 tuổi) cho biết nước sông Cầu bị ô nhiễm trong khoảng 4 năm trở lại đây, và đợt ô nhiễm lần này là nặng nhất. “Đoạn sông này rất đẹp, bình thường chiều đến bà con đi thể dục rất đông, nhưng gần 1 tuần trở lại đây không ai dám đi bộ nữa. Có ngày đặc mùi, chúng tôi đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang”, anh Hải than và nhẩm tính: “Cứ lấy khúc sông ở khu 5, P.Đáp Cầu, làm trung tâm thì hất ngược về thượng nguồn đến
Bến phà Đông Xuyên (H.Yên Phong), và xuôi về hạ nguồn kéo dài đến xã Phù Lãng (H.Quế Võ), cả khúc sông Cầu dài khoảng 40 km bị nước thải nhuộm đen trong những ngày qua; tôm, cá không sống nổi”.
Dẫn chúng tôi đi ghi nhận thực tế, ông Lê Văn Trường (ở cụm dân cư khu 5, P.Đáp Cầu) bày tỏ bức xúc khi khúc sông Cầu xanh mát ngày nào giờ như “dòng sông chết”, là chỗ chứa nước thải của nhiều nhà máy. Theo ông Trường, trước đây gần như nhà nào cũng có giếng khoan để lấy nước tắm giặt, sinh hoạt, nhưng khoảng 4 năm trở lại đây không dám dùng nguồn nước này. “Ô nhiễm từ mặt sông đã ngấm xuống đất làm hỏng mạch nước ngầm khi khoan sâu đến 30 - 40 m mà nước vẫn có mùi. Ăn uống thì có nước máy, nhưng nhà nào cũng phải lọc qua mới dám dùng, vì công ty cấp nước cũng lấy nước thô từ nguồn nước sông Cầu”, ông Trường nói.
Sông Cầu bị 'nhuộm đen', người dân 2 tỉnh cùng kêu cứu1

Nước sông Cầu đoạn chảy qua P.Đáp Cầu (TP.Bắc Ninh) đen kịt, cá chết nổi dọc bờ sông

ẢNH: TRẦN CƯỜNG

Để chứng minh, ông Trường dẫn chúng tôi ngược về phía thượng nguồn sông Cầu khoảng 8 km tìm đến điểm thu nước từ sông Cầu của Công ty CP nước sông Cầu đặt tại thôn Đô Hàn (xã Hòa Long, TP.Bắc Ninh). Nước sông khu vực này, quanh họng thu nước dẫn vào Nhà máy nước sạch sông Cầu cũng một màu đen kịt, sặc mùi xú uế.

Nước thải từ cụm làng nghề sản xuất giấy

Qua phản ánh từ người dân và tìm hiểu của PV Thanh Niên, nước thải đầu độc, nhuộm đen nước sông Cầu xuất phát từ cụm làng nghề sản xuất giấy Phong Khê (TP.Bắc Ninh). Nước thải từ làng nghề này xả thẳng ra sông Ngũ Huyện Khê và được chặn lại bằng cửa xả Đặng Xá (P.Vạn An, TP.Bắc Ninh) trước khi được xả vào sông Cầu. Đợt xả thải gần nhất được người dân phản ánh cách đây khoảng 4 - 5 ngày, ngay sau đó nước sông Cầu bị nhuộm đen ngòm.
Nằm đối diện bên kia sông Cầu đoạn P.Đáp Cầu, người dân các xã Quang Châu và Vân Trung (H.Việt Yên) cũng liên tục “kêu cứu” đến cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang.
Trong các ngày 2 - 3.12, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT tỉnh Bắc Giang) đã cử cán bộ xác minh. Theo đó, nguồn nước đen đục xả ra sông Cầu được xác định bắt nguồn từ sông Ngũ Huyện Khê của tỉnh Bắc Ninh. Sở TN-MT tỉnh Bắc Giang đã cho lấy mẫu phân tích nước sông để đưa ra khuyến cáo đối với người dân; đồng thời có văn bản gửi Sở TN-MT tỉnh Bắc Ninh phối hợp khẩn trương truy tìm chủ nguồn thải để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm sông Cầu.
Bộ TN-MT đã vào cuộc, nhưng “ô nhiễm vẫn... ô nhiễm”
Trước đó trong tháng 4.2020, Bộ TN-MT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đề nghị rà soát các cơ sở sản xuất tại làng nghề Phong Khê; cụm công nghiệp Phú Lâm xả thải ra sông Ngũ Huyện Khê; đồng thời kiểm soát, điều chỉnh chế độ vận hành điều tiết cống xả Đặng Xá hợp lý để đảm bảo dòng chảy, không làm gia tăng ô nhiễm nước sông Cầu. Thế nhưng trong 1 tuần trở lại đây, nước thải từ cống xả này tiếp tục gây ô nhiễm nặng nề.
Gần đây nhất, ngày 4.9, Bộ TN-MT tiếp tục có công văn yêu cầu 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh báo cáo đánh giá kết quả thực hiện, đề nghị có một buổi họp trực tiếp với các tỉnh để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại lưu vực sông Cầu, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuộc họp này chưa thể diễn ra.
Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên ngày 4.12, ông Nguyễn Song Hà, Chủ tịch UBND TP.Bắc Ninh, xác nhận tỉnh Bắc Ninh có nắm được hiện trạng của dòng sông Cầu và đã có văn bản giao các đơn vị xử lý!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.