Nhiều năm qua, người dân ấp Hội Tân, xã Tân Hội, H.Tân Châu (Tây Ninh) lần lượt bán nhà đi nơi khác vì giếng nước không thể sử dụng được do ô nhiễm.
Nước bẩn chảy thẳng xuống suối
Ngày 12.4, từ phản ánh của người dân về về việc doanh nghiệp tư nhân Phước Vân (chuyên sản xuất tinh bột mì tại ấp Hội Tân) ngày đêm xả nước thải (màu đục, có mùi hôi, nghi chưa qua xử lý) ra suối Nước Đục suốt thời gian dài, PV Thanh Niên đã ghi nhận thực trạng đúng như phản ánh.
Theo quan sát của PV tại hiện trường, một cống nước nằm lộ thiên gần con suối đổ ầm ầm như thác, sủi bọt trắng xóa kéo dài cả khu vực gần đó.
tin liên quan
Đà Nẵng tái diễn tình trạng cá chết trên đồng ruộngTheo phản ánh của người dân địa phương, cá bắt đầu chết rải rác vài ngày qua và đến ngày 12.4 thì xác cá nổi dày trên mặt ruộng.
Theo người dân địa phương, suối Nước Đục là dòng suối đổ ra đập Tha La dẫn đến hồ Dầu Tiếng. Đáng nói, những năm gần đây nhiều giếng khoan của người dân gần đó không thể sử dụng được vì nước chuyển sang màu đục kèm theo mùi hôi rất khó chịu.
Sau khi ghi nhận thực tế, PV Thanh Niên đã báo thông tin cho Bí thư huyện ủy Tân Châu Nguyễn Đình Xuân, nguyên Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh. Trưa cùng ngày, Trưởng phòng TN-MT H.Tân Châu cùng PV tiến đến cống xả và đề nghị đại diện nhà máy có mặt để lấy mẫu. Đồng thời, Phòng TN-MT cũng phối hợp Công an H.Tân Châu, Công an xã Tân Hội tiến hành lập biên bản kiểm tra đột xuất nhà máy.
Tại thời điểm kiểm tra, nhà máy đang hoạt động và xả nước thải có màu đục theo cống nước ra thẳng dòng suối. Ông Nguyễn Tấn Phước, chủ DNTN Phước Vân lý giải màu nước đục là do… “nhà máy vừa hoạt động lại sau thời gian dài bị cúp điện”. Ghi nhận thêm của PV, bên trong nhà máy còn có sân phơi đổ đầy khoai mì đang phân hủy để lộ thiên, không có mái che, có màu đen sẫm và có mùi hôi khó chịu.
Trả lời Thanh Niên, ông Lại Thành Lộc, Trưởng phòng TN-MT H.Tân Châu cho biết hiện ngành chức năng vẫn đang tiến hành xét nghiệm mẫu nước thải để có cơ sở xử lý.
|
Hàng chục hộ dân bỏ nhà, bán đất
Ngồi trong căn nhà cấp 4 nằm nép một bên nhà máy, bà Nguyễn Thị Hương, Tổ phó tổ tự quản số 7, ấp Hội Tân rầu rĩ cho hay trong tổ có 37 hộ dân thì khoảng một năm trở lại đây có hơn 10 hộ bán tháo đất đai lại cho nhà máy rồi bỏ đi. “Ở làm sao được khi nước giếng không còn xài được, mưa xuống thì hôi thối khắp nơi trong khi tiếng ồn phát ra từ nhà máy suốt ngày đêm ai mà chịu nổi”, bà Hương bức xúc.
Cùng chung cảnh ngộ, hộ ông Nguyễn Văn Sủn (81 tuổi, ấp Hội Tân) phải ngậm đắng nuốt cay mà báo tháo căn nhà từng 24 năm gắn bó. Ông Sủn cho biết gia đình chưa bao giờ muốn từ bỏ mảnh đất cùng vườn chanh gần thu hoạch của gia đình. Thế nhưng tiếng ồn 24/24 của nhà máy những năm gần đây khiến ông mất ngủ, nhiều lần phải nhập viện điều trị. Trong khi đó, giếng nước thì cứ khoan đi khoan lại nhiều lần mà vẫn ô nhiễm.
“Tôi phải bán đi mảnh vườn gần 1 ha để đi nơi khác sinh sống. Thà chấp nhận bỏ mảnh đất đã gắn bó gần nửa cuộc đời chứ tôi không thể chịu đựng thêm được nữa”, ông Sủn bức xúc.
Bình luận (0)