Sống ở Hoàng Sa: Nối nghiệp đời biển

07/04/2020 06:55 GMT+7

Nhiều năm nay, việc ra khơi đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa đối mặt nhiều rủi ro, nhưng hết đời cha đến đời con, hàng trăm gia đình ngư dân Quảng Ngãi vẫn cứ theo nhau ra vùng biển này.

Gia đình ngư dân Tiêu Viết Là, 70 tuổi, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) là một trường hợp tiêu biểu như vậy. Bao lần bị phía Trung Quốc rượt đuổi thì ông Là không đếm hết, chỉ nhớ 3 lần bị Trung Quốc bắt tàu, giam người trên đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa), trong đó có một lần bị bắn gây thương tích cùng với 6 ngư dân.

Cuộn chảy dòng máu Việt

Thôn Châu Thuận Biển bây giờ sầm uất hơn xưa. Nhà nhà ken nhau kín mít. Gió từ biển thổi vào phải luồn qua từng hẻm nhỏ, chia hơi mát cho từng nhà, trước khi thổi qua con đường bê tông lớn chạy dài ra gành đá. Chúng tôi men theo từng cơn gió ấy, tìm đến nhà ngư dân Tiêu Viết Là, một lão ngư dân danh tiếng. Sáng nay, ông Là ngồi với nhóm ngư dân gọi là “hết đát” bên bình trà ấm. Gặp chúng tôi, ông chưa nhận ra ngay, bởi 10 năm rồi còn gì. Bà Nguyễn Thị Bưởi, vợ ông Là, thì vẫn nhận ra những người quen cũ dù chúng tôi đeo khẩu trang phòng chống Covid. Tay bắt mặt mừng khi nhận ra người quen, ông Là cười hồ hởi.
Ông Nguyễn Văn Nam (ở thôn Gành Cả) thì dạy con trai cách lặn biển. Đó là thuyền trưởng Nguyễn Thành Linh của tàu QNg-90929 TS (tàu này ngày 2.4 đã ứng cứu tàu cá của ông Trần Hồng Thọ bị Trung Quốc đâm chìm). Khi đi lặn, phải tuân thủ quy tắc giảm áp giữa chừng, nếu không sẽ bị tai biến, liệt người và dẫn đến chết. “Ở Gành Cả, rất nhiều trường hợp bị liệt như tôi, nên đó là kinh nghiệm xương máu để đời”, ông Nam nói.
Cách đây 10 năm, cũng vào tháng 4, con tàu đi Hoàng Sa của ông Là đã làm mồi cho tàu Trung Quốc. Trở về, suốt ngày ông ngồi ủ rũ, thất thần. Đời người cũng lạ, khi có tiền trong tay, bệnh tật, nỗi buồn “đi chơi” đâu đó. Khi hết tiền, chúng kéo về. Ông Là tay trắng, nợ chất trên vai, lại “đẻ” thêm bệnh đau thần kinh tọa và đau tim. Từ một chủ tàu có kinh tế khá, sau 3 lần bị Trung Quốc bắt tàu, ông Là không còn biết làm gì ăn. Bà Bưởi, từ bà chủ nhỏ, giờ đi hái củi, làm cá cho các chủ tàu khác để kiếm cơm hằng ngày.
Gặp lại chúng tôi, chuyện xưa cứ trào bên hiên trà nước. Chuyện kinh hoàng bị tàu Trung Quốc đuổi bắt, bị bắn vãi đạn lên tàu, bị đưa đi cầm tù ở đảo Phú Lâm và Hải Nam, ông Là kể với sự hào sảng nhưng pha chút xót xa. Ông Là nói rằng, những tháng ngày tung hoành ở Hoàng Sa, không hiểu sao mình lại liều đến thế.
Có lẽ dòng máu Việt cứ cuồn cuộn chảy khi ra đến Hoàng Sa, vùng biển thiêng của Tổ quốc. Nhất là vào ngày 27.6.2007, tàu cá ông Là chạy cắt ngang đảo Phú Lâm thì bị một tàu tuần tra Trung Quốc lao ra rượt đuổi. Cảnh tượng ông Là miêu tả giống hệt mọi thứ đang diễn ra những ngày qua tàu Trung Quốc rượt đuổi, đâm chìm tàu ngư dân ta trên Hoàng Sa.
Khi ấy, do ông Là không chịu dừng tàu, nên lính Trung Quốc dùng AK bắn nát thân tàu, bắn sạt qua mặt hai cha con ông Là. Trên tàu có 13 ngư dân thì 6 người bị dính đạn, ông Là bị thương nhẹ vào tay. Khi bị bắt đưa lên đảo Phú Lâm, một lính Trung Quốc chĩa súng vào ông Là dọa. “Tôi giật luôn hàng nút áo, thách: Mày bắn đi! May mà nó không bắn. Tay phiên dịch thì tái mặt lo. Sau nó còn dọa đánh, tôi tức quá trổ… tục. Bà mẹ chúng mày, biển của ông cha tao mắc gì mày ngang ngược?”, ông Là kể.
Còn năm 2010, khi bị bắt cùng lúc với thuyền trưởng Mai Phụng Lưu (một thuyền trưởng trứ danh ở Lý Sơn, Quảng Ngãi), trong khi nhà ông Lưu mang tiền nộp cho Trung Quốc, còn ông Là không có, đã bị lính Trung Quốc đánh một trận te tua trên cabin tàu cá. “Không có mũi thuốc trợ não, chắc tui dễ bị tâm thần đợt đó”, ông Là nói. Khi bị Trung Quốc bắt, có cả anh con trai là Tiêu Viết Lành nhưng ông Là không nói. Bởi nói ra, ông sợ phía Trung Quốc uy hiếp, buộc ông ký vào giấy tờ soạn sẵn, ảnh hưởng chủ quyền trên biển của ta.

Lão ngư Tiêu Viết Là (phải) cùng 2 người con trai Tiêu Viết Lành (trái) và Tiêu Viết Vấn

Những người con của biển khơi

“Hai đứa con trai tui, mỗi đứa nắm một thuyền, đang ở Hoàng Sa”, ông Là cho biết. Người con đầu là Tiêu Viết Lành (hay gọi là Linh, 37 tuổi), còn lại là Tiêu Viết Vấn (30 tuổi). Năm 2010 bị Trung Quốc bắt, anh Lành 27 tuổi, còn anh Vấn mới 20. Cha te tua với nghề biển, tài sản bị Trung Quốc phá hoại, bị tịch thu.
Vậy mà hai người con ông Là không ngán, lại hiên ngang ra biển đi bạn (làm thuê) cho tàu cá khác. Góp được lưng vốn, anh Lành hùn tiền với một hàng xóm, mua tàu đi biển. Anh Vấn cũng theo tàu này. Đi được vài năm, anh Vấn chợt nghĩ: Lỡ như anh và cha ngày trước bị bắt, ai lo cả nhà. Vậy là anh gom góp, hùn tiền với hai ngư dân khác mua tàu đi biển. Giờ tàu của hai anh em phối hợp nhịp nhàng ra biển.
“Cha xuống phà (xuống tàu cá, không đi biển nữa - PV), hai thằng con bây giờ là thuyền trưởng. Như thằng lớn (anh Lành), mở quán cà phê cho vợ bán, còn nó ngày đêm ra Hoàng Sa. Mỗi tháng một phiên, về nhà mấy ngày. Ngày đầu gặp vợ con, ngày hai bán hải sản chia cho bạn, làm vệ sinh tàu. Ngày thứ ba lo thực phẩm, lương thực… và đến ngày thứ năm, tàu lại quay mũi ra khơi”, ông Là nói.
Sống ở Hoàng Sa: Nối nghiệp đời biển

Hình ảnh tàu Trung Quốc chặn mũi tàu cá Quảng Ngãi ở Hoàng Sa

Ảnh: ngư dân cung cấp

Nghe lời cha dặn, khi ra vùng biển nóng, anh Lành và anh Vấn luôn đưa máy Icom vào chế độ trực 24/24 để phát đi tình hình cho anh em tàu cá khác. Cứ thấy tàu Trung Quốc lởn vởn là báo; chúng có dấu hiệu hung hăng, rượt đuổi là báo. Trên biển Hoàng Sa, tàu cá của các con ông Là có mấy khi bình yên, tròn giấc nghỉ ngơi sau những giờ đánh bắt mệt nhọc. Lúc trước, ông Là nhắn nhủ với hai con, các đảo Bạch Quy, Bom Bay, Đá Lồi thì Trung Quốc ít tới; tàu cá mới đóng thì chủ động né các tàu Trung Quốc ra để đỡ thiệt hại. Thế nhưng nhiều năm nay, tàu hải cảnh Trung Quốc mở rộng bán kính hoạt động, mỗi ngày thêm gây khó cho ngư dân. Giấc ngủ chưa được sâu thì các ngư dân đã bật dậy trước tiếng còi hụ ác tâm của tàu Trung Quốc.
Ngày 5.10.2019, tàu của anh Tiêu Viết Vấn bị tàu Trung Quốc đuổi. Con tàu 700 mã lực, dài 22 m chạy xì khói để chấp nhận một cuộc đua không cân sức với tàu Trung Quốc dài 70 m. Để rồi đến chiều 8.10, con tàu của anh Vấn mới “lết” về đến bờ sau khi bị phía Trung Quốc tháo gỡ định vị, chặt phá dây hơi (dùng để lặn biển Hoàng Sa). Thế nhưng sau vài ngày sửa soạn, cũng như cha mình ngày trước, anh Vấn lại trực chỉ Hoàng Sa.

Mạnh mẽ đi về hướng Hoàng Sa

Ở xã Bình Châu, chuyện nối nghiệp đời biển Hoàng Sa thì gia đình đi biển nào cũng có. Ông Bùi Văn Tẩn (ở thôn Châu Thuận Biển) cho biết trừ nhà nào sinh toàn con gái, còn lại cứ con trai là ra biển mà đi, mạnh mẽ đi về hướng Hoàng Sa. Ngày trước cha ông Tẩn đi, rồi đến ông Tẩn. Khi vào tuổi 60, ông Tẩn chuẩn bị “rửa tay gác kiếm” thì hai người con là Bùi Duy Tân (36 tuổi) và Bùi Văn Tự (28 tuổi) đã rành biển như rành nhà. Ông Tẩn cho biết, đi đến đâu ông cũng ghi chép lại về ngày, tháng, mùa, cá gì thường lội theo bầy, đi theo đàn. Năm sau và tiếp những năm nữa quay lại đúng như ghi chép, thì đó là kinh nghiệm cần dạy cho con ra Hoàng Sa đánh bắt.
Riêng ông Tiêu Viết Là lại khác. Ông dạy con cách chạy tàu làm sao cho tàu Trung Quốc không bắt được, dù tàu nó chạy nhanh, to gấp chục lần tàu cá của mình. Thực hành các bài này, vào các năm 1989 - 1990 ông đã đưa các con lên tàu học hỏi. Trong những cuộc hải trình, ông Là cầm lái tàu, con trai chạy quanh tàu, lúc nhìn phải, lúc ngó bên trái, nhất là lúc tàu tiến vào gần đảo Hoàng Sa và tàu Trung Quốc có thể bất thần xông ra đuổi bắt, để tích lũy kinh nghiệm.
Kinh nghiệm truyền đời là vậy, đã giúp ngư dân Việt kiên cường giữ Hoàng Sa, dù là vào thời điểm khó khăn nhất.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.