Sống theo tấm gương nữ tướng Nguyễn Thị Định

Bắc Bình
Bắc Bình
17/01/2020 00:00 GMT+7

Những lời kể về năm tháng kháng chiến gian khổ của các cựu binh 'Đội quân tóc dài', gắn liền với nữ tướng Nguyễn Thị Định, đã khiến mọi người có mặt xúc động.

Chiều 16.1, tại Bến Tre, Hội LHPN Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Bến Tre tổ chức họp mặt đại biểu “Đội quân tóc dài”, Bộ đội Thu Hà, cựu thanh niên xung phong nhân dịp 60 năm Bến Tre Đồng Khởi và 100 năm ngày sinh Anh hùng lực lượng vũ trang, nữ tướng Nguyễn Thị Định.

“Thần tượng” chị Ba Định

Có mặt tại buổi họp mặt, cụ Nguyễn Thị Cai (78 tuổi, ngụ xã Định Thủy, H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre) kể lại: “Năm đó 18 tuổi, tôi có nhiệm vụ mang cá, tép đến bán tại đồn, bót của địch để lân la, tuyên truyền cho những người lính trong đó bỏ giặc mà theo cách mạng. Đêm trước nổ ra phong trào Đồng Khởi, có nhiều chị em trong xã không hề biết gì. Nhưng khi cao trào Đồng Khởi kéo dài, tất cả chị em đều hưởng ứng theo lời kêu gọi của chị Ba Định lên xuồng, chèo ghe, đánh mõ, ẵm bồng con... ra bộ chỉ huy của địch ở TT.Mỏ Cày biểu tình quyết liệt, đấu tranh bằng mọi cách có thể vì Tổ quốc”.
Cụ Nguyễn Minh Tâm, cựu Chủ tịch Hội LHPN H.Mỏ Cày, kể rằng khi nổ ra phong trào Đồng Khởi, cụ mới 15 tuổi. Lời kể của những người hoạt động cách mạng về nữ tướng Nguyễn Thị Định đã khiến cụ rất thần tượng. “Tôi muốn được theo chị Ba Định nhưng lúc đó nhỏ quá, bộ đội không cho nên tôi xin đi làm chông, nuôi ong vò vẽ... cho bộ đội đánh giặc. Công việc như vậy thôi, nhưng tôi rất tự hào vì đã được đồng hành với chị Ba Định, với bộ đội ta. Sau phong trào, tôi bị giặc bắt tra khảo nhiều lắm nhưng tôi vẫn cố chịu đựng để xứng đáng là em cùng chí hướng với chị Ba Định”, cụ Tâm chia sẻ.
“Trong những năm chiến tranh, tôi đã sớm sống vì lý tưởng cách mạng và cảm thấy thoải mái, vinh dự vì đã đồng hành cùng “thần tượng” là chị Ba Định. Ba lần bị bắt, bị tra tấn dã man và khi đó tôi đã không tin nổi là mình còn được sống tiếp. Nhưng cho dù trong cơn “thập tử nhất sinh”, tôi cũng không cho phép ý chí mình gục ngã. Chị Ba Định chấp nhận bỏ lại đứa con khi mới sinh 3 ngày và chấp nhận bị tù đày chứ không chịu khuất phục trước giặc. Vì vậy mà tôi không cho phép mình phải xấu hổ khi đối diện tấm gương chị Ba Định”, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Thị Hồng, cựu thành viên đơn vị Việt Động quân, kể.

Không chỉ là nữ tướng trên chiến trường, cô Ba Định là sự kết hợp hài hòa giữa tính can trường dũng cảm và lòng nhân ái bao dung, ý chí quyết liệt, luôn tỏa sáng trong đời thường...

Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch T.Ư Hội LHPN Việt Nam

Sống theo tấm gương nữ tướng Nguyễn Thị Định1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm hỏi và trao quà cho đại diện “Đội quân tóc dài”

Ảnh: Bắc Bình

“Nữ lãnh đạo tài năng”

Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch T.Ư Hội LHPN Việt Nam, về nữ tướng Nguyễn Thị Định. Theo bà Hà, ở Bến Tre, trong kháng chiến chống Mỹ, với vai trò nòng cốt của tổ chức Hội phụ nữ, đã vận động hàng chục ngàn chị em tham gia chiến đấu, cứu thương, tải đạn, làm giao liên và nuôi giấu cán bộ; nhiều tổ chức, đơn vị chiến đấu toàn là nữ ra đời, như: Bộ đội Thu Hà, Đội nữ đặc công; đặc biệt là “Đội quân tóc dài” gồm những phụ nữ tay không với tài trí thông minh đã góp phần cùng Đảng làm nên cuộc Đồng Khởi năm 1960 lịch sử.
Bà Thu Hà nói: “Bến Tre được xem là quê hương, là nơi khởi điểm của “Đội quân tóc dài” - và đội quân có một không hai trên thế giới ấy - đã trở thành biểu tượng chung đầy tự hào của phụ nữ miền Nam trong lịch sử giải phóng dân tộc; đặc biệt hơn là sự xuất hiện người nữ lãnh đạo tài năng là bà Nguyễn Thị Định - một nhà lãnh đạo và biểu tượng của “Đội quân tóc dài”. Tên tuổi của bà đã gắn liền với “Đội quân tóc dài” và phong trào đấu tranh của phụ nữ miền Nam Việt Nam”.
Sau 1975, bà Nguyễn Thị Định là Ủy viên T.Ư Đảng các khóa: IV, V, VI; đại biểu Quốc hội các khóa: VI, VII, VIII; đồng thời giữ nhiều chức vụ như: Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Bí thư Đảng đoàn Chủ tịch T.Ư Hội LHPN Việt Nam, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba... “Không chỉ là nữ tướng trên chiến trường, cô Ba Định là sự kết hợp hài hòa giữa tính can trường dũng cảm và lòng nhân ái bao dung, ý chí quyết liệt, luôn tỏa sáng trong đời thường...”, bà Thu Hà nói.
Phong trào Đồng Khởi năm 1960 đã có khoảng 9 triệu lượt quần chúng nổi dậy, gần 1 triệu lượt phụ nữ đấu tranh trực diện kết hợp với lực lượng vũ trang, góp phần làm tan rã trên 2 vạn binh lính Việt Nam Cộng hòa, phá kìm kẹp 895 xã trên tổng số 1.193 xã ở miền Nam Việt Nam. Từ thắng lợi của phong trào Đồng Khởi đã khai sinh “Đội quân tóc dài” với thủ lĩnh là bà Nguyễn Thị Định và tên tuổi của bà đã gắn liền phương thức đánh địch bằng “Ba mũi giáp công: chính trị - binh vận - vũ trang”. Đặc biệt là phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của phụ nữ, của “Đội quân tóc dài” gắn liền với phong trào du kích chiến tranh của nhân dân miền Nam. Đến năm 1965, trên chiến trường miền Nam đã có trên 2 triệu phụ nữ tham gia kháng chiến...
Hàng ngàn người tham dự lễ kỷ niệm 60 năm Đồng Khởi Bến Tre
Tối 16.1, tại TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre long trọng tổ chức lễ kỷ niệm “60 năm Bến Tre Đồng Khởi và 100 năm ngày sinh nữ tướng Nguyễn Thị Định”, với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng hàng ngàn người dân và khách mời từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre, cho biết “Đội quân tóc dài” ra đời với sự dẫn dắt của nữ tướng Nguyễn Thị Định mở ra bước ngoặt mới cho phong trào đấu tranh chính trị ở miền Nam do phụ nữ làm nòng cốt... Tỉnh ủy Bến Tre đã đúc rút được 4 bài học kinh nghiệm từ thắng lợi của phong trào Đồng Khởi năm 1960. Đó là tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; Trong thực hiện mọi nhiệm vụ phải đánh giá đúng tình hình thực tế, chọn thời cơ chín muồi, hành động trong thế chủ động; Dựa vào, phát huy sức mạnh tổng hợp từ nhân dân, sáng tạo độc đáo và vận dụng nhuần nhuyễn phương châm, chiến lược đã định và chủ động tạo ra thời cơ mới; Tin tưởng vào khả năng của phụ nữ, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đông đảo chị em tham gia các mặt công tác. Sau giải phóng đến nay, các cao trào “Đồng Khởi mới” liên tục được Tỉnh ủy Bến Tre phát động, thi đua trong công cuộc đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ông Phan Văn Mãi khẳng định trong thời gian tới sẽ quan tâm chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và có hiệu quả phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” gắn với các phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng phát động với tinh thần “ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua, người người thi đua” để tạo xung lực chính trị mới, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh và toàn diện. Tiếp tục tập trung thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá cụ thể với tinh thần “Đồng lòng, đồng bộ, đồng loạt” trong xây dựng nông thôn mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.