'Tách ra thì có thêm ghế để ngồi, nhập vào thì người thế này, người thế khác'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/02/2020 10:45 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội cho rằng chuyện tâm tư, băn khoăn khi sáp nhập huyện, xã thì ở địa phương nào, cấp nào cũng có.

Tại phiên họp ngày 11.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã của 6 tỉnh thành, gồm: Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa.

Đang như thế này lại sáp nhập, có người thăng chức, có người xuống chức

Vấn đề vướng mắc còn lại từ phiên họp từ chiều 10.2 là những băn khoăn liên quan tới việc sáp nhập 4 huyện của tỉnh Cao Bằng (nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên).
Trước đó, tại phiên họp thứ 41 (1.2020), Ủy ban Thường vụ đã đề nghị các cơ quan Chính phủ và Cao Bằng để lại 4 huyện này và để báo cáo làm rõ thêm các cơ sở của việc sáp nhập, đặc biệt là ý kiến của nhân dân và các cơ quan liên quan.
Tại phiên họp chiều qua, ngày 10.2, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng bày tỏ nhiều băn khoăn khi cho rằng cả 4 huyện mà Cao Bằng đề nghị sáp nhập lần này đều có địa thế quan trọng về an ninh, quốc phòng cũng như đặc thù về kinh tế xã hội. Do đó, việc sáp nhập có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, cũng như tâm tư của người dân.
Nêu ý kiến sáng 11.2, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn khẳng định việc thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo chủ trương tại Cao Bằng có nhiều thuận lợi, việc triển khai rất công khai, minh bạch, khách quan, vô tư khoa học và đúng pháp luật.
“Chúng tôi họp triển khai đề án sáp nhập tới nay là 6 tháng nhưng Thường vụ Tỉnh ủy chưa nhận được ý kiến nhân dân về không đồng thuận, có vấn đề trong việc sắp xếp”, Bí thư Cao Bằng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Môn cho rằng, việc còn băn khoăn là có. “Sáp nhập có băn khoăn không? Có băn khoăn. Đương nhiên có, thậm chí quá băn khoăn. Đang như thế này lại sáp nhập, có người tăng chức, có người xuống chức, đang ở gần lại đi xa...”, ông Môn nói song cũng khẳng định, Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng đã đưa ra kịch bản giải quyết tất cả khó khăn.

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn

Ảnh Hải Ninh

“Chúng tôi khẳng định đồng thuận rất cao, sáp nhập vào là sẽ thuận lợi. Khó khăn là trước mắt, thuận lợi là lâu dài. Sáp nhập vào rất nhiều băn khoăn nhưng có Đảng, nhà nước, hệ thống chính trị tuyên truyền vận động. Từ băn khoăn sẽ chuyển sang thuận lợi, sang đồng thuận”, ông Môn quả quyết.
Cũng theo ông Môn, hiện tại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng tình sáp nhập 2 huyện Thông Nông và Hà Quảng (tại phiên họp 41). Đây là 2 huyện thuộc khu vực miền Tây khó khăn nhất của tỉnh. Trong khi đó 4 huyện đề nghị sáp nhập còn lại là Phục Hòa, Quảng Uyên, Trà Lĩnh, Trùng Khánh thuộc khu vực miền Đông của tỉnh là 2 cặp thuận lợi nhất lại không đồng ý thì dễ sinh ra tâm tư.
“Chúng tôi trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm đồng ý thông qua sáp nhập các huyện này để Cao Bằng chuẩn bị đại hội đảng các cấp, sắp xếp nhân sự đồng thời chuẩn bị chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”, ông Môn nói và cho biết thêm là hiện nhân dân Cao Bằng đang khí thế, phấn khởi, tin tưởng.

Chúng ta cũng tâm tư chứ đừng nói cấp huyện

Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo báo cáo của Bí thư Tỉnh ủy và cơ quan của Chính phủ đã khá rõ, là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, quyết định.
“Tất nhiên ta không cứng nhắc, không sáp nhập hữu cơ nhưng nếu Bí thư Tỉnh ủy nói Tỉnh ủy Cao Bằng, Hội đồng nhân dân Cao Bằng đã đồng thuận cao. Đồng thời nếu nhập các cặp này sẽ phát triển kinh tế tốt hơn, phòng thủ quốc phòng tốt hơn, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội tốt hơn thì điều đó là yếu tố mà ta đang lo lắng đã được bảo đảm”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Tuy nhiên, bà Ngân cũng cho rằng, chuyện tâm tư, băn khoăn khi sáp nhập thì ở địa phương nào, cấp nào cũng có.
“Còn tâm tư thì tất nhiên rồi. Tách ra thì có thêm ghế để ngồi, nhập vào thì người thế này, người thế khác. Đó là tâm tư, băn khoăn. Chúng ta cũng thế thôi chứ đừng nói cấp huyện”, bà Ngân nói .
Nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó cũng bày tỏ tán thành với việc sáp nhập 4 huyện của Cao Bằng. Tuy nhiên, nhiều thành viên cũng đề nghị Cao Bằng cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, giải quyết tâm tư, tình cảm cho cán bộ, nhân dân.

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tại phiên họp đã biểu quyết đồng ý thông qua Nghị quyết

Ảnh Hải Ninh

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng khi sáp nhập thì vấn đề quốc phòng, an ninh không có vấn đề gì song cái đáng nghĩ là khi sáp nhập thì phong tục, tập quán khác nhau dễ dẫn đến chuyện trục trặc.
“Đang yên đang lành không ai muốn sáp nhập là gì. Rồi sắp xếp cán bộ. Sắp xếp thế này không biết vai trò của mình ở đâu nên tâm tư”, ông Tỵ nói và đề nghị Cao Bằng cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền khi mọi quy trình đã làm chặt chẽ như báo cáo.
Do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết riêng về việc sáp nhập 4 huyện của tỉnh Cao Bằng. Kết quả 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập 4 huyện của Cao Bằng.
Đồng thời 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý thông qua Nghị quyết sáp nhập các huyện, xã của 5 tỉnh, thành còn lại.
Theo đề án của các tỉnh, thành thì ngoài 4 huyện của Cao Bằng, sẽ có 81 đơn vị cấp xã và 4 huyện tiến hành sắp xếp. Cụ thể, Thái Bình có 47 đơn vị cấp xã; Lào Cai 19 đơn vị cấp xã; Hà Nội 10 đơn vị cấp xã; Cần Thơ 3 đơn vị cấp xã, Khánh Hòa 2 đơn vị cấp xã. Sau khi thực hiện sắp xếp tại các tỉnh, thành phố này sẽ giảm được 2 đơn vị cấp huyện và 44 đơn vị cấp xã.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.