Tai nạn tàu lượn siêu tốc: Ai kiểm định độ an toàn ?

Kim Lan
Kim Lan
17/01/2021 06:09 GMT+7

Tai nạn tàu lượn siêu tốc chết người ở Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (TT.Thanh Thủy, H.Thanh Thủy, Phú Thọ) khiến bạn đọc Báo Thanh Niên giật mình về khâu “kiểm tra độ an toàn” của những trò chơi nguy hiểm này.

Như Thanh Niên đã đưa tin, khoảng 12 giờ 30 ngày 14.1, tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh xảy ra vụ tai nạn khi du khách đang chơi trò "tàu lượn siêu tốc" khiến 1 người chết, 2 người bị thương. Cả 3 nạn nhân đều là học sinh Trường THPT H.Đông Anh (Hà Nội).
Sau sự cố "tàu lượn siêu tốc" văng khỏi đường ray, cơ quan chức năng đã đình chỉ mọi hoạt động trong khu du lịch để phục vụ điều tra.

Quy trình kiểm định như thế nào ?

Bạn đọc (BĐ) Ngo The Hung nhận xét tai nạn thương tâm này “là một cảnh báo cho cơ quan chức năng trong việc cấp phép những trung tâm vui chơi có loại hình đu quay, tàu lượn vốn phải theo một tiêu chuẩn an toàn nhất”. Tán thành, BĐ Đức Huỳnh Quang cho rằng “các trò chơi cảm giác mạnh cần phải được kiểm tra mức độ an toàn tuyệt đối”, thế nhưng tai nạn đau lòng vẫn xảy ra, mặc dù chủ đầu tư khu du lịch khẳng định “hệ thống này được đơn vị bảo dưỡng thường xuyên hằng năm, đã được kiểm định vào ngày 12.5.2020 và còn thời hạn kiểm định đến ngày 12.5.2021”.

Tôi không bao giờ dám cho con tôi đi tàu lượn siêu tốc. Thật sự buồn khi sự việc này xảy ra. Đây là bài học cho mọi người khi muốn tham gia trò chơi này ở Việt Nam.    

Phuong Vuong

BĐ Dương Văn Tuấn băn khoăn: “Không biết quy trình kiểm định trò chơi cảm giác mạnh này như thế nào? Cơ quan nào kiểm định?”. Câu hỏi của BĐ Dương Văn Tuấn cũng là câu hỏi chung của đa số BĐ vì “những trò chơi kiểu này cần có kiểm định của nhà nước, phải đảm bảo độ nghiêm ngặt về an toàn”, như ý kiến của BĐ Cao Quang.

Đọc được thông tin này thì chắc ai chơi các trò chơi cảm giác mạnh, nguy hiểm trong các khu vui chơi giải trí phải cân nhắc lắm.

Anh lái tàu họ Nhạc

Chứ nếu chỉ có một con dấu “còn hạn kiểm định” mà đơn vị kiểm định không đủ trình độ, năng lực, thì như BĐ Anh lái tàu họ Nhạc nhận xét: “Tai nạn quá thương tâm, chia buồn cùng các cháu và thân nhân. Thực sự mình cũng không biết các trò chơi cảm giác mạnh, nguy hiểm ở các khu vui chơi giải trí có tuân theo một tiêu chuẩn an toàn nào, và có quy định cấp kiểm định không, chứ nếu kiểm định kiểu tự biên tự diễn thì quá nguy hiểm”.

Cần tổng rà soát

Nhiều BĐ lưu ý mô hình kinh doanh “tàu lượn siêu tốc” xuất hiện nhiều tại các khu du lịch ở Việt Nam, với đủ loại quy mô, từ “siêu to khổng lồ” ở các khu vui chơi bề thế đến “tháo lắp chớp nhoáng” ở các công viên, hội chợ…

Các nước như Mỹ, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc… vẫn có trò chơi tàu lượn siêu tốc, rất phổ biến và nhiều người chơi. Tôi đã tham gia nhiều lần. Nhưng các trò chơi được kiểm tra rất kỹ lưỡng, và đều có người quan sát.

th***@gmail.com

BĐ Tran Huynh Duc nêu ý kiến: “Theo tôi được biết, dạng trò chơi tàu lượn kiểu này ở các nước người ta đã cấm lâu rồi… Vậy mà nó vẫn tồn tại ở Việt Nam”. Tuy nhiên, nhiều BĐ không đồng ý với BĐ Tran Huynh Duc khi cho biết nhiều khu vui chơi nổi tiếng trên thế giới vẫn duy trì loại hình “trò chơi mạo hiểm” này và “họ kiểm soát rất gắt gao quy chuẩn an toàn”.
Qua vụ việc đáng tiếc trên, BĐ Phương Vân: “Đề nghị cơ quan chức năng tiến hành tổng rà soát, kiểm tra dịch vụ "tàu lượn siêu tốc" trên cả nước nói chung, các loại hình dịch vụ này trong các khu du lịch nói riêng, để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc tương tự. Việc kiểm tra cũng cần chú trọng thực chất, đưa ra những tiêu chí kỹ thuật rõ ràng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.