Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh

01/01/2021 09:26 GMT+7

Yêu cầu đặt ra là ở bất kỳ thời điểm nào, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid -19 cũng như các địa phương đều có thể tra cứu có bao nhiêu người thuộc diện cách ly hay giám sát y tế tại nơi cư trú.

Ngày 31.12.2020, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ), chủ trì cuộc họp Thường trực BCĐ, nghe báo cáo về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phòng, chống dịch bệnh trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông vận tải, công thương, du lịch.

IVAC thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên người trong tháng 1.2021

 TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC; thuộc Bộ Y tế, trụ sở tại TP.Nha Trang, Khánh Hòa), cho biết vắc xin Covid-19 của IVAC đã hoàn thành các đánh giá thử nghiệm an toàn trên động vật và đơn vị đã báo cáo Bộ Y tế để thử nghiệm trên người, dự kiến vào ngày 21.1.2021. Theo kế hoạch, IVAC sẽ phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Đại học Y Hà Nội để thử nghiệm lâm sàng vắc xin với nhiều nhóm đối tượng và 3 giai đoạn. Nếu suôn sẻ, cuối năm 2021 vắc xin Covid-19 của IVAC sẽ hoàn tất các khâu nghiên cứu, sản xuất và mỗi năm đơn vị có thể cung cấp 6 triệu liều vắc xin Covid-19, có thể mở rộng công suất lên 30 triệu liều.     
Nguyễn Chung
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh, đến nay có 81% cơ sở giáo dục tự đánh giá các biện pháp phòng dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm.
Lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo, đến nay tất cả bệnh viện đã tự đánh giá định kỳ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và cập nhật thông tin, nhưng mới có khoảng 30% trong tổng số 25.000 trạm y tế cơ sở, phòng khám tư nhân triển khai.
Đại diện Bộ VH-TT-DL cho biết chỉ quản lý được các khách sạn, còn các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ, nhà nghỉ thì thuộc ngành công an quản lý nhưng phối hợp giữa hai bộ vẫn chưa thông suốt.
Bộ GTVT ước tính có khoảng 110.000 xe taxi, xe khách đường dài, xe buýt đô thị đã có thiết bị giám sát hành trình, tài xế có thể tự khai, đánh giá và cập nhật thông tin. Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành việc này trong nửa sau của tháng 1.2021.
Còn đại diện Bộ Công thương cho biết đã có hệ thống dữ liệu các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, đã ban hành hướng dẫn phòng, chống dịch. Vấn đề là cần có công cụ để các ban quản lý chợ, chủ siêu thị thực hiện rà soát, tự đánh giá các biện pháp phòng chống dịch và cập nhật thông tin.
Thường trực BCĐ thống nhất giao Bộ Y tế, Bộ TT-TT, Bộ KH-CN khẩn trương hoàn thiện các công cụ để phục vụ công tác theo dõi, giám sát y tế trực tiếp trên địa bàn cũng như kiểm tra từ xa của BCĐ. Yêu cầu đặt ra là ở bất kỳ thời điểm nào, BCĐ cũng như các địa phương đều có thể tra cứu để nắm được trên địa bàn đã có bao nhiêu người thuộc diện cách ly tập trung, hay theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú.

Cảnh báo nguy cơ xuất hiện ổ dịch Covid-19 trong bệnh viện

Cùng ngày, BCĐ thông báo ghi nhận 9 bệnh nhân (BN) Covid-19, là các BN thứ 1457 - 1465 tại VN, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hải Dương (1 ca), Bình Dương (5), TP.HCM (2) và Hà Nội (1). Trong ngày có thêm 2 ca được công bố khỏi bệnh là BN 1344 và BN 1384.
Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cùng ngày cho biết, việc nhiều người thường xuyên ra vào bệnh viện, trong đó có những người mang nguy cơ nhiễm bệnh và phát tán bệnh, khiến bệnh viện là môi trường đặc biệt dễ cho dịch lây lan. Do đó, các cán bộ y tế phải luôn chủ động tình huống dịch Covid-19 xuất hiện trong bệnh viện, chủ động giám sát và kịp thời ứng phó. Cục này đang lấy ý kiến các chuyên gia góp ý cho hướng dẫn quốc gia an toàn người bệnh, phòng ngừa sự cố y khoa và phòng chống dịch trong bệnh viện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.